Nga trình làng UAV cảm tử mới nhất
Hãng thông tấn Tass ngày 18/11 đưa tin, các đơn vị quân đội Nga bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (UAV) Scalpel trong khu vực tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
"Chúng tôi đã bắt đầu sản xuất Scalpel ở quy mô nhỏ. Hiện tại, 20 chiếc được sản xuất hàng tháng. Nếu cần thiết, quy mô sản xuất có thể được mở rộng đáng kể. Hiện tại, một lô Scalpel với số lượng 15 sản phẩm đã được chuyển đến khu vực chiến sự", Cục thiết kế Vostok - nhà sản xuất máy bay không người lái Scalpel cho biết.
Các quân nhân Nga được cho là đã đánh giá cao tính năng của UAV mới. "Các nhận định từ phi công chủ yếu là tích cực: thiết bị được kiểm soát tốt, chính xác, ổn định khi bay và dễ nhằm mục tiêu. UAV cũng được đánh giá là có quá trình chuẩn bị tác chiến đơn giản", Cục thiết kế Vostok thông tin thêm.
Scalpel được xem là phiên bản rẻ hơn của máy bay không người lái tự sát nổi tiếng Lancet do công ty ZALA thuộc tập đoàn Kalashnikov sản xuất. Cục thiết kế Vostok thừa nhận rằng, Scalpel chưa thể so sánh với Lancet ở một số tính năng nhưng điều này có thể hiểu được, do giá thành của Scalpel rẻ hơn đáng kể.
Mỗi chiếc Scalpel có giá khoảng 3.300 USD, bằng khoảng 1/10 giá thành của Lancet. Tầm hoạt động của Scalpel lên tới 40km, tốc độ bay tối đa 120km/h, tải trọng lên tới 5kg và trọng lượng cất cánh 10,5kg.
"UAV sẽ có mức giá phải chăng. Một số linh kiện của thiết bị được sản xuất ở nước ngoài, nhưng phần lớn là sản phẩm của Nga. UAV này nổi bật bởi kích thước nhỏ gọn phù hợp với trọng lượng tải trọng, hiệu suất sử dụng năng lượng tối đa cũng như dễ sản xuất và vận hành", nhà phát triển Scalpel cho biết.
Sự xuất hiện của Scalpel được kỳ vọng sẽ làm gia tăng năng lực quân sự của Nga trong thời gian tới tại một cuộc xung đột mà UAV ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trước đó, Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu Lancet, viện dẫn nhu cầu nội địa tăng mạnh.
Mỹ ủng hộ chính quyền Palestine quản lý cả Gaza và Bờ Tây
Báo điện tử VOV đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/11 đã có bài viết được đăng trên tờ Washington Post qua đó bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước. Theo ông, Gaza và Bờ Tây cần được thống nhất và nằm dưới sự quản lý của chính quyền Palestine.)
Tổng thống Biden cũng phản đối việc bắt buộc người dân Palestine rời khỏi Gaza, tái chiếm đóng Gaza, bao vây hoặc cấm vận và cắt giảm lãnh thổ ở Gaza. Bài viết của ông nhằm trả lời câu hỏi Mỹ muốn gì cho Gaza khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas chấm dứt.
Trước đó, chính quyền Palestine từng quản lý cả Bờ Tây và Gaza nhưng đã bị lật đổ cuối năm 2007 sau một cuộc nội chiến ngắn với Hamas.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/11, Israel đã đưa ra cảnh báo mới, kêu gọi người Palestine ở thành phố Khan Younis (miền Nam Gaza) phải di dời về phía Tây ra khỏi vùng lửa và đến gần hơn với viện trợ nhân đạo. Đây được cho là dấu hiệu mới nhất cho thấy Israel có kế hoạch tấn công Hamas ở Nam Gaza sau khi chinh phục miền Bắc.
Thông báo trên kênh MSNBC, trợ lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - ông Mark Regev cho biết: "Chúng tôi đang yêu cầu mọi người di dời. Tôi biết điều đó không dễ dàng với nhiều người trong số họ, nhưng chúng tôi không muốn thấy dân thường bị cuốn vào cuộc giao tranh".
Động thái trên có thể buộc hàng trăm nghìn người Palestine chạy trốn về phía Nam phải di dời một lần nữa, cùng với cư dân của Khan Younis, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang rất nghiêm trọng. Khan Younis hiện có dân số hơn 400.000 người.
Phương Uyên (T/h)