Hà Lan điều tiêm kích chặn nhóm máy bay Nga
Ngày 13/2, Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết đã điều 2 tiêm kích F-35 chặn đội hình gồm 3 máy bay quân sự của Nga ở khu vực gần Ba Lan và hộ tống những máy bay này ra khỏi đó.
“Những chiếc máy bay khi đó đã tiếp cận khu vực thuộc trách nhiệm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ba Lan từ hướng Kaliningrad”, thông cáo cho biết. “Sau khi nhận dạng, có 3 máy bay: Một chiếc IL-20M Coot-A được 2 chiếc Su-27 Flanker hộ tống. Hai chiếc F-35 của Hà Lan đã hộ tống đội hình này từ xa và bàn giao công việc cho các đối tác NATO”.
Kaliningrad là một vùng đất biệt lập thuộc Nga giáp biển Baltic, kẹt giữa hai thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) là Ba Lan và Lithuania.
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận
Ngày 14/2, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thông báo, hệ thống phòng không MANPAD của tàu đổ bộ cỡ lớn Đô đốc Nevelskoy thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã phá hủy một máy bay không người lái (UAV) trong một cuộc tập trận gần quần đảo Nam Kuril có tranh chấp (Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc).
"Theo kế hoạch tập trận, thủy thủ đoàn của tàu Đô đốc Nevelskoy phát hiện một UAV xuất phát từ đảo hoang của một nhóm phá hoại. Trong quá diễn tập, nhân viên đã sử dụng hệ thống Igla MANPAD để đánh chặn. UAV của kẻ địch đã bị hai tên lửa phá hủy", thông cáo của hạm đội xác nhận.
F-16 Mỹ bắn hụt vật thể không xác định
Ngày 14/2, CNN dẫn ba nguồn tin riêng cho biết, tên lửa không đối không đầu tiên được phóng đi từ chiếc F-16 của không quân Mỹ đã không bắn trúng vật thể bay không xác định (UFO) gần hồ Huron, bang Michigan.
Trong các thông báo của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng trước đó sau vụ bắn hạ UFO (12/2) đều không nhắc đến chi tiết này.
Trong cuộc họp báo ngày 12/2, Đại tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc (NORTHCOM) và Bộ Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) có chia sẻ với các phóng viên rằng việc xác định và nhắm mục tiêu rất khó khăn vì vật thể có kích thước nhỏ.
Mộc Miên (T/h)