Nga phát lệnh bắt giữ lãnh đạo tình báo Ukraine
Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Tass cho biết, Nga đã ban hành lệnh bắt giữ người đứng đầu Tổng cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) Kirill Budanov sau khi đưa ông này vào danh sách truy nã.
Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ Nga, ông Budanov đang bị truy nã với các cáo buộc hình sự chưa xác định nhưng tội danh khiến người này bị truy nã không được công bố.
Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) trước đó đã chỉ đích danh ông Budanov (37 tuổi), là người tổ chức vụ tấn công khủng bố ở cầu Crimea vào ngày 8/10/2022. Vụ nổ khiến 7 thùng nhiên liệu trên một đoàn tàu đang chạy trên cầu bốc cháy. Một phần đường ôtô ở hai nhịp cầu bị sập khiến 4 người thiệt mạng.
Ông Budanov bị buộc tội vắng mặt với 4 tội danh bao gồm thành lập một nhóm khủng bố, cố gắng thực hiện một cuộc tấn công khủng bố được chuẩn bị trước bởi một nhóm cá nhân và mua trái phép vũ khí và chất nổ
Tòa án quận Lefortovo ở thủ đô Moscow đã ra lệnh bắt giữ vắng mặt ông này trong 2 tháng. Thời điểm bắt giữ ông này sẽ bắt đầu khi bị dẫn độ về Nga hoặc bị giam giữ trên lãnh thổ Nga.
Hôm 3/10, Ủy ban Điều tra Nga đã buộc tội vắng mặt ông Budanov và một số chỉ huy quân sự khác vì đã ra lệnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Nga trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2023. Các nhà điều tra cho biết thêm rằng, trong thời gian tới họ sẽ chính thức đưa những cá nhân này vào danh sách truy nã.
Tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ thiếu thủy thủ
Báo điện tử VTC News dẫn nguồn tin từ tạp chí Forbes cho biết, tình trạng thiếu nhân sự trên tàu sân bay mới nhất của hải quân Mỹ - USS Gerald R. Ford (CVN-78) là kết quả của việc hàng trăm thủy thủ trên tàu bị cắt giảm nhân sự trong một năm qua mà không có sự thay thế.
Chỉ trong một năm đã có khoảng 500 đến 600 thủy thủ trên USS Gerald R. Ford bị cắt giảm. Điều này đẩy thủy thủ đoàn vận hành tàu sân bay này xuống mức thấp kỷ lục và thấp hơn nhiều so với khung nhân sự cơ bản được hải quân Mỹ công bố trước đó là khoảng 2.300 thủy thủ.
Trong một bức thư được cho là của Thuyền trưởng tàu USS Gerald R. Ford - Đại úy Rick Burgess, vị chỉ huy này nói rằng USS Gerald R. Ford có thủy thủ đoàn 4.070 người, trong đó bao gồm 2.380 thủy thủ vận hành, 1.550 thủy thủ thuộc phi đoàn tiêm kích số 8 và một số vị trí khác.
Bức thư trên cho thấy nhân sự USS Gerald R. Ford đã giảm mạnh so với một năm trước đó. Theo đó thủy thủ đoàn trên tàu trong năm 2022 lên đến 4.700 người, riêng thủy thủ đoàn vận hành đã 2.700 thủy thủ.
Theo chương trình tàu sân bay hạt nhân lớp Ford do Lầu Năm Góc công bố, USS Gerald R. Ford có thủy thủ đoàn 4.539 người, con số này thấp hơn đáng kể so với lớp tàu sân bay Nimitz đang được hải quân Mỹ sử dụng, khoảng 5.000 - 5.200 người.
Theo các chuyên gia của Forbes, việc USS Gerald R. Ford cắt giảm nhân sự có thể liên quan đến cam kết của hải quân Mỹ về giảm 20% trên tàu sân bay mới so với lớp Nimitz. Việc duy trì thủy thủ đoàn vận hành hơn 2.700 người trên USS Gerald R. Ford sẽ không đáp ứng được mục tiêu.
Theo các tuyên bố của hải quân Mỹ, việc cắt giảm nhân sự ở lực lượng này không phải là thường xuyên và chỉ mang tính thí điểm ở một số đơn vị. Việc cắt giảm nhân sự ở USS Gerald R. Ford đã được lên kế hoạch từ trước và con tàu này vẫn đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Kể từ khi thuyền trưởng Burgess nắm quyền chỉ huy tàu USS Gerald R. Ford vào cuối tháng 4/2023, tàu sân bay này cũng chính thức thực hiện nhiệm vụ tác chiến đầu tiên vào tháng 5. Đây cũng là thời điểm thủy thủ đoàn bị cắt giảm. Dù hải quân Mỹ và chỉ huy USS Gerald R. Ford nhiều lần lên tiếng về việc cắt giảm nhân sự trên tàu sân bay mới nhưng các cơ quan khác của hải quân Mỹ lại không xác nhận thông tin này.
Phương Uyên(T/h)