Australia mua hàng loại vũ khí của Hàn Quốc
Yonhap đưa tin, Australia đã ký hợp đồng mua 30 đơn vị lựu pháo tự hành K-9 Thunder và 15 đơn vị xe tiếp tế đạn dược bọc thép K-10. Một nguồn tin trong ngành cho biết, hợp đồng trị giá 930 tỷ won (788 triệu USD).
Hãng Bloomberg cho hay, hai nước cũng cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại các loại khoáng sản quan trọng và năng lượng sạch thông qua các thoả thuận được ký kết bởi Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Canberra. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo quốc tế tới Australia kể từ khi nước này bắt đầu mở lại biên giới trong tháng 12.
"Chúng tôi chia sẻ quan điểm về vai trò của các nền dân chủ tự do trong thế giới ngày nay và đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Thủ tướng Australia nói với các phóng viên sau khi ký 4 thoả thuận với phía Hàn Quốc.
Mỹ muốn bán tàu chiến cho Hy Lạp, Pháp nói "không lo"
“Từ khi chúng tôi thảo luận với các đối tác Hy Lạp, thì lời đề nghị bán tàu chiến của phía Mỹ không còn được tính đến. Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Hy Lạp”, hãng tin RT dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết.
Theo Bộ Quốc phòng Pháp, hợp đồng quân sự của họ với chính quyền Athens đã được “ký kết một vài ngày trước”, trước thời điểm Bộ Ngoại giao Mỹ công bố việc phê chuẩn bán tàu khu trục và nâng cấp chiến hạm cho Hy Lạp.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hy Lạp cũng xác nhận thương vụ mua tàu chiến của Pháp đã ở “giai đoạn cuối”, khi hợp đồng này được thương lượng bởi “cấp cao nhất có thể, và được đích thân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis công bố”.
Tàu ngầm Mỹ lần đầu lộ diện sau khi vỡ mũi vì va chạm ở Biển Đông
Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf - USS Connecticut của Hải quân Mỹ đã cập cảng San Diego (bang California) vào sáng 12/12 sau một quãng đường dài từ đảo Guam. Trước đó, tàu ở lại đảo Guam khoảng 2 tháng để sửa chữa sơ bộ sau vụ va chạm với núi ngầm ở Biển Đông ngày 2/10.
Hình ảnh mới được hé lộ cho thấy tàu Connecticut hư hỏng nặng phần mũi. Toàn bộ vòm sonar ở mũi tàu đã không còn. Đây là lí do con tàu buộc phải bơi nổi trong suốt hành trình từ đảo Guam đến San Diego.
Tàu Connecticut không ở lại đảo Guam là vì căn cứ này không có ụ tàu để tiến hành sửa chữa những bộ phận quan trọng. Địa điểm gần nhất có ụ tàu là Trân Châu Cảng, nhưng vì số tàu ngầm lớp Seawolf của quân đội Mỹ khá ít nên việc sửa chữa sẽ không đơn giản.
Mộc Miên (T/h)