Anh lên kế hoạch gửi xe thiết giáp cho Ukraine
Bộ Quốc phòng Anh đang cân nhắc nhiều lựa chọn, bao gồm cả gửi cho Kiev một loại xe tuần tra được bảo vệ tốt như xe bọc thép bánh hơi Mastiff hoặc một loại xe có thể được sử dụng để do thám hay tuần tra tầm xa như xe thiết giáp Jackal.
The Times trích dẫn một nguồn tin quốc phòng hé lộ, trước khi chuyển giao, các xe thiết giáp nói trên sẽ được tháo gỡ thiết bị nhạy cảm. Binh sĩ Anh dự kiến sẽ được cử đến một nước láng giềng của Ukraine để đảm trách việc huấn luyện các lực lượng Kiev sử dụng chúng.
Trong vài ngày tới, Chính phủ Anh sẽ công bố thêm các viện trợ vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả các tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không.
Tàu ngầm hạt nhân USS Albany của Mỹ bất ngờ xuất hiện gần Nga
Đài phát thanh quốc gia Na Uy cho biết, tàu ngầm hạt nhân USS Albany của Mỹ đã cập cảng Grotund gần thành phố Tromso, miền Bắc nước này vào chiều 5/4.
Phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trang Na Uy - ông Elisabeth Eikeland nói rằng chuyến thăm của tàu ngầm hạt nhân Mỹ là một "hoạt động tác chiến", và không được thông báo trước cho người dân địa phương vì nguyên tắc hạn chế thông tin. Bà Eikeland cũng không nói rõ tàu USS Albany sẽ lưu lại cảng Grotund trong thời gian bao lâu.
Tromso là thành phố lớn nhất ở Tây Âu phía trên Vòng Bắc Cực. Đây là một trong những địa điểm tại Na Uy có nhiệm vụ tiếp nhận tàu từ các đồng minh trong thời gian gần đây.
Mỹ cảnh báo Ấn Độ mua vũ khí của Nga hoàn toàn không có lợi
Hôm 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết việc Ấn Độ tiếp tục mua các hệ thống vũ khí của Nga là "không phải lợi ích tốt nhất của họ" và Washington sẽ "yêu cầu" lãnh đạo New Delhi phải hoán đổi, mua lại một số loại vũ khí của Mỹ và đồng minh.
Ông Lloyd Austin cho rằng, Mỹ có “những hệ thống vũ khí tốt nhất trên thế giới” và sẽ cung cấp chúng cho New Delhi. “Chúng tôi tiếp tục làm việc với Ấn Độ để đảm bảo họ hiểu rằng việc tiếp tục đầu tư vào thiết bị của Nga không mang lại lợi ích… tốt nhất của họ”, ông Austin nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ.
“Yêu cầu của Lầu Năm Góc trong tương lai là Ấn Độ phải giảm quy mô các loại thiết bị đang đầu tư và chuyển hướng sang những loại vũ khí mà Mỹ có thể hợp tác”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói thêm.
Mộc Miên (T/h)