20.000 lính đánh thuê nước ngoài tham chiến ở Ukraine
Ngày 14/6, Independent dẫn lời chỉ huy một đơn vị lính đánh thuê cho biết, có tổng cộng gần 20.000 chiến binh nước ngoài hiện đang tham chiến cùng quân đội Ukraine.
Quân đoàn Georgia là nhóm chiến binh nước ngoài lớn nhất hiện đang tham chiến ở Ukraine. Trong đó nhóm đến từ Anh xếp thứ 2 về quy mô, đứng thứ 3 là Mỹ.
Quân đoàn Georgia được thành lập khi xung đột nhen nhóm ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014. Theo Mamuashvili, khoảng 70 - 80% chiến binh nước ngoài đến Ukraine thông qua Quân đoàn Georgia, nhưng phần lớn sau đó chuyển sang Quân đoàn Quốc tế, vì Mamuashvili yêu cầu kinh nghiệm chiến đấu cao hơn.
Mỹ chuyển đạn rocket dẫn đường hạng nặng tới Ukraine
Mỹ sẽ gửi cho Ukraine đạn rocket dẫn đường hạng nặng có tầm bắn 70km để sử dụng với các hệ thống pháo phản lực HIMARS.
Thông tin trên được Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng của Lầu Năm Góc, ông Colin Kahl cho biết tại 1 hội nghị do Trung tâm An ninh Mỹ (CNAS) tổ chức ngày 14/6/2022.
Vị quan chức Lầu Năm Góc nói rằng, hệ thống pháo phản lực có tính cơ động cao (HIMARS) sẽ được gửi đến Kiev cùng với đạn rocket dẫn đường GMLRS. “GMLRS là loại vũ khí dẫn đường chính xác”, ông Kahl cho biết thêm.
Triều Tiên có thể đã chi 642 triệu USD cho vũ khí hạt nhân trong năm 2021
Trong báo cáo về chi tiêu cho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu công bố ngày 14/6, Chiến dịch Quốc tế về Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) đưa ra con số ước tính trên dựa trên giả định Triều Tiên tiếp tục chi 1/3 tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho quân sự và 6% ngân sách quân sự của nước này chi tiêu cho vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, không có dữ liệu xác thực về chi tiêu cho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay quy mô kho vũ khí của nước này.
Tuy nhiên, với mức ước tính như trên, Triều Tiên vẫn là nước chi tiêu thấp nhất cho vũ khí hạt nhân trong số 9 quốc gia sở hữu loại vũ khí này, theo báo cáo của ICAN. Ước tính chi tiêu cho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ bằng một nửa quốc gia xếp ngay trên là Pakistan.
Mộc Miên (T/h)