+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 7/2: Ăn lẩu bếp gas mini, người đàn ông bị nát bàn tay

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/2/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 7/2/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/2/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 7/2/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Ăn lẩu bếp gas mini, người đàn ông bị nát bàn tay

    Hình minh họa.

    Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 48 tuổi, ở huyện Đoan Hùng bị thương do bình ga mini phát nổ.

    Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau đớn dữ dội, vết thương phức tạp, bàn tay phải chảy máu nhiều, mất đốt đầu tiên các ngón 2, 3, 4, đầu ngón tay cái gần đứt rời kèm vết thương phức tạp lòng bàn tay, lộ gân, xương.

    Kết quả chụp X-quang bàn tay cho thấy hình ảnh trật khớp ngón 1 tay phải, gãy xương bàn 5 lan vào nền xương, chỏm xương bàn 3, 4.

    Ngay lập tức, bệnh nhân được cầm máu, phẫu thuật vi phẫu nối gân, cơ, mạch máu, xương bàn tay phải để bảo tồn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi tại khoa Hồi sức cấp cứu.

    Gia đình cho biết trên VietnamNet, bệnh nhân cùng người thân ăn lẩu bằng bếp gas mini. Bình gas bị kẹt không thể lấy ra nên bệnh nhân loay hoay sửa, bất ngờ bình gas phát nổ.

    Mỗi năm, các bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca tai nạn do bình gas mini phát nổ. Các trường hợp bị dập nát ngón tay, bàn tay, nặng phải cắt cụt cả cánh tay, bỏng nặng toàn thân…

    Theo khuyến cáo, bình gas mini không được phép tái sử dụng. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng bếp gas mini, người dân tuyệt đối không sử dụng bếp gas đã tróc sơn, gỉ sét, chốt bình gas bị kẹt và tuyệt đối không sử dụng bình gas đã cũ.

    Trẻ tiêu chảy cấp nguy hiểm vì uống thuốc cam

    Loại thuốc cam mà gia đình cho trẻ uống. (Ảnh: BV)

    Các bác sĩ của bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi được mẹ đưa đến khám vì đi ngoài liên tục.

    Mẹ bệnh nhi cho biết trên báo Sức khỏe & Đời sống, trước đó, khi bé đi ngoài nhiều lần trong ngày gia đình đã tự cho bé uống thuốc tại nhà. Trong số thuốc mà mẹ mang theo để bác sĩ xem có một gói thuốc bột mà dân gian thường gọi là thuốc cam. Gói thuốc này do ông bà cho cháu uống. Sau khi uống thuốc, tình trạng cháu không có tiến triển nên mẹ đã đưa đến bệnh viện.

    Theo các bác sĩ, may mắn là gia đình mới cho bệnh nhi uống 2 lần thuốc bột này với liều lượng ít nên chưa có ảnh hưởng xấu. Các kết quả thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng vẫn nằm trong ngưỡng bình thường.

    Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị tiêu chảy cấp và kê đơn, hướng dẫn gia đình chăm sóc, theo dõi và hẹn khám khi có dấu hiệu bất thường.

    Các bác sĩ cảnh báo, hiện vẫn còn nhiều người dân có thói quen sử dụng các loại thuốc Nam, thuốc cam để điều trị bệnh. Việc sử dụng tràn lan các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề đáng tiếc cho sức khỏe của trẻ.

    Vì vậy, các bậc phụ huynh tuyệt đối không tùy tiện cho con sử dụng các phương thuốc dân gian không rõ nguồn gốc mà nên đưa con đến ngay các cơ sở y tế khi con có dấu hiệu bị bệnh để được thăm khám, điều trị đúng cách.

    TP.HCM thực hiện khai báo y tế điện tử

    Từ ngày 8/2, sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai khai báo y tế điện tử thay vì bằng giấy như trước đây.

    Theo đó, sở Y tế TP.HCM vừa ban hành văn bản thực hiện khai báo y tế điện tử và hướng dẫn khai thác kỹ yếu tố dịch tễ của bệnh nhân khi đến khám bệnh tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

    Theo sở Y tế, hiện tại, 80% bệnh nhân không có triệu chứng do biến thể mới của virus nCoV. Vì vậy, TP.HCM triển khai khai báo y tế điện tử thay vì các phần mềm riêng lẻ và bằng giấy như trước đây.

    Ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế sẽ tạo sự thuận tiện cho người khai báo, dễ dàng cập nhật các yếu tố dịch tễ, tích hợp phần mềm cảnh báo cho nhân viên chịu trách nhiệm xử lý nội dung khai báo.

    Bên cạnh đó, đơn vị này còn yêu cầu y, bác sĩ của các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường khai thác yếu tố dịch tễ nhằm tránh bỏ sót trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh.

    Sở Y tế đề nghị HCDC cập nhật kịp thời các căn cứ dịch tễ học để hướng dẫn chỉ định cách ly và xét nghiệm cho nhân viên y tế; cập nhật các nội dung khai báo y tế đúng quy định để giúp sàng lọc, phân luồng, cách ly, xét nghiệm kịp thời và chính xác các ca nghi nhiễm.

    Bên cạnh đó, kịp thời kiểm tra thông tin và xử lý đối với những trường hợp thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ. Ngoải ra, phân công cán bộ phụ trách, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn chuyên môn cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc xử lý các trường hợp có yếu tố nguy cơ.

    Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên địa thành phố có trách nhiệm phổ biến cho các bác sĩ về tăng cường khai thác yếu tố dịch tễ dựa trên hướng dẫn của HCDC để chỉ định cách ly và xét nghiệm kịp thời các trường hợp nghi nhiễm.

    Đồng thời, triển khai chuyển đổi số trong hoạt động khai báo y tế tại đơn vị, tổ chức triển khai thống nhất hệ thống khai báo y tế điện tử tại đơn vị, thay thế cho các hình thức khai báo thủ công bằng giấy và các phần mềm khai báo riêng lẻ của các đơn vị.

    Ngoài ra, phân công bộ phận chuyên trách quản lý khai báo y tế tại đơn vị, hoạt động 24/7, chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-ngay-72-an-lau-bep-gas-mini-nguoi-dan-ong-bi-nat-ban-tay-a355429.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan