Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/6/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 9/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Cặp song sinh dính liền nhau, có chung hậu môn
Theo báo Người đưa tin, ngày 7/6, bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (huyện Bình Chánh, TP. HCM) cho biết, nơi đây đang điều trị hồi sức tích cực cho hai bé gái song sinh bị dính nhau ở vùng bụng chậu và có chung hậu môn tại khoa Hồi sức sơ sinh.
Ê-kíp đỡ đẻ cẩn thận đỡ em bé ra khỏi bụng mẹ. Ảnh: VietNamNet |
Cả hai đều được bơm thuốc Surfactant hỗ trợ phổi vì phổi còn quá non nớt. Hai bé cũng đã được chụp CT và MRI. Khi có kết quả hình ảnh học, các bác sĩ sẽ nhanh chóng hội chẩn tìm hướng can thiệp sớm cho hai bé.
Trước đó, sản phụ mang thai tuần thứ 33 đã được các bác sĩ của bệnh viện Hùng Vương chẩn đoán: “Thai chậm tăng trưởng nặng và có dấu hiệu đe dọa tử vong bé”.
Sau khi Hội chẩn tiền sản để lên phương án đón bé cùng các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, ê-kíp bác sĩ bệnh viện Hùng Vương đã thực hiện mổ sinh an toàn cho 2 bé gái. Kết quả song thai dính vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, 2 cơ quan sinh dục, 1 hậu môn,… chào đời an toàn.
Nhận thấy sức khỏe hai bé ổn định, ê-kíp bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã đón cả hai cùng các trang thiết bị chuyên dụng đưa về bệnh viện để tiếp tục theo dõi, điều trị. Sức khỏe của mẹ hai bé tốt, đang được điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương.
Cô bé nhập viện vì nghẽn hạt trân châu trong ruột
Mới đây, một cô bé 14 tuổi ở Trung Quốc nhập viện trong tình trạng táo bón nghiêm trọng. Ảnh chụp CT cho thấy một lượng lớn hạt trân châu chưa thể tiêu hóa nằm trong ruột cô bé.
Theo đó, táo bón kéo dài suốt 5 ngày không chỉ khiến em không đi tiêu được mà còn gặp khó khăn khi ăn uống.
Ảnh chụp CT (phải) cho thấy ruột của cô bé 14 tuổi ở Trung Quốc đầy trân châu chưa tiêu hóa hết. |
Những cơn đau bụng không dứt khiến bố mẹ phải đưa em đến điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, theo trang tin Asiaone.
Ban đầu, các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây táo bón là gì. Sau đó, họ yêu cầu cô bé đi chụp CT thì phát hiện có những vật tròn nhỏ bất thường trong bụng em.
Khi đã kiểm tra kỹ, bác sĩ kết luận đó chính là những hạt trân châu chưa tiêu hóa hết. Lúc được hỏi có uống trà sữa trân châu hay không, cô bé đã ngập ngừng trước khi thừa nhận.
Em nói rằng chỉ có uống một ly vào thời điểm khoảng 5 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Lâu Chẩn, người trực tiếp điều trị cho cô bé, lại không tin là em chỉ uống một ly trà sữa, theo trang tin NextShark.
Ảnh chụp CT cho thấy một lượng lớn trân châu trong ruột em. Điều này có nghĩa là lượng trân châu chưa tiêu hóa này đã tích tụ trong thời gian dài trước khi gây chứng táo bón nghiêm trọng.
Em được kê thuốc nhuận tràng để đi tiêu, giảm áp lực táo bón trong ruột.
5 bệnh nhân được ghép giác mạc do người Mỹ hiến tặng
Theo VOV Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 vừa thực hiện thành công 5 ca ghép giác mạc do người Mỹ hiến tặng 5 bệnh nhân. Hiện cả 5 bệnh nhân đang hồi phục tốt.
Được biết, 5 bệnh nhân này đều có thị lực dưới 1/10, có sẹo trắng ở giác mạc, dính mống mắt ở mặt sau giác mạc hoặc loạn dưỡng giác mạc cả 2 mắt… được bác sĩ Khoa Mắt, bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 chỉ định ghép giác mạc.
Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế cơ sơ 2, ghép giác mạc cho bệnh nhân. Ảnh: VOV |
Trước đó, vào ngày 2/6, sau khi vừa đến sân bay Đà Nẵng, ông Edward Charles Kondrot, bác sĩ nhãn khoa, thành viên Hội Nhãn khoa Hawaii và tổ chức See International (Hoa Kỳ) đã trao tặng 10 giác mạc cho Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Các giác mạc này do những người Mỹ qua đời vào cuối tháng 5/2019 hiến tặng.
Hiện nhu cầu ghép giác mạc của bệnh nhân trong nước rất lớn. Tuy nhiên, nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm. Mặt khác, mỗi ca ghép giác mạc có chi phí lên đến vài trăm triệu đồng nên những gia đình có thu nhập thấp, người bệnh rất khó tìm lại được ánh sáng.
Bác sĩ Kondrot và vợ ông là bà Ly Kondrot thường đến các quốc gia nghèo trên thế giới để thực hiện các chương trình mổ mắt, ghép giác mạc miễn phí cho bệnh nhân, nhất là trẻ em. Khi đến Huế, bác sĩ Kondrot đã kiểm tra mắt miễn phí cho 500 bệnh nhân tại bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, và chọn được 5 người ghép giác mạc.
“Sau khi cùng bác sĩ chuyên gia đến từ Mỹ thăm khám bệnh nhân, chúng tôi rất vui và hạnh phúc vì các bệnh nhân sau ghép đều ổn. Đặc biệt có 3 trường hợp thị lực cải thiện ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật, đó là môt thành công rất lớn”, bác sĩ Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng Khoa Mắt, bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết.
Ngư dân Nghệ An thả đồi mồi dứa quý hiếm về biển
Theo báo Người Đưa Tin, sáng 8/6, tại vùng biển Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban Quản lý Cảng cá Nghệ An, Cảng cá Cửa Hội, đồn Biên phòng Cửa Lò – Bến Thủy, trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội, Uỷ ban nhân dân phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò cùng ngư dân đã tiến hành thả một con đồi mồi dứa.
Ngư dân Nghệ An từ chối 250 triệu đồng, quyết thả đồi mồi dứa quý hiếm về biển. Ảnh: Người Đưa Tin. |
Liên quan đến sự việc, báo Dân Trí đưa tin, trước đó, vào ngày 7/6, trong lúc đánh bắt hải sản ở khu vực Cửa Hội, anh Trần Văn Trung, ở khối Hải Thanh, phường Nghi Hải, thị xã Của Lò đã vớt được một cá thể rùa quý hiếm.
Khi nghe anh Trung bắt được cá thể rùa quý hiếm, nhiều thương lái đã đến, có người trả giá lên đến 250 triệu đồng nhưng anh Trung quyết tâm không bán.
Đến 20h30 cùng ngày, cá thể rùa biển quý hiếm đã được anh Trung bàn giao cho cơ quan chức năng để xử lý.
Được biết, cá thể rùa được xác định nặng khoảng 7kg, dài 50cm và bề rộng 35cm. Đây là loài đồi mồi dứa, một loài rùa biển có tên trong sách đỏ thế giới và Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng cao và cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nguyễn Phượng (T/h)