Bé gái 10 tuổi bị chấn thương thận phải nặng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị và bảo tồn thành công thận cho bé gái N.T (10 tuổi, ở Hà Nội) bị chấn thương thận nặng do trượt chân ngã đập vùng thắt lưng vào bậc cầu thang trong lúc chơi đùa tại nhà.
Gia đình kể, chiều ngày 19/1, khi đang chơi đùa ở nhà, bện nhi chạy lên bậc cầu thang. Do nền nhà có nước nên bệnh nhi bị trượt ngã và đập mạnh vùng thắt lưng bên phải vào thành của bậc cầu thang.
Sau khi bị ngã, bệnh nhi khóc và kêu đau vùng thắt lưng bên phải nhưng cháu vẫn chơi đùa và sinh hoạt bình thường. Chủ quan vì con vẫn chơi đùa và không có vết bầm tím bên ngoài nên gia đình chỉ xoa dầu và dán cao theo dõi tại nhà.
Sáng ngày 21/1, bệnh nhi vẫn liên tục kêu đau, gia đình đưa con đến bệnh viện khám. Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám và phát hiện bị chấn thương thận phải nặng. Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo ThS.BS Vũ Duy Anh – khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, bụng chướng, có khối máu tụ lớn sau phúc mạc. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán chấn thương thận phải độ IV, nhu mô bị tách làm 2 phần và tụ máu lớn quanh thận.
Nhận định đây là trường hợp chấn thương thận phải nặng nên các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn để đưa ra hướng điều trị bảo tồn thận cho bệnh nhi, hạn chế tối đa vận động, truyền dịch và theo dõi sát tình trạng mất máu nhằm can thiệp kịp thời, cùng với đó là điều trị kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng. Sau hơn 1 tuần điều trị và theo dõi tích cực, sức khỏe của bệnh nhi cải thiện tốt, thận được bảo tồn và đã được xuất viện.
Sản phụ 21 tuổi sinh bé trai nặng 5,4kg
Sở Y tế tỉnh Phú Thọ ngày 7/2 thông tin, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa vừa thực hiện phẫu thuật thành công lấy thai cho sản phụ N.T.T.A (21 tuổi). Sản phụ nhập viện cuối giờ chiều ngày 6/2.
Sau khi theo dõi, các bác sĩ đánh giá thai to, trọng lượng lớn hơn mức bình thường nên được chỉ định sinh mổ. Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau gần một tiếng, theo VietNamNet.
Bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 5,4kg (tương đương với em bé khoảng 2 tháng tuổi). Bác sĩ CKI Vũ Văn Bình, Trưởng khoa Sản, người thực hiện chính ca phẫu thuật, cho biết cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng trung bình khoảng 2,8 - 3,5 kg, một thai nhi nặng hơn 4 kg được gọi là thai to.
Trẻ sơ sinh nặng cân cần được theo dõi sát sao, nguy cơ cao hạ đường huyết vì nhu cầu năng lượng nhiều hơn. Được biết, đây chưa pải trường hợp bé sơ sinh nặng cân nhất tại Việt Nam. Năm 2017, một em bé nặng 7,1kg chào đời khỏe mạnh tại Vĩnh Phúc.
Trước đó, một bé gái nặng 7kg sinh tại Gia Lai; Đà Nẵng cũng từng có 2 bé trọng lượng 6,5kg. Hồi tháng 8/2022, Bệnh viện tỉnh Bắc Giang đón thành công bé gái sơ sinh nặng 6,2kg.
Người phụ nữ mắc bệnh Moyamoya hiếm gặp
ThS.BS CKII Mai Hoàng Vũ – khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ 53 tuổi bị mắc bệnh Moyamoya hiếm gặp, theo báo Tin Tức.
Trước đó, bệnh nhân đến khám và được ghi nhận theo dõi đột quỵ với những cơn thiếu máu não thoáng qua diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, có những đợt bệnh nhân bị yếu tay chân thoáng qua rồi hồi phục, tiếp tục sinh hoạt như bình thường nhưng sau đó tái lại.
Để tìm ra nguyên nhân, bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ và chụp mạch máu số hóa nền. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh hai bên, hẹp động mạch não trước và não giữa 2 bên. Từ kết quả trên, các bác sĩ kết luận nữ bệnh nhân trên mắc bệnh lý Moyamoya nguy hiểm gây thiếu máu não và có nguy cơ đột quỵ.
Theo bác sĩ Mai Hoàng Vũ, người bệnh từng phẫu thuật mổ bắc cầu động mạch não phải một lần, tần suất thiếu máu não phải giảm nhưng dự báo động mạch bên trái có thể tắc hoàn toàn trong tương lai gần. Vì vậy, bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định phẫu thuật, nối mạch máu giúp tuần hoàn não, ngăn ngừa đột quỵ xảy ra.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ – Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, để cuộc mổ an toàn và hiệu quả, các bác sĩ đã kết hợp ứng dụng kính vi phẫu và kính robot hiện đại, hiển thị hình ảnh phóng đại lớn và sắc nét trên màn hình.
Kỹ thuật giúp phẫu trường rộng hơn, độ phóng đại hình ảnh lớn hơn so với các kỹ thuật trước đây. Điều này đặc biệt cần thiết với các mạch máu não rất nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường.
Sau phẫu thuật, người bệnh được sử dụng thuốc loãng máu để duy trì dòng máu chảy trong não khoảng 1 - 3 tháng. Tiếp đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được khám và chụp phim kiểm tra lưu lượng tưới máu não để bác sĩ cân nhắc cho bệnh nhân ngừng dùng thuốc.
Đinh Kim (T/h)