Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/9/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 7/9/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Thanh niên bị viêm màng não vì nuốt phải ốc sên sống
Ốc sên sống có thể chứa nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh, truyền ấu trùng giun sán cho người ăn. Ảnh minh họa. |
Ngày 6/9, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân bị viêm màng não do nuốt ốc sên sống. Bệnh nhân là anh N.T.K (26 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) nhập viện trong tình trạng sốt cao, người lừ đừ và đau nhức cơ toàn thân và táo bón lâu ngày.
Trước đó, trong một lần ngồi nhậu, anh K. và bạn đã thách nhau nuốt ốc sên sống, về nhà anh có biểu hiện nôn ói và táo bón liên tục nhiều ngày. Sau hai tuần tình trạng không khả quan, anh được người nhà đưa vào bệnh viện.
Sau khi được các bác sĩ điều trị, hiện bệnh nhân đã xuất viện.
PGS TS BS. Bùi Hữu Hoàng – Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Đại học Y Dược cho biết, ốc sên chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể trở thành thực phẩm nếu được nuôi trong môi trường đảm bảo. Bản thân ốc sên không có độc nhưng do thường ăn cỏ cây nên ốc sên trở thành ký chủ của nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh, truyền ấu trùng giun sán cho người ăn.
“Ốc sên có thể ăn phải nấm độc hoặc các loại cây bị phun thuốc bảo vệ thực vật, là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc khi ăn ốc sên. Ngoài ra, loài nhuyễn thể này thường hay chứa các protein lạ, dễ gây dị ứng với một số người có cơ địa nhạy cảm. Khi ăn ốc sên nhiễm ấu trùng sáng sẽ dễ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, hơn nữa có thể gây tổn thương gan, xuất huyết bàng quang, thậm chí gây tử vong”.
Chính vì vậy, các y bác sĩ khuyến cáo nếu muốn ăn ốc sên, chúng ta chỉ nên sử dụng loại ốc sên đang sống khỏe mạnh, được nuôi hoặc sinh sống ở những vùng sạch sẽ. Cũng chỉ nên ăn phần thịt của ốc sên, bỏ hết phần ruột gan, ống tiêu hóa của chúng và tuyệt đối không ăn ốc sên được chế biến ở dạng sống hoặc chín tái để tránh bị nhiễm ký sinh trùng.
Bác sĩ gắp túi nilon cuộn tròn như nút chai từ mũi bé gái 2 tuổi
Túi nilon được các bác sĩ gắp ra từ mũi bé gái. Ảnh: Gia Đình Mới. |
Chị Đỗ Huyền (ở Kim Sơn, Ninh Bình) chia sẻ: “Con gái tôi được 2 tuổi, cách đây khoảng 10 ngày bé bị ho, sổ mũi mãi không đỡ, dù đã được dùng thuốc.
Sau đó tôi thấy nước mũi con chảy ra có mùi hôi khó chịu. Lúc đầy tôi nghĩ là con bị viêm tai giữa, vì tai bé có ráy nhưng con không cho lấy.
Nhưng quan sát tai con không thấy chảy nước nên tôi lại nghĩ con bị xoang mủ giống như bố cháu.
Sợ bệnh của con nguy hiểm nên tôi đưa con đi thăm khám bác sĩ và sau khi thăm khám bác sĩ gắp ra từ mũi con một đoạn nilon dài cỡ 6cm cuộn tròn như 1 cái nút chai lấp đầy 1 bên lỗ mũi và dẫn đến con bị viêm mũi như vậy”.
Tình trạng trẻ nhỏ trong lúc chơi đùa và nhét dị vật vào mũi xảy ra rất nhiều. Chị Thanh Thúy (ở Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, cô con gái 4 tuổi của chị từng bị viêm mũi, ngạt mũi lâu ngày không khỏi.
Cha mẹ chủ quan, con trai 6 tuổi phải cắt bỏ tinh hoàn
Bác sĩ Đinh Hữu Việt, khoa Nam học, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi N.D.C (đã đổi tên, 6 tuổi, Văn Lâm, Hưng Yên) với chẩn đoán xoắn tinh hoàn.
Bé C. bị đau tinh hoàn trái và đau vùng bụng dưới từ sáng 4/9 nhưng gia đình chủ quan, đến sáng 5/9 do con đau quá, gia đình mới đưa đi khám.
Đến viện, các bác sĩ chẩn đoán bé bị xoắn tinh hoàn và không may tinh hoàn đã hoại tử, tím đen, phải cắt bỏ.
Bác sĩ Đinh Hữu Việt cho biết xoắn tinh hoàn là tình trạng cuống của tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó. Tình trạng này làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn, khiến bộ phận này bị thiếu máu, để lâu có thể dẫn đến hoại tử. Vì vậy, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn rất cao.
Bệnh xoắn tinh hoàn đòi hỏi phải phẫu thuật khẩn cấp. Nếu được điều trị trong vòng một vài giờ sau triệu chứng đau tức đầu tiên, tinh hoàn có thể giữ lại. Nhưng để muộn, tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Đặc biệt, khi lưu lượng máu đã bị cắt quá lâu, tinh hoàn bị hư hỏng nặng thì buộc phải loại bỏ.
“Nếu được can thiệp trong 6 giờ đầu, tỷ lệ bảo vệ được tinh hoàn ở người bệnh bị xoắn tinh hoàn là 90%, sau 12 giờ, tỷ lệ này giảm xuống 50%; còn nếu sau 24 giờ, khả năng tinh hoàn được giữ lại chỉ còn 10%”, bác sĩ Việt nhấn mạnh.
Do đó, khi thấy trẻ nam hoặc nam giới có dấu hiệu bất thường ở bìu như đau nhức, sưng to, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được chữa trị kịp thời, tránh nguy cơ hoại tử tinh hoàn cũng như không làm giảm đi cơ hội có con.
Cứu sống bệnh nhân 88 tuổi ngừng tim, ngừng thở
Bệnh nhân 88 tuổi sức khỏe đã ổn định sau quá trình điều trị. Ảnh: Lao Động. |
Ngày 6/9, bệnh nhân Lê Xứ (SN 1930, quê ở Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) đã tự đi lại được tại phòng bệnh và không còn thở máy.
Trước đó, 16h ngày 27/8, ông Xứ được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị với triệu chứng đau ngực, khó thở, tụt huyết áp. Nhận diện bệnh nặng, nên ông Xứ được đưa ngay vào phòng thông tim can thiệp. Lúc này, triệu chứng của bệnh nhân là ngừng tim, ngừng thở.
Êkíp gồm 3 bác sĩ tim mạch can thiệp, 3 kỹ thuật viên điều dưỡng và 1 bác sĩ gây mê tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp và cho bệnh nhân thở máy, đồng thời tiến hành chụp mạch máu tim.
Kết quả cho thấy, ông Xứ bị hẹp nặng cả 3 nhánh động mạch vành, có nhiều huyết khối ở thanh chung động mạch vành trái. Các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp tái thông động mạch vành, rồi đưa bệnh nhân đến điều trị tại Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Nhờ quá trình can thiệp, điều trị tiến hành nhanh, chính xác nên hiện ông Xứ đã tự đi lại được trong phòng bệnh và tự thở. “Bệnh nhân lớn tuổi, suy tim nặng, can thiệp khá phức tạp, nếu phát hiện muộn hơn, và can thiệp muộn tầm 2 phút là tử vong” – bác sĩ Nguyễn Hữu Đức - Phó trưởng khoa Nội tim mạch lão học Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, chia sẻ.
Thu Hằng(T/h)