Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/12/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 7/12/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bé trai 3 tuổi mất 2 chân vì vi khuẩn lạ
Bệnh nhi Beauden. |
Bé trai Beauden Baumkirchner (3 tuổi) đang đi cắm trại với gia đình ở San Diego (Mỹ) vào tháng trước thì ngã xe đạp và rách đầu gối. Vết thương không mấy nghiêm trọng, bố của em - anh Brian Baumkirchner, nói rằng Beauden đã bị thương kiểu này "nhiều lần như các cậu bé ba tuổi khác".
Thế nhưng, mọi chuyện đã khác, chưa đầy 48 giờ sau cú ngã, đầu gối của Beauden sưng tấy và em bị sốt, khó thở. Beauden được đưa đến bệnh viện để chụp X-quang. Vào thời điểm đó, chân bé trai lạnh cóng và tay cũng bị nhiễm trùng.
Tình trạng nhiễm trùng càng nghiêm trọng hơn, chúng lây lan ra khắp cơ thể Beauden, nó bắt đầu ngăn lưu thông máu đến các chi. Hệ miễn dịch của cậu bé bị tổn hại thêm khi em bị nhiễm khuẩn huyết.
Nhiễm tụ cầu khuẩn là do vi khuẩn tụ cầu, các loại vi trùng thường được tìm thấy trên da hoặc trong mũi, thậm chí ở người khỏe mạnh.
Trong phần lớn thời gian, các vi khuẩn này không gây ra vấn đề gì hoặc chỉ gây ra nhiễm trùng da tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, nhiễm khuẩn tụ cầu có thể gây chết người nếu vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào cơ thể, vào máu, khớp, xương, phổi hoặc tim. Số người khỏe mạnh mắc tụ cầu khuẩn gây nguy hiểm đến tính mạng ngày càng tăng.
Cuối cùng, các bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định đau lòng là cắt cụt chân và một số ngón tay của Beauden sau khi họ không thể phục hồi lưu thông máu ở đây.
Tiến sĩ John Bradley nói rằng các bác sĩ không biết loại vi khuẩn tụ cầu gây bệnh cho Beauden đến từ đâu, họ buộc phải cắt bỏ tứ chi để duy trì lượng máu đến não của bé. Một trong những bác sĩ điều trị cho Beauden nói rằng việc em sống sót là một phép màu.
Người phụ nữ mắc bệnh phong
Bệnh khởi phát với ban đỏ trên người. (Ảnh: SK&ĐS) |
Mới đây, các bác sĩ bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nữ, 47 tuổi, có biểu hiện bệnh trong khoảng 3 năm nay.
Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh khởi phát với ban đỏ, ngứa ở bàn tay hai bên kèm dát đỏ ở mặt, tăng nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, đau khớp gối và khớp cổ chân. Bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện và được chẩn đoán: Lupus ban đỏ hệ thống.
Trước khi vào viện 1 năm, bệnh nhân có hoại tử đầu ngón hai bàn chân phải, được điều trị cắt cụt. 3 tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dạng cục ở vùng cẳng tay, cẳng chân và thân mình, tổn thương đỏ, ấn đau, một số mất đi để lại dát thâm, kèm sốt.
Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận: Bệnh nhân có tổn thương dạng hồng ban nút; phù nề nhẹ 1/3 dưới cẳng chân phải, ấn đau; da mỏng, giãn mạch do tác dụng phụ của của corticoid; mất đốt xa ngón 2 bàn chân phải...
Cuối cùng, bệnh nhân được chẩn đoán phong thể LL-cơn phản ứng phong loại 2 có nhiều điểm phù hợp nhất.
Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ phong thể nhiều vi khuẩn gồm Rifampicin, Clofazimin, DDS và Methylprednisolon 16mg. Theo dõi điều trị sau 10 ngày, bệnh nhân có đáp ứng tốt, không sốt, cơ năng hết đau, hầu hết tổn thương hết đỏ, trở thành dát tăng sắc tố.
Bé 3 tuổi bị kẹt ngón tay trong ổ khóa
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết sau khi ngón tay được giải cứu ra khỏi ổ khóa xoay, bé trai 3 tuổi, ở Đồng Nai, đã ổn định sức khỏe, hết hoảng loạn.
Gia đình bé trai cho biết trước đó, trẻ chơi một mình trong nhà thì đột ngột khóc thét. Nghe tiếng khóc, mọi người chạy đến hiện trường thì hoảng hồn khi thấy ngón tay bé kẹt sâu trong ổ khóa.
Người nhà loay hoay nhiều giờ nhưng không thể nào cứu bé được, đành phải tháo ổ khóa, mang theo con vào bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ khuyến cáo giai đoạn 1-3 tuổi, bé hay tò mò, thích khám phá đồ vật và mọi thứ xung quanh. Ngoài việc cho đồ vật vào miệng hoặc chuyền vật trên tay, trẻ còn quan sát các hành động của người lớn và bắt chước theo.
Để đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn giúp con học hỏi xung quanh, phụ huynh nên tạo cho trẻ môi trường khám phá an toàn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sắp xếp lại nhà cửa, đặt những vật có khả năng gây nguy hiểm ngoài tầm với của con.
Việt Hương (T/h)