Nhiễm trùng, hoại tử da sau 1 tháng thu gọn ngực ở spa
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân N.T.T. (22 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật thu gọn ngực sa trễ ở spa tư nhân, theo báo Phụ Nữ Việt Nam.
Người bệnh kể, cách đây hơn 1 tháng đã thực hiện phẫu thuật thu gọn ngực sa trễ ở spa với chi phí 20 triệu đồng. Sau mổ, bệnh nhân không được hướng dẫn thay băng hay vệ sinh vùng phẫu thuật.
Sau vài tuần, bệnh nhân thấy vết mổ chậm lành, lại có tình trạng chảy dịch nên đến spa thì được xử trí khâu lại 3 lần. Tuy nhiên, vết mổ vẫn chảy mủ màu trắng lẫn màu xanh, có hiện tượng nứt toác nên bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm khám.
Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy mép khâu không chuẩn, kỹ thuật khâu không tốt nên gây xô lệch trên da. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng, hoại tử da ở vùng ngực, vết mổ chậm lành, chảy dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, vết thương bị nhiễm trùng lâu dài sẽ tạo thành sẹo xấu.
Trước mắt, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, cải thiện tình trạng nhiễm trùng. Khi vết mổ không còn chảy dịch, người bệnh sẽ được phẫu thuật sửa sẹo, nắn lại các vùng khâu bị xô lệch. Hiện bệnh nhân tiếp tục được bác sĩ theo dõi, tuần sau có thể cắt chỉ.
Bé 15 tuổi bị xuất huyết tiêu hóa nguy kịch
Theo VietNamNet, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vừa cho biết bệnh nhi 15 tuổi xuất huyết tiêu hóa nguy kịch đã được xuất viện sau thời gian điều trị tích cực. Trước đó, bệnh nhi N.H.N ở Bình Dương nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng.
Được biết, 1 năm trước, bệnh nhi từng phải cấp cứu trong tình trạng tương tự tại bệnh viện địa phương. Lần này, tại Khoa tiêu hóa của Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bệnh nhi được hồi sức chống sốc, truyền dịch, truyền rất nhiều máu, điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả, máu vẫn tiếp tục chảy.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi cầm máu nhưng máu vẫn phun thành dòng, phải tiếp tục hồi sức cho bệnh nhi. Sau đó, ekip các bác sĩ khoa Ngoại đã thực hiện can thiệp để phẫu thuật ổ bụng và cầm máu mới có hiệu quả. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị và tiệt trừ vi khuẩn HP trong dạ dày. Ngày 1/9 vừa qua, bệnh nhi được bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Hà Văn Thiệu, Điều hành Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay đây là trường hợp xuất huyết tiêu hóa rất nặng, nếu không kịp can thiệp, trẻ có thể tử vong vì mất máu.
Bé 3 tuổi nguy kịch vì bị ong vò vẽ đốt
VTC News thông tin, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận bệnh nhi L.Y.T (36 tháng tuổi, trú xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An trong tình trạng nguy kịch do ong đốt.
Theo lời kể của người nhà, trước khi vào viện 1 ngày, bệnh nhi bị ong vò vẽ đốt vùng đầu, tay, chân khoảng 50 nốt. Sau khi bị ong đốt, bệnh nhi tím tái, khó thở, được đưa đến Trung tâm Y tế Anh Sơn điều trị 1 ngày nhưng không đỡ.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, nhập viện trong tình trạng khó thở, môi tái, chân tay lạnh, lơ mơ, đái máu, được chẩn đoán ong đốt biến chứng suy đa tạng.
TS.BS Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết tai nạn do ong đốt thường gặp ở trẻ. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với mươi vết đốt như ong vò vẽ, ong bắp cày đất, ong bầu.
Nếu bệnh nhi có cơ địa dị ứng có thể quá mẫn với nọc ong gây sốc phản vệ, suy đa tạng. Để tránh hậu quả thương tâm có thể xảy ra khi trẻ bị ong đốt, người lớn cần trang bị kiến thức để có cách xử trí đúng.
Đinh Kim(T/h)