Cứu nữ sinh 15 tuổi bị ngộ độc thuốc an thần
Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp nữ sinh D.N.B.N. (15 tuổi), đang học tại một trường nội trú trên địa bàn quận 12, bị ngộ độc thuốc an thần.
Trước khi nhập viện, cô giáo gọi N. dậy nhưng em không trả lời dù mắt vẫn mở lơ mơ. Lúc này, cô giáo phát hiện một hộp thuốc Rotudin 30 mg trên giường, trong thùng rác có 10 vỉ Rotudin, 1 vỉ 10 viên, đã bóc hết vỏ thuốc.
Ngay lập tức, cô giáo đưa nữ sinh nhập viện địa phương. Các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc thuốc an thần Rotundin, bệnh nhi được sơ cứu rồi chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Khi nhập viện, nữ sinh đã hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn, không có phản xạ ánh sáng. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản có bóng chèn, thở máy, rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính để loại bỏ thuốc Rotudin.
Kết quả sau 3 ngày điều trị tích cực, tình trạng của N. cải thiện dần, tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, tự thở khá và cai máy thở thành công. Nữ sinh được các bác sĩ khám, tư vấn tâm lý để hỗ trợ vượt qua cú sốc tinh thần.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm đến phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên bên cạnh việc học tập.
Ngoài ra, nhà trường nên phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, kịp thời phát hiện các vấn đề tâm lý và hỗ trợ trẻ.
Thêm 2 người ở Đồng Nai bị chó dại cắn
VTV Times đưa tin, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), trên địa bàn xã Sông Trầu vừa ghi nhận thêm một ổ dại trên chó và đã cắn 2 người.
Kết quả điều tra dịch tễ cho biết, ông D.V.N., (47 tuổi, trú tại tổ 10, ấp 3 xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) có nuôi 1 con chó lai không rõ loại chưa được tiêm phòng bệnh dại. Hàng ngày, chó được xích lại trong khuôn viên rẫy và không rọ mõm.
Trước đó một tuần, con chó có biểu hiện ủ rũ, chán ăn, bỏ ăn, chảy nước dãi. Ngày 29/2, trong quá trình cho ăn và chăm sóc chó, ông N. đã bị chó cắn vào cẳng tay trái gây xây xát da.
Đến ngày 1/3, vợ ông N. vào thăm rẫy thì bị chó cắn vào cẳng chân trái gây ra vết thương sâu, chảy máu nhiều. Cả 2 người sau đó đã tiêm vaccine phòng chống bệnh dại và huyết thanh phòng dại.
Đến trưa ngày 1/3, ông N. báo với Trạm chăn nuôi và thú y huyện Trảng Bom tiến hành lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, con chó bị dương tính với virus dại.
Theo khảo sát, các hộ gia đình trong khu vực nuôi khoảng 7 con chó, đa số chưa tiêm vaccine phòng dại. Trước tình hình này, ngành y tế đề nghị 2 trường hợp bị chó dại cắn tuân thủ nghiêm phác đồ tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Ngành thú y tuyên truyền các hộ nuôi chó trong khu vực nhốt chó lại và theo dõi chó, đưa chó đi tiêm phòng bệnh dại, nếu có biểu hiện bất thường cần phải báo ngay với chính quyền địa phương.
Cần tăng cường công tác truyền thông đến người dân không chủ quan với dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Khi bị chó, mèo cào, cắn, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Phẫu thuật thành công cho 2 trẻ bị dị tật không có hậu môn
Báo Đại Đoàn Kết đưa tin khoảng cuối tháng 2/2024, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận 2 ca bị dị tật không hậu môn. Cả hai trường hợp đều đã được phẫu thuật, can thiệp thành công, gồm bé T.L.N (4 tháng tuổi) và bé P.T.M.K (7 tháng tuổi, cùng trú tại Hải Phòng). Hai em mắc dị tật không có hậu môn từ ngay sau sinh.
Theo các bác sĩ, việc phẫu thuật cho bé N. sẽ chia làm 3 giai đoạn, cụ thể lần 1 làm hậu môn giả tạm thời trên thành bụng cho bé N., lần 2 sẽ tạo hình hậu môn vào đúng vị trí và lần 3 phẫu thuật để đóng lại lỗ hậu môn giả trên thành bụng.
Với trường hợp của bé K., bé được nong rộng lỗ dò phân và hẹn phẫu thuật khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, do gia đình đưa K. quay lại mổ chậm hơn so với lịch hẹn nên các bác sĩ đã tạo hình hậu môn vào đúng vị trí cho bé chỉ cần 1 lần phẫu thuật.
Hiện, cả 2 bé đều đang có dấu hiệu hồi phục tốt sau phẫu thuật và được theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Theo Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, không hậu môn (dị dạng hậu môn trực tràng) là một dị tật hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, khoảng 1/4000 trẻ sinh sống. Việc phẫu thuật điều trị bệnh không hậu môn tương đối khó, có thể hoàn thiện trong 1 lần mổ duy nhất hoặc 3 lần mổ tùy theo từng thể bệnh.
Hiện nay, ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị đã đem lại nhiều cải tiến rất lớn cho người bệnh, giúp giảm thời gian mổ, cải thiện chức năng đại tiện, sẹo mổ rất nhỏ và thẩm mỹ…
Đinh Kim (T/h)