Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/8/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 30/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bị chó dữ lao vào tấn công, bé trai phải khâu đến 70 mũi
Chân bệnh nhi chằng chịt vết thương do chó cắn - Ảnh: Công lý |
Ngày 29/8, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Hải Đ. (7 tuổi, trú tại Lâm Thao, Phú Thọ) trong trạng thái tâm lý hoảng sợ, nhiều vết cắn ở vùng bắp đùi cả hai chân.
Theo lời kể của gia đình, khi bé Đ. sang hàng xóm chơi đã bị chó nuôi thả rông lao ra tấn công. Nghe tiếng la hét của bé, hàng xóm và gia đình lập tức đưa bé đến trạm y tế gần đó để sơ cứu sau đó được chuyển thẳng tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
ThS.BS Nguyễn Đức Lân - Trưởng khoa Ngoại Nhi Tổng hợp cho biết, bệnh nhi có tổng gần 30 vết thương trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương gối phải (dài 5cm) và cùng nhiều vết thường nhỏ dài khoảng 2-3cm, lộ gân cơ.
Bệnh nhi nhanh chóng được xử trí, rửa vết thương thay băng để vết thương hở, tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng chó dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng. Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, các bác sĩ đã khâu gần 70 mũi.
Được biết đây là giống chó lai rất tợn, nặng gần 30kg, được gia đình nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó đang được thả rông (không xích, không rọ mõm) nên xảy ra sự việc đáng tiếc.
Theo thống kê tại Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, từ đầu hè tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Một số trường hợp chỉ bị xước nhẹ, nhưng cũng có trường hợp phải khâu như trường hợp của bé Đ.
Hầu hết các trường hợp bị chó cắn thường là do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và từ phía trẻ, do đó đã gây ra nhiều tai họa cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nhà có trẻ con, thì không nên nuôi giống chó to và dữ. Khi nuôi chó, người dân phải tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, chó phải được xích, chó ra đường phải rọ mõm... Nếu trường hợp xấu xảy ra, thì phải xử trí nhanh làm sạch vết thương, rồi đưa đến trung tâm y tế gần nhất.
Cứu sống bệnh nhân bị cây sắt đâm xuyên phổi
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh: TTXVN |
Ngày 29/8, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân bị cây sắt đâm xuyên phổi và đốt sống ngực gây đa chấn thương.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Đông Quân (Khoa Ngoại Thần kinh), Trưởng Ekip phẫu thuật cho biết: Vào 1 giờ sáng 28/8, Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân D.V.T.D (sinh năm 1997, ngụ tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), được tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng mệt, khó thở, có nhiều vết thương vùng ngực. Trong đó, vết thương vùng cổ thượng đòn bên phải được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, gây tràn khí màng phổi, tê tay phải.
Theo người nhà bệnh nhân, D.V.T.D bị bạn dùng cây sắt đâm vào cổ, ngực, lưng và được đưa vào Bệnh viện Long Mỹ. Tại đây, bệnh nhân được chụp X-quang phát hiện dị vật cản quang ở lồng ngực, tràn khí màng phổi hai bên. Bệnh viện đã tiến hành băng vết thương, điều trị giảm đau và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Xác định đây là ca tổn thương nặng và phức tạp nên các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiến hành hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa: Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại Thần kinh, Ngoại Tổng quát – Lồng ngực mạch máu, Chấn thương chỉnh hình, Gây mê hồi sức.
Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm, kết quả X-quang tim phổi thẳng cho thấy, một dị vật cản quang từ vùng cổ phải xuyên xuống đoạn gian đốt sống D3/D4, tràn khí màng phổi hai bên. Kết quả chụp CT 64 lát cột sống cổ không cản quang cho thấy, dị vật kim loại đường kính 0.5 cm dài 10 cm xuyên từ vùng cổ phải đến khe gian đốt sống D3/D4 chèn vào mặt trước ống tủy, tụ khí dưới da vùng cổ ngực hai bên, tràn khí và ít dịch màng phổi phải, tràn khí màng phổi trái. Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu và thiếu máu nên được xử lý điều chỉnh rối loạn đông máu bằng truyền huyết tương tươi đông lạnh và truyền hồng cầu lắng.
Ekip hội chẩn kết luận: Đây là một trường hợp vết thương tủy ngực do bị đâm, gây biến chứng tràn khí, tràn máu màng phổi hai bên. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Ca phẫu thuật gồm 2 ekip thực hiện đồng thời: Các bác sĩ Ngoại Thần kinh phẫu thuật thám sát lấy dị vật, Phân khoa Lồng ngực mạch máu thuộc khoa Ngoại tổng quát thực hiện dẫn lưu tràn máu, tràn khí màng phổi.
Kết quả, ekip đã lấy ra dị vật kim loại và tiến hành đặt ống dẫn lưu màng phổi phải. Trong quá trình lấy dị vật, các bác sĩ đã không xoay dị vật để hạn chế tổn thương tủy sống. Phẫu thuật thành công sau 2 giờ thực hiện.
Ngày 29/8, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, không yếu liệt chi. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Ngoại thần kinh.
Theo Bác sĩ Nguyễn Đông Quân, khi bị vết thương đâm xuyên do vật cứng nhọn, bệnh nhân không được tự ý rút dị vật ra vì có thể khiến vết thương trở nên phức tạp và phát triển thành vết thương hở, bệnh nhân sẽ mất máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, đối với những vật cứng chạm vào vùng cột sống, nếu thao tác rút không đúng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh cột sống, gây liệt vĩnh viễn. Do đó, quá trình sơ cứu cần giữ nguyên dị vật, băng kín vết thương và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Bất cẩn khi xay thịt, một phụ nữ mất 4 ngón tay
Chị H. bị mất 4 ngón tay - Ảnh: Tiền phong |
Ngày 29/8, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị máy xay thịt nghiền nát 4 ngón tay của bàn tay trái.
Theo đó, sáng 28/8, chị Lê Thị H. (trú phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) đang cho thịt vào máy xay thì không may bàn tay trái của chị bị cuốn vào chiếc máy.
Khi được chuyển bệnh viện, 4 ngón tay ở bàn tay trái của chị H. đã bị dập nát, chỉ còn ngón cái nguyên vẹn.
Dù được phẫu thuật, điều trị kịp thời song chị H. cũng không thể giữ 4 ngón tay đã bị máy xay nghiền nát của mình. Hiện sức khỏe của chị H. đang dần ổn định.
Bé 8 tháng tuổi tím tái, suýt ngừng tim sau uống kháng sinh và siro ho
Bé P. đã qua cơn nguy kịch - Ảnh: An ninh Thủ đô |
Ngày 29/8, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cho biết, bệnh viện này vừa cấp cứu một cháu bé nguy kịch sau khi gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà.
Bệnh nhân là bé H.T.P. (8 tháng tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La). Thấy con bị ngạt mũi, ho cả đêm, mẹ cháu bé ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về cho con uống. Nhưng chỉ ít phút sau khi uống một gói kháng sinh Hafixim (cefixim 50mg), 10ml siro hỗ trợ trị ho, mặt cháu bé bắt đầu tím tái kèm biểu hiện khó thở và đỏ lựng toàn thân.
Lúc này, gia đình vội đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhi đã tím tái, không thở được, tim đập rời rạc. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi sốc phản vệ do kháng sinh và lập tức điều trị theo phác đồ. Sau khoảng 40 phút cấp cứu, bé dần tự thở, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Quỳnh Chi (T/h)