+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 29/7: Toàn thân tím tái sau khi tự ý sử dụng kháng sinh Penicillin

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/7/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 29/7/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Toàn thân tím tái vì tự ý sử dụng kháng sinh Penicillin

    Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.Đ.N. (52 tuổi, trú tại Móng Cái) bị sốc phản vệ do tự ý dùng thuốc kháng sinh Penicillin. 

    Người bệnh được đưa đến trung tâm y tế cấp cứu trong tình trạng ngất, toàn thân tím tái. Gia đình kể bệnh nhân có biểu hiện đau họng nhưng không đến cơ sở y tế thăm khám mà tự mua thuốc Penicillin về uống.

    Sau khi uống 2 viên Penicillin 1000000ui, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, ngất. Người nhà lập tức đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân tới trung tâm trong tình trạng lơ mơ, ngất, toàn thân tím tái, sốc. Các bác sĩ nhanh chóng xử trí cấp cứu cho người bệnh theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ.

    tin tuc doi song ngay 297 toan than tim tai sau khi tu y su dung khang sinh penicillin2
    Người đàn ông chóng mặt, ngất sau khi uống 2 viên Penicillin 1000000ui. Ảnh minh họa

    Sau 1 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái.

    Theo các bác sĩ, Penicillin là kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiễm khuẩn. Dị ứng penicillin có thể gây ra sốt, phát ban, nôn ói và nặng hơn là sốc phản vệ, một phản ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

    Những người có tiền sử dị ứng, phản vệ với dị nguyên như thuốc, thức ăn... cần cẩn trọng. Với các nhóm thuốc kháng sinh, chỉ sử dụng thuốc theo đơn và có hướng dẫn của bác sĩ. Mọi người tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để tránh các tác dụng phụ, phản ứng thuốc và tình trạng sốc phản vệ có thể xảy ra.

    Nhiễm trùng nặng sau khi tiêm thuốc giảm đau điều trị đau khớp

    Theo báo Pháp Luật TP.HCM, gần đây, Bệnh viện Trung Ương quân đội 108 tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng bàn tay, cổ tay do tiêm thuốc giảm đau điều trị đau khớp. Một trong số đó là nam bệnh nhân V.V.T (SN 1954, trú tại Quảng Ninh).

    Hai năm trước, bệnh nhân bị đau khớp nên đã đến phòng khám tư để chữa trị. Sau 2 lần tiêm thuốc trực tiếp vào khớp, cơn đau đỡ hẳn, song đến mũi tiêm thứ ba ông không thể đi lại được vì khớp chân sưng phù.

    Người bệnh nhập viện trong tình trạng viêm mủ bao hoạt dịch quay, viêm hoại tử gân duỗi vùng cẳng bàn tay tháng thứ 2 sau tiêm Corticoid khớp và bao gân. Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, khớp sưng to, nóng đỏ, đau nhức... Sau đó, người bệnh được phẫu thuật dẫn lưu mủ, mổ nạo vét hoại tử, cắt lọc mô viêm kết hợp dùng kháng sinh.

    PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nội - Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý khớp. Tiêm corticoid vào khớp là một trong số biện pháp cho tác dụng giảm đau nhanh và có thể phát huy tác dụng vài tuần tới vài tháng.

    Tuy nhiên, đó chỉ là một biện pháp trong cả liệu trình điều trị cho một số bệnh lý xương khớp và phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nhiều người thấy tác dụng giảm đau nhanh của việc tiêm vào khớp nên dễ dãi chấp nhận thủ thuật này mà không biết nó gây ra nhiều hậu quả xấu. Người bệnh nên đến khám tại bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị đúng cách, kịp thời.

    Nhập viện điều trị sau khi nâng ngực ở spa người quen giới thiệu

    VietNamNet thông tin, nữ bệnh nhân nữ 42 tuổi vào khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện ngày 21/7, trong tình trạng sốt 38.5 độ C, đau sưng tức ngực 2 bên, ngực trái sưng to kích thước 6x8cm. Trong ngực người bệnh có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp xe vú do tiêm filler không rõ nguồn gốc.

    tin tuc doi song ngay 297 toan than tim tai sau khi tu y su dung khang sinh penicillin1
    Bác sĩ xử lý loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet

    Cách đó khoảng 1 tháng, bệnh nhân nghe lời quảng cáo của người quen nên đã thực hiện dịch vụ tiêm filler nâng ngực tại một spa với giá 7 triệu đồng. Sau tiêm 1 tuần, bệnh nhân phát hiện ngực căng tức và sốt cao trên 38 độ C nên gọi hỏi nhân viên spa thì được trả lời rằng đây là phản ứng bình thường, sẽ hết sau 2 - 3 ngày, nếu quá đau có thể uống kháng sinh.

    Khi đã dùng hết kháng sinh, tình trạng ngực bị nóng đỏ và căng tức không cải thiện và còn nặng hơn. Bệnh nhân đến Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện để xử lý.

    Theo Ths.Bs Hoàng Mạnh Ninh, người bệnh đến viện với thân nhiệt cao, bầu ngực sưng to, nóng, có dấu hiệu chọc hút nhiều lần. Hình ảnh chụp lại từ máy cộng hưởng từ và kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị áp xe đa ổ và viêm tại vị trí tiêm do trong quá trình tiêm filler không đảm bảo an toàn vô khuẩn và đúng kỹ thuật.

    Các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành rạch chích mủ làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc kết hợp dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị. Hiện, ngực của bệnh nhân đã giảm sưng và dịch mủ cũng ít đi và khả năng hồi phục rất tốt.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-29-7-2022-toan-than-tim-tai-sau-khi-tu-y-su-dung-khang-sinh-penicillin-a546076.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan