Bé 3 tháng tuổi bị viêm màng não mủ nguy hiểm
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết các y, bác sĩ của đơn vị này vừa kịp thời phẫu thuật cứu sống bệnh nhi bị viêm màng não mủ nguy hiểm. Được biết, đây là ca bệnh viêm màng não mủ nặng nhất từ trước đến nay tại bệnh viện, nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn đường ruột E.coli.
Trước đó, ngày 12/10, bệnh nhi 3 tháng tuổi ở xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng sốt co giật. Bác sĩ chỉ định bệnh nhi chụp CT đầu 2 lần và cho biết cần can thiệp phẫu thuật.
Ngày 15/10, các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật dài 90 phút để bơm rửa, làm sạch mủ trong não cho bé, lượng mủ trong não rất nhiều, khoảng 30ml. Hiện, bệnh nhi đang tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện, dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần tới, theo báo Đồng Nai.
Trước đây, với những ca bệnh nặng như vậy, bệnh viện thường chuyển bệnh lên tuyến trên vì quá trình phẫu thuật, điều trị rất khó khăn, có nhiều nguy cơ. Tuy nhiên đến nay, khi đội ngũ nhân lực có trình độ cao, trang thiết bị, máy móc hiện đại, bệnh viện quyết định thực hiện ca phẫu thuật và đã thực hiện thành công.
Phẫu thuật nội soi cắt khối u gan cho người bệnh 78 tuổi
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, các y, bác sĩ của đơn vị này vừa phẫu thuật nội soi cắt khối u gan thành công cho bệnh nhân P.V.L (78 tuổi, trú tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Trước đó, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã tiếp nhận người bệnh. Qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ của bệnh viện phát hiện bệnh nhân có khối u gan (kích thước 8cm) nằm ở phần gan trái.
Sau khi các bác sĩ hội chẩn, bệnh nhân được lên kế hoạch để phẫu thuật cắt phần gan chứa u bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Qua vài giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ phần trái gan chứa u cho bệnh nhân một cách an toàn. Hiện, sức khỏe người bệnh đã dần ổn định trở lại, bệnh nhân vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện.
“Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để bệnh, tuy nhiên cắt gan nói chung và phẫu thuật cắt gan nội soi nói riêng là kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi ekip phẫu thuật gây mê có tay nghề cao. Phẫu thuật nội soi đem lại lợi ích cho người bệnh như ít đau sau mổ, phục hồi sớm, thẩm mỹ”, báo Đại Đoàn Kết dẫn lời bác sĩ Trần Văn Do, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam
Người phụ nữ bị tổn thương chân nặng vì ô tô đâm trúng
Báo Dân Trí đưa tin, bệnh nhân N.T.K (55 tuổi) đang chạy xe máy thì bất ngờ bị ô tô đâm phải. Chiếc xe đè nghiến qua cổ chân phải, khiến bàn chân bệnh nhân bị tổn thương nặng. Người bệnh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu trong tình trạng tiền sốc, tinh thần hoảng hốt.
Theo bác sĩ Trần Trung Kiên - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, thời điểm nhập viện chân bệnh nhân bầm dập, thâm tím, các ngón chân lạnh và nhợt. Vùng da gần hết chu vi vùng cổ bàn chân rách lớn, bàn chân bị trật quẹo hẳn sang bên để lộ xương gãy và khớp cổ chân. Toàn bộ mạch máu nuôi bàn chân bị kéo căng, chèn ép không thể lưu thông.
Đặc biệt, người bệnh có dấu hiệu thiếu máu nuôi vùng bàn chân, nghi ngờ do tổn thương mạch máu. Nguy cơ cắt cụt là rất cao nếu không được xử trí kịp thời. Quy trình cấp cứu tối khẩn được kích hoạt, bệnh nhân hồi sức ngay tại chỗ rồi chuyển thẳng lên phòng phẫu thuật. Nhiều ca mổ khác phải hoãn lại để ưu tiên cứu chữa bệnh nhân.
"Chúng tôi rất căng thẳng, huyết áp của bệnh nhân ban đầu vọt lên 170-180 mmHg, ở trạng thái tiền sốc, có khi tụt xuống 60-70 mmHg cận kề cửa tử", bác sĩ Kiên chia sẻ. Ca phẫu thuật cho người bệnh kéo dài 3 tiếng, may mắn mạch máu chính chỉ bị nghẽn do chỗ xương gãy trật chèn ép. Sau khi nắn chỉnh xương, mạch máu đã phục hồi, tái lưu thông.
Ngoài ra, xương bàn chân gãy, bầm dập của bệnh nhân được nắn lại để ưu tiên phục hồi vùng da, cơ. Nhờ được tái tưới máu kịp thời, bàn chân người bệnh hồng hào trở lại, các vết thương phía dưới chỗ nghẽn mạch bắt đầu rỉ máu sậm màu rồi sang máu tươi.
12 tiếng sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, tinh thần ổn định hơn. Các đầu ngón chân hồng ấm, đo độ bão hòa oxy ở các đầu ngón chân duy trì ổn định ở mức 98-99%. Vạt da bầm dập ở mu chân tím nhẹ. Theo bác sĩ Kiên, tuy còn phải theo dõi và có thể còn phải can thiệp phẫu thuật thêm nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định bàn chân của bệnh nhân đã có thể giữ được và phục hồi.
Đinh Kim(T/h)