Người đàn ông sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do uống rượu quá nhiều
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa cấp cứu thành công bệnh nhân N.N.T (49 tuổi, trú tại Hà Nội) bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo báo Phụ Nữ Việt Nam. Người bệnh nhập viện vào 13h ngày 11/5 trong tình trạng lơ mơ, suy giảm tri giác với tiền sử đái tháo đường tuýp 2, lạm dụng rượu.
Gia đình kể, khoảng 4 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân ăn kém, uống nhiều rượu kèm theo sốt, đi ngoài phân lỏng ngày 3-4 lần. Tới khoảng 11h ngày 11/5, gia đình phát hiện người bệnh ở trong trạng thái lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và tiến hành đặt ống nội khí quản, thở theo bóp bóng, truyền dịch, vận mạch liều cao, làm các chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Người bệnh sau đó được chuyển khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm toan hóa máu nặng nề, nhiễm khuẩn rất nặng, có suy đa tạng. Đặc biệt, kali máu của bệnh nhân rất cao, tiên lượng rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Người bệnh được đánh giá là tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy tạng.
Các bác sĩ đã bù dịch kiềm và dịch đẳng trương, duy trì vận mạch liều cao, dùng kháng sinh kết hợp, lợi tiểu, thở máy xâm nhập nhưng đáp ứng hiệu quả kém, huyết áp cải thiện chậm và không có nước tiểu. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, nếu không được điều trị, can thiệp kịp thời rất có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn và triển khai lọc máu liên tục chỉ sau 1,5 tiếng nhập viện. Sau 8 tiếng lọc máu, tình trạng toan kiềm của bệnh nhân cải thiện, cắt được vận mạch, bắt đầu có nước tiểu. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tình trạng nhiễm khuẩn giảm, huyết động ổn định. Người bệnh hết sốt, hết đi ngoài phân lỏng, huyết động ổn định, kiểm soát ổn đường máu, nhiễm khuẩn giảm sâu sau 5 ngày điều trị.
Cứu sống bệnh nhân 34 tuổi bị sốc mất máu do vết thương ngực bụng
Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân N.Đ.V. (34 tuổi) bị sốc mất máu do vết thương ngực bụng. Người nhà kể bệnh nhân bị đâm bằng vật sắc nhọn vào vùng lưng bên phải.
Sau khi thăm khám lâm sàng, chụp phổi và siêu âm tại giường, các bác sĩ hội chẩn, thống nhất chẩn đoán đây là trường hợp sốc mất máu do vết thương ngực bụng gây tràn máu màng phổi phải và tràn máu ổ bụng lượng nhiều. Người bệnh được các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp tiến hành đặt dẫn lưu màng phổi phải và chỉ định mổ cấp cứu để nhanh chóng kiểm soát chảy máu.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận định đây là vết thương ngực bụng phức tạp, gây tràn máu màng phổi phải, rách thành bên tĩnh mạch chủ dưới 1cm, đứt tĩnh mạch thận, rách ngang thận 3cm, đứt đôi tá tràng D1- D2, lượng máu mất trong ổ bụng và màng phổi phải trên 3.000ml.
Bệnh nhân vừa được truyền máu, vừa được các bác sĩ khâu lại tĩnh mạch chủ dưới, khâu bảo tồn thận, khâu nối lại tá tràng, khâu lại bao tụy, rửa bụng đặt dẫn lưu. Sau 4 ngày điều trị tích cực, người bệnh cai máy thở rút dẫn lưu màng phổi, rút ống nội khí quản và đi lại được.
Người đàn ông vỡ thực quản sau bữa nhậu
Sáng ngày 21/5, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa ghi nhận trường hợp vỡ thực quản tự phát sau khi nhậu tại nhà. Được biết, đây là ca bệnh hiếm gặp và nguy cơ biến chứng rất cao nếu không được chẩn đoán và cứu chữa kịp thời.
Báo Pháp Luật TP.HCM thông tin, bệnh nhân là ông V.V.M (46 tuổi), vào viện trong tình trạng đau khắp bụng, đau nhiều vùng thượng vị lan ra sau lưng. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân nôn ói nhiều lần sau khi nhậu vào buổi trưa ở nhà, sau đó bị đau bụng trên rốn, lan ra khắp bụng, đau nhiều và khó thở.
Chiều cùng ngày, do đau nhiều vùng bụng nên bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Nhân Dân 115. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ thực quản nên tiến hành mổ cấp cứu.
Phẫu thuật mở ngực trái, các bác sĩ ghi nhận góc tâm hoành trái nhiều giả mạc trắng, tụ dịch đục, khối viêm dạng đám quánh ở trung thất sau bọc thực quản kéo dài từ cơ hoành đến ngang rốn phổi trái, tụ mủ đóng kén.
Các bác sĩ tiếp tục bóc tách, mở rộng, rửa ổ áp xe và đặt vào khoang lồng ngực hệ thống tưới rửa cùng với ống dẫn lưu màng phổi trái. Thám sát vùng bụng, bác sĩ thấy bụng sạch nhưng quanh thực quản bụng và tâm vị bị bầm, ngoài ra còn ghi nhận đường rách thực quản dài 3cm.
Sau đó, bác sĩ đã phẫu thuật khâu lại lỗ thủng thực quản, đắp một phần mạc nối lớn lên đường khâu. Bệnh nhân được đặt thêm 2 ống dẫn lưu bên cạnh phải - trái thực quản bụng và được mở dạ dày để nuôi ăn thông qua dạ dày. Hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, người bệnh tự thở và giao tiếp được.
Đinh Kim(T/h)