Bé 5 tuổi tử vong nghi do mắc bệnh tay chân miệng
Theo TTXVN, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, một bệnh nhi đã tử vong vào đêm 31/5, nghi do bệnh tay chân miệng dựa trên chẩn đoán lâm sàng. Bệnh viện đang gửi mẫu đi làm xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Cụ thể, bệnh nhi là bé N.H.D (5 tuổi, ở Long An), chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 vào sáng ngày 31/5 trong tình trạng hôn mê sâu, co gồng, chi mát, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao trên 41 độ C.
Chẩn đoán lúc nhập viện là bệnh tay chân miệng độ 4. Bệnh nhi được xử trí tích cực chống sốc, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn, lọc máu nhưng do tình trạng rất nặng nên đã tử vong vào tối cùng ngày.
Khai thác bệnh sử trước đó, trẻ bệnh 4 ngày với triệu chứng lở môi, ăn uống kém, ói, sốt run toàn thân, gọi không biết, vã mồ hôi. Bé được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang rồi chuyển lên TP.HCM.
Theo đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1, đây là ca tử vong đầu tiên nghi ngờ do tay chân miệng vào điều trị tại bệnh viện trong năm 2023. Trong những ngày qua, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng, dù mới đầu mùa bệnh.
Cứu bé trai 3 tuổi bị tiêu chảy thoát “lưỡi hái tử thần”
Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, đại diện Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, đơn vị vừa cứu sống bé trai N.N.T.M (3 tuổi, trú tại huyện Tiên Yên, tỉnh Bắc Ninh) bị tiêu chảy dẫn đến sốc mất nước. Sau khi được cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân nhi đã thoát khỏi lưới hái tử thần.
Gia đình kể, bệnh nhi bị tiêu chảy, sốt cao kèm theo nôn nhiều lần trong ngày, sau đó được gia đình đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, ý thức kém, co giật toàn thân cơn ngắn, dấu hiệu sinh tồn ở mức nguy hiểm như nhịp tim đập nhanh trên 200/phút, sốt cao trên 40 độ, nhịp thở nhanh 60-70 lần/phút.
Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán sốc giảm thể tích do tiêu chảy cấp mất nước nặng; suy thận cấp; rối loạn điện giải; rối loạn toan kiềm và nếu không được xử trí nhanh, đúng có thể tử vong trong thời gian ngắn.
Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ bệnh viện tập trung xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Sau hai ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã thoát sốc, các chỉ số sinh tồn cải thiện, nhịp tim và nhịp thở giảm, không còn tình trạng mất nước và bắt đầu tự ăn, uống được.
Hai bệnh viện phối hợp mổ thông đường thở cho bé sơ sinh trong bụng mẹ
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phẫu thuật thông đường thở thành công cho trẻ sơ sinh mắc khối u lớn ở vùng thanh quản.
Cụ thể, em bé là con của sản phụ B.T.X.H (32 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM). Sản phụ mang thai lần 2, khám đều đặn tại Bệnh viện Từ Dũ và cả 2 lần đều bị tiểu đường thai kỳ.
Đến tuần thai 21, các bác sĩ phát hiện vùng mặt và cổ bên phải của thai nhi có khối u hỗn hợp, kích thước 26x39 mm, nghi bướu bạch huyết vùng mặt, cổ bên phải. Tuy nhiên, thai phụ quyết định không chọc ối để xác định các bất thường nhiễm sắc thể hay đột biến gene.
Thai nhi càng lớn, kích thước khối bướu vùng cổ cũng tăng lên. Đến tuần 31, khối bướu đã tăng kích thước lên 95x58 mm. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy khối u có dấu hiệu chèn ép nhẹ vùng hầu họng. May mắn, nhu mô não của bé không bị tổn thương.
Thời điểm 36 tuần 6 ngày, kết quả MRI cho thấy thai nhi bị tổn thương ở vùng má, cổ phải, khối u đã to 10x10 cm, chèn ép vùng hầu miệng và hầu thanh quản. Ngay lập tức, chị H. được nhập viện để chuẩn bị mổ.
Trong cuộc phẫu thuật, ekip bác sĩ sản khoa và nhi khoa sẽ phối hợp làm thủ thuật EXIT để khai thông đường thở, duy trì hô hấp tuần hoàn cho trẻ ngay khi vừa chào đời.
Ca mổ được tiến hành sáng ngày 31/5. Đúng như kế hoạch, ngay khi đầu em bé vừa được đưa ra khỏi tử cung của người mẹ, các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, hồi sức, bóp bóng rồi gắn máy thở cho trẻ. Sau đó, bé được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng Thành phố an toàn. Sau phẫu thuật, sức khỏe của người mẹ và bé sơ sinh ổn định.
Đinh Kim(T/h)