Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 19/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nữ sinh 20 tuổi liều mình đi "hiến" trứng mua iPhone 12
Hình ảnh siêu âm buồng trứng của cô nữ sinh 20 tuổi. |
“Buồng trứng của cô ấy to lên một cách bất thường”, bác sĩ Hồ Kinh Huy thuộc Bệnh viện trực thuộc Đại học Y khoa Chiết Giang (Trung Quốc) thốt lên khi nhìn thấy bức ảnh siêu âm B của một nữ bệnh nhân. Qua hình siêu âm có thể thấy đường kính của buồng trứng đạt 13cm, gấp 4 lần so với buồng trứng bình thường của một người phụ nữ.
Chủ nhân của bức ảnh siêu âm B này là một cô gái 20 tuổi. Bác sĩ Hồ cho biết, cô gái này tới viện khám khi cảm thấy bụng rất đau, toàn bộ bụng phình to như một phụ nữ mang thai đủ tháng.
“Bụng của cô ấy đã phình to như một quả bóng chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Bạn có thể tượng tưởng được nó đau đớn đến mức nào”, bác sĩ Hồ nói. Tuy nhiên, dù rất đau đớn nhưng cô gái vẫn không muốn tiết lộ tiền sử bệnh tật của mình. Sau nhiều lần được bác sĩ thuyết phục, nữ sinh cuối cùng cũng nói ra sự thật.
Hóa ra, cô gái này là một sinh viên đang học năm 2 tại một trường đại học ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Cô luôn muốn sở hữu một chiếc điện thoại iPhone đời mới nhất nhưng chưa bao giờ có đủ tiền để mua chúng.
Một hôm, nữ sinh nhìn thấy một quảng cáo nhỏ tìm kiếm “tình nguyện viên hiến trứng” trong nhà vệ sinh công cộng của trường học và cô ngay lập tức bị số tiền công đó làm cho mê muội. Theo thông tin trên tờ quảng cáo, số tiền mà người “hiến” trứng nhận được sẽ là 10.000 tệ (khoảng 34,6 triệu đồng).
Với số tiền này, nữ sinh 20 tuổi kia có thể sắm ngay cho mình chiếc iPhone 12, iPhone đời mới nhất. Tuy nhiên, cái giá mà nữ sinh phải trả là quá đắt khi bị tổn thương buồng trứng. Rất may, nữ sinh đã được cấp cứu và điều trị kịp thời, không còn gặp vấn đề gì nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Kỷ Á Trung, trưởng Khoa Y học sinh sản thuộc Bệnh viện trực thuộc Đại học Đồng Tế, phẫu thuật lấy trứng phức tạp hơn nhiều so với lấy tinh trùng, vì tế bào trứng rất mỏng manh nên môi trường mổ phải nghiêm ngặt, phòng phải vô trùng, ít bụi và duy trì nhiệt độ ổn định. Thông thường, người lấy trứng cần được gây mê toàn thân và họ sẽ cảm thấy không hề đau đớn sau khi ca phẫu thuật kết thúc.
Quá trình lấy trứng ra khỏi nang sẽ gây ra các vết thương trên buồng trứng, nếu vi khuẩn tại nơi làm phẫu thuật vượt quá tiêu chuẩn sẽ dễ gây nhiễm trùng. Nếu viêm nhiễm hình thành sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng cho người lấy trứng.
Cứu bệnh nhân u nhầy nhĩ trái có nguy cơ đột tử cao
Bệnh nhân được bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực trong khu hồi sức phẫu thuật tim. (Ảnh: Zing) |
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT) vừa phẫu thuật xuyên đêm để cấp cứu cho bệnh nhân có nguy cơ đột tử rất cao.
Bệnh nhân L.V.C. (63 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) được chuyển từ bệnh viện địa phương đến BVĐKTWCT cấp cứu vào tối 15/10 trong tình trạng mệt, khó thở với chẩn đoán u nhầy nhĩ trái. Kết quả siêu âm cho thấy khối u nhầy nhĩ trái bám vào vách liên nhĩ, nghi ngờ có hoại tử trong u, cản trở dòng máu qua van 2 lá.
Do kích thước khối u lớn (60x40 mm), gần như lấp đầy nhĩ trái nên bác sĩ đã chỉ định mổ ngay trong đêm. Sau 150 phút phẫu thuật, kíp mổ có hai bác sĩ chuyên khoa 2 đã bóc tách thành công khối u nhầy chèn lấp hoàn toàn vào lỗ van hai lá.
Hiện, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt ,dấu hiệu sinh tồn ổn định, được bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực trong khu hồi sức phẫu thuật tim.
Theo bác sĩ Lâm Việt Triều, u nhầy (Myxoma) là u nguyên phát thường gặp nhất ở tim. U nhầy thường lành tính nhưng hậu quả gây ra về mặt huyết động học rất nặng, cần phải điều trị ngay, nếu chậm trễ có thể gây tử vong.
Bản chất của u nhầy là loại u nhiều thùy, nhiều múi, tổ chức mủn nát, rất dễ vỡ gây tắc mạch ngoại vi. Tỷ lệ mắc bệnh rất ít từ 0,3-0,5/1.000 người.
Phương pháp điều trị u nhầy nhĩ trái là cắt bỏ khối u. Sau mổ, bệnh nhân cần tái khám định kỳ và siêu âm tim hàng năm để kịp điều trị nếu u tái phát.
Ứng phó với dịch bệnh sau mưa lũ
Đợt mưa lũ lớn xảy ra ở các tỉnh thành miền Trung để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh những thiệt hại về người và của, nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ cũng là điều cần đặc biệt cảnh giác.
Theo các chuyên gia y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: Sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,… Đồng thời, thời tiết giao mùa hè - thu, đầu thu với nền nhiệt thất thường, độ ẩm cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau: Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Việt Hương (T/h)