Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 14/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Quảng Bình: 9 người bị ngộ độc nhập viện sau khi ăn rau muống biển
Ăn rau muống biển bị ngộ độc. |
Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết trên Người lao động, đơn vị này vừa tiếp nhận và cấp cứu 9 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do ăn rau muống biển.
Trước đó, tối 12/10, nhóm công nhân 9 người quê ở tỉnh Hòa Bình đang làm xây dựng ở một công trình tại xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) sau khi ăn món rau muống biển xào tỏi thì bất ngờ xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng….
Nhóm người này đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện ngay sau đó. Trong đó, có 7 trường hợp nặng phải điều trị, 2 trường hợp còn lại nhẹ hơn nên chỉ cần theo dõi.
Người nhà bệnh nhân chia sẻ trên Người lao động, chiều hôm qua, khi thấy đọt rau muống biển xanh non nên đầu bếp đã hái và chế biến món rau xào tỏi để ăn, không lâu sau đó thì bị ngộ độc.
Được biết, với phụ nữ mang thai, những người bị viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, huyết áp cao hoặc đang điều trị bệnh nội khoa, ngoại khoa thì không nên ăn rau muống biển. Do đó, để có được hiệu quả tốt nhất, người dùng nên chú ý sử dụng cây rau muống biển một cách phù hợp và khoa học.
Lấy lại dáng đứng cho một bệnh nhân gãy gập lưng 22 năm
Hình ảnh tình trạng gù của bệnh nhân trước khi được phẫu thuật. (Ảnh: VGP/Hiền Minh) |
Bệnh nhân nhập viện với thể trạng gầy, chỉ 42kg, tình trạng gù nặng và tiến triển biến dạng nhanh trong 4 năm trở lại đây, tầm nhìn 1m trở lại bàn chân, không ngửa mặt lên được. Do biến dạng của cột sống, thành ngực của bệnh nhân chạm sát đùi, khớp háng hai bên dính hoàn toàn, cột sống cổ hạn chế vận động nhiều, khớp vai trái cũng bị hạn chế biên độ vận động nhẹ do bắt đầu bị dính.
Sau một thời gian thăm khám và làm các xét nghiệm, ngày 29/9, các bác sĩ của bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Các bác sĩ nhận định, đây là ca phẫu thuật phức tạp và nhiều khó khăn. Đầu tiên là tìm cách để có được bàn mổ phù hợp với người bệnh, vì hiện tại chưa có tài liệu trong nước cũng như quốc tế để tham khảo về phương pháp gá đặt và cố định bệnh nhân trong quá trình mổ. Những khó khăn trong gây mê và phương án cấp cứu ngừng tim, phổi khi gây mê cho bệnh nhân cũng được các bác sỹ bàn bạc chuẩn bị kỹ càng, chi tiết.
Trải qua thời gian hơn 3 tháng nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần với các mô hình khác nhau, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã thiết kế thành công bộ dụng cụ lắp đặt tương thích với bàn mổ sẵn có của Bệnh viện. Với bộ phận chế tạo thêm này bệnh nhân được cố định chắc chắn vào bàn mổ. Bộ dụng cụ đã đỡ toàn bộ nửa cơ thể phía dưới của người bệnh và có thể thay đổi linh hoạt từ 0 đến 180 độ để thực hiện nắn chỉnh biến dạng của cơ thể sau khi các đốt sống được cắt tạo hình chỉnh gù cột sống.
Ngày 29/9, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật và lần đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, các kỹ sư cùng tham gia vào chuẩn bị tư thế cho bệnh nhân để mổ. Ca phẫu thuật diễn ra trong 7 giờ với sự có mặt của các bác sĩ chuyên khoa về gây mê, chấn thương chỉnh hình cột sống. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chỉnh gù cột sống, cắt chêm xương qua đĩa đệm L3-4 nắn chỉnh gù, ghép xương.
Bác sĩ Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống, Viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết trên báo Chính Phủ, đến giờ phút này có thể nói ca phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cho bệnh nhân T đã thành công. Hiện, bệnh nhân đang được phục hồi chức năng, dự kiến khoảng 2 tuần nữa có thể xuất viện. “Chúng tôi sẽ hẹn bệnh nhân trở lại để thực hiện các phẫu thuật thay khớp háng hai bên nắn chỉnh hết các biến dạng và hồi phục chức năng vận động trong thời gian tới”, BS Phan Trọng Hậu chia sẻ.
Cũng theo BS Phan Trọng Hậu, trường hợp của bệnh nhân T còn rất nhiều hy vọng, vì sau ca phẫu thuật bệnh nhân sẽ cải thiện được hệ hô hấp, đi lại dễ dàng và có thể tự phục vụ bản thân cũng như lao động nhẹ nhàng.
Bé gái hơn 2 tuổi bị tím tái, suy kiệt do mắc bệnh hiếm gặp
Khoảng 7 tháng trước, bé V.N.K.T (31 tháng tuổi, ngụ tại Đồng Nai) có triệu chứng bị tím mỏi, mệt khi khóc hoặc vận động nhiều. Bé bị suy kiệt, chỉ nặng 11kg.
Tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bé được thăm khám phát hiệ bị tim bẩm sinh thể nặng nhất, đó là tứ chứng Fallot. Đây bệnh hiếm gặp gây ra bởi sự kết hợp của bốn khuyết tật tim lúc mới sinh. Những khiếm khuyết bẩm sinh làm ảnh hưởng đến cấu trúc của tim, gây ra máu nghèo oxy trong tim vào phần còn lại của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ em với tứ chứng Fallot thường có da màu xanh tím vì không mang đủ oxy.
Do tình trạng bệnh ngày càng nặng, bé ngày càng tím nhiều nên bệnh viện quyết định phẫu thuật sửa chữa triệt để bệnh tim bẩm sinh cho bé.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau ca phẫu thuật, bé tiếp tục phải mổ mở xương ức để hồi sức tích cực do tình trạng phù phổi cấp nặng dần sau mổ dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận. Tuy nhiên, hồi sức tích cực không thành công, bé suy hô hấp nặng và ngưng tim.
Cùng với cấp cứu ngưng thở ngưng tim, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi. Đến nay, sau 1 tuần chạy ECMO, tình trạng bé đã được cải thiện, chức năng co bóp tim và hô hấp phục hồi tốt. Bé được cai ECMO và phẫu thuật đóng xương ức, cai máy thở.
Theo bệnh viện Nhi đồng 1, đây là ca ECMO thứ 8 được thực hiện thành công từ khi bệnh viện tự tiến hành kỹ thuật ECMO vào cuối năm 2019 đến nay.
Việt Hương (T/h)