Cứu sống người phụ nữ bị vi khuẩn Whimore tấn công
Tri Thức Trực Tuyến mới đây đã đưa tin về trường hợp người phụ nữ 27 tuổi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính. Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân là chị N.T.T (trú tại Yên Sơn, Tuyến Quang). Được biết, một ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân vị sưng đau ngực phải, sốt cao liên tục 40 – 41 độ và khó thở.
Bệnh nhân từng điều trị ở 3 bệnh viện tại Tuyên Quang nhưng không đỡ. Do đó, người nhà xin chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại thời điểm được đưa đến bệnh viện, bệnh nhân ở trong tình trạng tỉnh chậm, thể trạng nhiễm trùng nặng, sốt cao liên tục, khó thở nhiều, thiếu máu, suy kiệt, nhiều ổ áp-xe lớn, nhỏ ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành cấy đờm, máu, dịch ổ áp-xe tại tuyến vú và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei - vi khuẩn gram âm gây bệnh Whitmore.
Bệnh nhân sau đó được các bác sĩ điều trị kháng sinh theo phác đồ mắc bệnh Whitmore. Sau 5 ngày điều trị tích cực, dẫn lưu các ổ áp-xe, bệnh nhân đã cắt sốt, các triệu chứng nhiễm trùng giảm nhiều.
Trong 3 tuần điều trị tiếp theo, các ổ áp-xe đã biến mất, xét nghiệm đã trở về giới hạn bình thường. Bệnh nhân hiện đã được bác sĩ cho ra viện, tiếp tục điều trị theo phác đồ duy trì và hẹn tái khám.
Bệnh nhân đa chấn thương nguy kịch do tai nạn giao thông
Theo thông tin được đăng trên VOV, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa cấp cứu thành công nữ bệnh nhân 61 tuổi bị đa chấn thương, vỡ nhiều tạng ổ bụng nguy kịch do tai nạn giao thông.
Bệnh nhân là bà N.T.P (trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), được đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy ngay sau tai nạn giao thông. Lúc đó, bệnh nhân ý thức lơ mơ, huyết áp tụt sâu, da niêm mạc nhợt, sốc mất máu do đa chấn thương.
Nhận định bệnh nhân bị vỡ lách, tụy, thận trái, chấn thương cẳng chân trái, có thể tử vong ngay lập tức do sốc mất máu, các bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ, phối hợp các chuyên khoa tiến hành mổ khẩn cấp. Trước, trong và sau ca mổ, bệnh nhân được truyền liên tục 16 đơn vị khối hồng cầu và huyết tương (tương đương 4000ml máu).
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi sát tình trạng, hồi sức tích cực bằng các phương pháp điều trị nâng cao. 48 tiếng sau ca mổ, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt, bệnh nhân đã tỉnh táo, chỉ số sinh tồn ổn định, sẽ tiếp tục được theo dõi trong thời gian tới.
Kịp thời cứu bệnh nhân bị phình động mạch vị tá tràng hiếm gặp
Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, đơn vị này vừa can thiệp nội mạch cầm máu thành công cho bệnh nhân bị xuất huyết nội do vỡ phình động mạch vị tá tràng nguy kịch.
Cụ thể, bệnh nhân là ông N.N.B (54 tuổi, tạm trú tỉnh Sóc Trăng), được chuyển tuyến trong tình trạng bụng chướng, đề kháng, ấn đau thượng vị, đau quanh rốn, hông phải, ngày càng tăng kèm nôn ói nhiều.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành siêu âm bụng, phát hiện bên trong ổ bụng có nhiều máu đông, tụ sau phúc mạc. Theo kết quả chụp và can thiệp nội mạch, bệnh nhân bị xuất huyết nội do vỡ phình động mạch vị tá tràng, nhiều ổ thoát mạch từ nhánh của động mạch vị tá tràng cấp máu vùng tá tràng đoạn DIII, tắc hoàn toàn nhánh thoát mạch.
Các bác sĩ sau đó thực hiện can thiệp tắc mạch bằng hỗn hợp keo trong 40 phút. Bệnh nhân hiện tỉnh, chỉ số sinh tồn ổn, niêm hồng, bụng mềm, không sốt, tình trạng chung ổn, đang được theo dõi và điều trị tiếp tại khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu.
Đinh Kim(T/h)