Bệnh nhân 59 tuổi bị bác sĩ phẫu thuật bỏ quên kéo trong bụng
Theo trang Yahoo News, ông Ivan Chavez (59 tuổi) đến Bệnh viện Đại học Maracaibo (Venezuela) để phẫu thuật dạ dày. Ca phẫu thuật được thông báo là đã thành công nhưng ngay sau đó, bệnh nhân bắt đầu bị đau bụng, khó ăn uống và đi vệ sinh.
Các bác sĩ đưa ra nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh nhân nhưng cảm giác khó chịu vẫn không giảm bớt. 4 ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được tiến hành chụp X-quang để tìm hiểu nguyên nhân.
Lúc này, các bác sĩ mới phát hiện ca phẫu thuật không thành công như họ nghĩ. Càng đáng kinh ngạc hơn, một chiếc kéo đã bị bỏ quên trong bụng của bệnh nhân 59 tuổi. Bệnh nhân lập tức được tiến hành phẫu thuật khẩn cấp để lấy chiếc kéo ra.
Ca phẫu thuật này cũng được cho là thành công nhưng bệnh nhân đã qua đời 5 ngày sau đó. Gia đình người bệnh đổ lỗi cho các bác sĩ phẫu thuật vì đã cẩu thả, cho rằng bác sĩ che giấu tình trạng thực sự của bệnh nhân với họ, cố gắng giả vờ như mọi thứ đều ổn.
Người nhà bệnh nhân cho biết thêm, 2 tiếng sau khi ông Ivan qua đời, họ mới nhận được thông báo từ các nhân viên bệnh viện. Hiện, không rõ liệu gia đình ông Ivan có định đệ đơn kiện bất kỳ bác sĩ nào đã phẫu thuật cho ông trong 2 ca phẫu thuật nói trên hay không.
Cứu sống bệnh nhi u nguyên bào thận hai bên
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đơn vị này vừa phối hợp với Bệnh viện St Jude Children's Research Hospital (Mỹ) điều trị thành công cho bệnh nhi T.N.T.N (12 tháng tuổi, đến từ tỉnh Kon Tum)., theo Sức Khỏe & Đời Sống.
Bệnh nhi được đưa đến Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 27/10/2021, khi mới được 7 tháng tuổi với lý do bụng chướng căng, nôn sau bú. Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán bị u nguyên bào thận hai bên.
Sau đó, bệnh nhi được hội chẩn đa chuyên khoa tại bệnh viện, cũng như hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia quốc tế của Trung tâm St. Jude Children's Research (Mỹ), Bệnh viện bà mẹ trẻ em tại Singapore; cùng rất nhiều bác sĩ khác từ Mỹ, Singapore, Nhật để đưa ra chiến lược điều trị tối ưu.
Bệnh nhi được tiến hành điều trị hóa chất ở Bệnh viện Trung ương Huế giúp thu gọn khối u trước khi phẫu thuật. Sau liệu trình điều trị 12 tuần, bệnh nhi được tiến hành hội chẩn trực tuyến lần thứ hai với Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị ung thư nhi St. Jude Children's Research.
Xác định đây là trường hợp phức tạp, việc phẫu thuật bảo tồn thận không đơn giản, nhiều nguy cơ sau mổ như chảy máu hay suy thận cấp có thể xảy ra, nên các chuyên gia của hai bệnh viện đã quyết định đưa bệnh nhi đến Trung tâm St. Jude Children's Research Hospital để phẫu thuật.
Sau ca phẫu thuật, do biến chứng rối loạn đông máu nặng nên không thể đóng ổ bụng ngay sau mổ cho bệnh nhi. Sau tháng điều trị, bệnh nhi đã hồi phục. Kết quả phẫu thuật và điều trị sau mổ thành công đã giúp bảo tồn được 1/2 thận phải và 3/5 thận trái của bệnh nhi.
Sáng ngày 11/4, bệnh nhi và bố mẹ đã đáp cánh an toàn sau chuyến bay từ Mỹ trở về tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong thời gian tới, bệnh nhi tiếp tục điều trị xạ trị và hóa chất thêm 8 tuần tại Bệnh viện Trung ương Huế để hoàn thành liệu trình theo phác đồ chuẩn.
Bệnh nhi 11 tuổi bị chứng lưng cong nguy hiểm
Pháp Luật Việt Nam đưa tin, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa “giải cứu” thành công bệnh nhi 11 tuổi ở Đồng Nai bị gánh còng lưng cong nghiêm trọng.
Cụ thể, bệnh nhi bị tổn thương vẹo cột sống bẩm sinh nặng, gánh còng lưng cong dần theo năm tháng. Tình trạng lưng cong ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, hoạt động thể lực, học tập của bệnh nhi.
Người nhà vô cùng lo lắng khi thấy triệu chứng nặng nề, lưng đau tê không chịu nổi. Bệnh nhi được điều trị nội khoa nhưng không đáp ứng. Nhận thấy tình trạng của bệnh nhi ngày càng xấu, người nhà đã đưa em đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố để phẫu thuật.
Bệnh viện đã sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất cùng đội ngũ chuyên gia chỉnh hình đang hợp tác với bệnh viện và các chuyên gia của Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình người lớn nhiều năm kinh nghiệm để thực hiện ca mổ.
Ekip mổ dùng hệ thống 1 thanh ngang, 2 thanh dọc, 32 vít chẹn và dải chỉ siêu bền để tái tạo và cố định lại hình hài cột sống cho bệnh nhi. Phối hợp với vật lý trị liệu, bệnh nhi dần gập duỗi nghiêng hết biên độ, tập xoay người đủ kiểu vẫn không bị trật và đau như trước.
Sau mổ khoảng 15 ngày, bệnh nhi đã giảm đau 8-9 phần, đi lại thoải mái, ngồi thẳng lưng đọc truyện, xem điện thoại sảng khoái.
Đinh Kim(T/h)