Can thiệp ECMO cứu bé 7 tháng tuổi sốc sốt xuất huyết
VTV News đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận bệnh nhi N.M.Đ. (7 tháng tuổi, nam, trú tại Thanh Bình, Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi khởi bệnh 3 ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, tiêu phân lỏng nhiều lần, co giật toàn thân. Bệnh nhi được đưa đến phòng khám đa khoa tư nhân, xử trí thở oxy, chống co giật bằng sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Trên đường chuyển đến bệnh viện khoảng 30 phút, bệnh nhi co giật liên tục.
Tại khoa Cấp cứu, ghi nhận bệnh nhi tím môi, vào sốc, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, xét nghiệm NS1Ag dương tính, bệnh nhi được điều trị hỗ trợ hô hấp, chống sốc theo phác đồ. Tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng, sốc kéo dài, kèm tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi màng bụng lượng nhiều gây suy hô hấp nặng. Bệnh nhi được truyền máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu, chọc dò ổ bụng, màng phổi giải áp.
Sau đó, bệnh nhi hô hấp diễn tiến xấu hơn, hình ảnh X-quang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng nên được hội chẩn toàn bệnh viện và thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Đồng thời, bệnh nhi cũng được điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh nước điện giải, toan chuyển hóa, kháng sinh, hạ sốt, dinh dưỡng. Sau 2 tuần, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần được cai ECMO sau đó cai máy thở, thở máy không xâm nhập, thở oxy qua cannula rồi trẻ tự thở được với khí trời. Bệnh nhi được xuất viện sau 49 ngày nằm viện. Tái khám định kỳ ghi nhận tình trạng bệnh nhi phát triển tốt.
Phát hiện bị tiểu đường khi đi khám mụt nhọt
Theo VnExpress, sáng ngày 8/12, bà N.T.V (tên bệnh nhân đã được thay đổi) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tái khám sau phẫu thuật cắt lọc nhọt ở mông. Vết thương ở hậu môn từng có đường kính 6cm dần lành lặn, chỉ còn khoảng 2cm, không cần ghép da.
Trước đó 1 tháng, bệnh nhân mọc nhọt cỡ hạt đậu xanh ở mông trái. Sờ thấy cứng, hơi ngứa, bệnh nhân thoa dầu gió. Nhọt bỗng sưng, đau nhức, người bệnh tiếp tục đắp cao không rõ loại khiến sưng đỏ, lan rộng, ê nhức không thể ngồi hay đi lại. Bệnh nhân dùng dao lam rạch nhọt, nặn ra một ít mủ đục, cơn đau nhức càng dữ dội, vết thương không lành nên bà đến bệnh viện thăm khám.
ThS.BS Nguyễn Văn Hậu - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa nhận thấy vị trí nhọt gần hậu môn đã hình thành ổ áp xe (mủ), sưng đỏ, lan rộng có nguy cơ lỗ rò hậu môn trực tràng. Người bệnh được chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm máu. Kết quả, định lượng glucose hơn 10 mmol/L, xét nghiệm HbA1c (đánh giá mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng) là 8,2%. Các chỉ số đều gần gấp 1,5-2 lần người bình thường, cho thấy bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Hậu đã phối hợp với khoa Nội tiết - Đái tháo đường thăm khám và cho người bệnh dùng thuốc điều trị tiểu đường kết hợp kháng sinh kiểm soát đường huyết và cải thiện tình trạng viêm, sau đó phẫu thuật. Bác sĩ Hậu cắt lọc nhọt với đường kính vết thương 6cm.
Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh và thuốc điều trị tiểu đường. Nếu vết thương không khô, người bệnh tiếp tục phẫu thuật ghép da để làm lành vết mổ. Khi xuất viện, nhân viên y tế đến nhà bệnh nhân 2 lần/ngày, tiếp tục chăm sóc vết thương. Sau một tháng, vết thương khô, dần lành lặn, không cần ghép da.
Mặt mưng mủ, nhiễm trùng vì dùng "thuốc chứa axit" không rõ nguồn gốc
Theo Infonet, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp da hai bên gò má bị trợt loét, mưng mủ, nhiễm trùng do mua "thuốc chứa axit" không rõ nguồn gốc để thoa lên mặt trị sạm, nám.
Cụ thể, nữ bệnh nhân (44 tuổi, ở Tiền Giang) đến khám trong tình trạng vùng da hai bên gò má, đặc biệt là gò má bên phải bị thương tổn nặng, trợt da, rỉ dịch mủ vàng đục… Bệnh nhân cho biết trước đó hơn 1 tháng có nghe người quen giới thiệu một loại “thuốc chứa axit” có giá hơn 200.000 đồng được bán ở chợ có tác dụng trị sạm, nám rất hiệu quả nên mua về sử dụng.
Sau khi thoa thuốc lên da có cảm giác châm chích, bỏng rát nhiều, bệnh nhân có hỏi người quen nhưng được thông tin là tiếp tục thoa vì thuốc đang phát huy hiệu quả nên tôi tiếp tục thoa. Sau 3 ngày, vùng da hai gò má bắt đầu khô căng, sau đó xuất hiện vết trợt giống bị bỏng, chỗ vết thương rỉ dịch, có mủ vàng đục.
Bệnh nhân lo sợ nên thoa dầu mù u để sát khuẩn, mau lành vết thương nhưng thấy thoa hơn cả tháng mà tình trạng vết thương không cải thiện mà càng sưng nề và rỉ dịch, chảy mủ nhiều hơn. ThS.Bs Phan Ngọc Huy - khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho hay bệnh nhân bị nhiễm trùng da kéo dài dẫn đến vết thương không lành trên nền sẹo mất sắc tố.
Loại thuốc bệnh nhân thoa để trị nám nêu trên có chứa axit. Do bệnh nhân bị nhiễm trùng da kéo dài dẫn đến vết thương không lành trên nền sẹo mất sắc tố, việc điều trị sẽ phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn, trong đó bắt đầu với kiểm soát tình trạng nhiễm vi trùng, vi nấm cũng như tạo môi trường thuận lợi để vết thương lên mô hạt tốt và tái biểu mô hóa làn da.
Di chứng sẹo rối loạn sắc tố thường gặp và thường sẽ cần điều trị kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả thẩm mỹ cao như laser vi điểm tái tạo bề mặt da, laser Q-Switched hay laser pico giây để điều trị các tình trạng tăng sắc tố và trong các trường hợp tế bào sắc tố bị tổn thương vĩnh viễn, ghép da hoặc ghép tế bào sắc tố sẽ được các bác sĩ cân nhắc chỉ định.
Đinh Kim(T/h)