Cứu sống cụ ông 100 tuổi bị đột quỵ não
Báo Giao Thông đưa tin, mới đây, khoa Đột quỵ não – Viện Thần kinh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nam bệnh nhân N.B.T (100 tuổi, ở Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng liệt gần hoàn toàn nửa người phải, nói khó, huyết áp tăng cao.
Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ 2 kể từ khi khởi phát, cân nhắc điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân quá cao tuổi, việc chỉ định điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết phải hết sức thận trọng do có nhiều nguy cơ biến chứng.
Sau khi hội chẩn ngay tại khoa cấp cứu, các bác sĩ trong nhóm cấp cứu đột quỵ của bệnh viện đã thống nhất sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân với liều thấp 0.6mg/kg thay vì liều tiêu chuẩn 0.9mg/kg để hạn chế biến chứng xuất huyết.
Người bệnh bắt đầu được tiêm thuốc chỉ sau 20 phút từ khi đến khoa cấp cứu. Sau tiêm thuốc 1 giờ, tay và chân bên phải của bệnh nhân đã có thể vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo, nói rõ hơn. Chụp kiểm tra lại sau 24 giờ, hình ảnh cắt lớp vi tính sọ não hoàn toàn bình thường.
Sau 5 ngày điều trị nội trú tại khoa Đột quỵ, bệnh nhân được xuất viện trong trạng thái hồi phục hoàn toàn như trước khi bị đột quỵ.
“Trong điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, các bệnh nhân trên 80 tuổi được xem là các đối tượng cần cân nhắc kĩ lưỡng bởi tỉ lệ biến chứng cao.
Theo y văn, kỷ lục về bệnh nhân già nhất trên thế giới được điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch thành công được ghi nhận tại Mỹ vào năm 2021 với 1 cụ bà 105 tuổi, vượt qua bệnh nhân 101 tuổi trước đó.
Tại Việt Nam, theo như chúng tôi được biết, đây là bệnh nhân già tuổi nhất được công bố điều trị thành công bằng phương pháp này”, TS. Nguyễn Quang Lĩnh, khoa Đột quỵ não – Viện Thần kinh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay.
Cứu bệnh nhân bị gãy canuyn mở khí quản, gây tắc nghẽn đường thở
Chiều ngày 10/11, Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết nhờ sự phối hợp nhanh chóng, hiệu quả giữa các chuyên khoa, các bác sĩ bệnh viện đã cấp cứu thành công cho bệnh nhân bị gãy canuyn mở khí quản, gây tắc nghẽn đường thở.
Cụ thể, theo báo Tin Tức, ông N.M.T (67 tuổi, ở Thanh Hóa) có tiền sử hẹp khí quản sau tai nạn giao thông, được mở khí quản vĩnh viễn 11 năm trước. Bệnh nhân được hướng dẫn và tự thay nòng của canuyn mở khí quản hàng ngày. Từ khi mở khí quản, bệnh nhân không đi khám và chưa thay canuyn lần nào.
Khoảng 14h ngày 17/10, bệnh nhân ho cơn, gãy canuyn mở khí quản và rơi vào trong đường thở, được cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Người bệnh còn khó thở nhiều, ho đờm, không sốt, đau tức ngực. Sau đó, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chẩn đoán Dị vật khí quản, phế quản gốc (P); tiên lượng khó khăn trong can thiệp lấy dị vật.
Bệnh nhân lại tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tỉnh, ho lọc xọc đờm, không sốt, khó thở nhẹ, huyết động ổn định. Chụp cắt lớp vi tính ngực có dựng hình khí phế quản cho thấy hình ảnh dị vật dạng ống trong khí quản và phế quản gốc (P), kích thước 5 x 1,5 cm, tắc hoàn toàn khí quản phía trên lỗ mở khí quản.
Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh khó vì dị vật là đoạn canuyn mở khí quản có kích thước lớn, trên nền bệnh nhân đã được can thiệp khí quản nhiều lần nên việc lấy dị vật rất khó khăn. Khoảng 11h ngày 18/10, Trung tâm Hô hấp đã tiến hành hội chẩn toàn viện cho bệnh nhân, chẩn đoán của Hội đồng hội chẩn: Dị vật phế quản gốc (P) (đoạn canuyn gãy)/Sẹo hẹp khí quản đã phẫu thuật cắt đoạn khí quản, mở khí quản vĩnh viễn sau phẫu thuật - Tăng huyết áp - Đái tháo đường typ 2 - Gút mạn - Suy thận.
Chỉ định can thiệp cấp cứu lấy dị vật cho người bệnh qua nội soi phế quản ống cứng với sự phối hợp của các bác sĩ Trung tâm Hô hấp, Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Khoa Tai mũi họng, Trung tâm Gây mê hồi sức. PGS.TS Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn khí quản nên không thể đặt ống cứng theo cách thông thường là qua đường miệng. Cách duy nhất là đặt ống cứng qua lỗ mở khí quản và chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết các tình huống phát sinh.
Do lỗ khí quản nhỏ nên dự kiến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ nong rộng lỗ mở khí quản để các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp đặt ống cứng qua đường này để lấy dị vật. Trường hợp không đặt được ống cứng để lấy dị vật hoặc việc lấy dị vật khó khăn, bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu sẽ mở lồng ngực để can thiệp.
Đến 13h30 ngày 18/10, bệnh nhân được can thiệp nội soi phế quản ống cứng lấy dị vật. Sau 2 giờ đầy căng thẳng, với sự tập trung cao độ của đội ngũ y bác sĩ, dị vật (đoạn canuyn gãy) đã được lấy ra, bệnh nhân ổn định và được chuyển lại Trung tâm Hô Hấp tiếp tục theo dõi. Sau 2 ngày can thiệp, người bệnh tỉnh, không khó thở, không sốt, còn ho ít đờm, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện vào ngày 25/10.
Can thiệp trường hợp bị phì đại vùng tai bên phải
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị phì đại vùng tai bên phải. Bệnh nhân là chị T.T.T. (40 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện với khối thịt lớn bên tai, theo báo Tiền Phong.
Qua khai thác bệnh sử từ người bệnh, bác sĩ nắm được thông tin với mong muốn làm đẹp bằng đồ trang sức nên khoảng 10 năm trước, bệnh nhân đã dùng kim may quần áo tự xỏ lỗ tai cho mình. Tuy nhiên, tai bên phải sau khi xuyên kim đã bị viêm, sưng lớn, bầm tím gây đau nhức. Sau thời gian hết viêm, tai phải của người bệnh bị phì đại và chị đã đến một cơ sở y tế phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Tuy nhiên sau phẫu thuật, khối u tiếp tục tái phát. Sau nhiều năm sống chung với tình trạng dị dạng ở tai phải gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, bệnh nhân quyết định đến bệnh viện thực hiện cuộc phẫu thuật lần thứ hai.
Các bác sĩ tiến hành thành công ca phẫu thuật, cắt khối u đã biến dạng với kích thước 4x8cm, cân nặng 0,5kg, bên cạnh đó tái tạo lại vành tai và tiêm thuốc ức chế tái phát khối u cho người bệnh. Sau phẫu thuật, sức khỏe và thẩm mỹ trên khuôn mặt của bệnh nhân đã phục hồi tốt.
Đinh Kim(T/h)