Hai người rơi vào hôn mê sâu sau khi ăn so biển nướng
Theo thông tin trên VOV, ông L.V.K. (64 tuổi) và ông L.V.N (57 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bắt được con so biển. Dù biết so biển là loại có độc tố nhưng hai người vẫn quyết định nướng ăn, sau đó cả hai đều xuất hiện tình trạng tê bì môi lưỡi, yếu tay chân, nôn, khó thở…
Khi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), hai bệnh nhân đã ở trong tình trạng hôn mê sâu, mất toàn bộ phản xạ gân xương và đồng tử, suy hô hấp, tiên lượng nguy kịch.
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp cứu thải độc, hồi sức tích cực như thông khí nhân tạo, thở máy, bơm than hoạt tính, rửa dạ dày… Sau 24 giờ điều trị tích cực, đến thời điểm hiện tại, hai bệnh nhân đã bước đầu có ý thức phản xạ cơ, tay chân, chỉ số sinh tồn ổn định.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, chất tetrodotoxin có trong con so biển có độc tính rất mạnh và không bị loại trừ dù đã nấu nướng ở nhiệt độ cao.
Độc tố so biển tác động lên hệ thần kinh, có thể gây liệt, ảnh hưởng đến tim mạch và tiêu hóa, khiến bệnh nhân nhanh chóng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh, ngừng tim, ngừng thở và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Hiện nay chưa có thuốc giải đặc hiệu cho loại độc tố này.
Mặc dù tình trạng ngộ độc so biển đã được cảnh báo, truyền thông nhiều lần nhưng vẫn có người dân phải nhập viện do chủ quan, dựa theo kinh nghiệm để đánh bắt và chế biến món ăn từ loại giáp xác này.
Không chấp nhận truyền máu, người đàn ông bị nhiều bệnh viện từ chối mổ
Báo Người Lao Động đưa tin, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho hay vừa phẫu thuật đại tràng cho một người đàn ông mà không cần truyền máu. Cụ thể, bệnh nhân là ông N.T.T (65 tuổi), bị sụt 20kg do u đại tràng lâu nay nhưng bị nhiều bệnh viện từ chối mổ điều trị do ông không chịu truyền bất kỳ nguồn máu nào vào cơ thể.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, người bệnh được xây dựng phác đồ dinh dưỡng đặc biệt trước khi ca mổ tiến hành. Sau 3 ngày, nhận thấy đủ điều kiện có thể phẫu thuật được, các bác sĩ đã mổ lấy được khối kích thước 3 x 3 cm và không cần truyền máu theo nguyện vọng của bệnh nhân.
Theo GS.TS.BS Hoàng Anh Dũng, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Tâm Anh, tắc ruột do u đại trực tràng là một phẫu thuật cấp cứu với nhiều biến chứng, rủi ro. Bệnh nhân này không chịu truyền máu nên cũng đặt ra một thách thức không nhỏ cho ekip mổ.
Các bác sĩ đã cân nhắc mọi phương án, tính toán kỹ lưỡng, xử trí cắt u sao cho nhanh nhất có thể và đã hoàn tất ca mổ cho người đàn ông.
Bé 11 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp có biến chứng sốc tim
Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau một tuần điều trị tích cực, đơn vị đã cứu sống bệnh nhi T.P.G.H. (11 tuổi, trú TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị viêm cơ tim tối cấp có biến chứng sốc tim, theo báo Đại Đoàn Kết.
Trước đó, chiều ngày 30/5, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau ở vùng sau xương ức, điện tâm đồ có hình ảnh rối loạn nhịp thất, thiếu máu cơ tim, xét nghiệm cho thấy cơ tim bị tổn thương.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị viêm cơ tim tối cấp, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực theo hướng này và theo dõi sát chức năng sống.
Sau một ngày điều trị, bệnh diễn tiến nặng hơn, xuất hiện rung thất, giảm tri giác, vô mạch. Các bác sĩ phải tiến hành hồi sức tim phổi, sốc điện hai lần, sử dụng thuốc chống loạn nhịp thất đường tĩnh mạch. Sau đó, bệnh nhi tiếp tục xuất hiện sốc huyết áp tụt, vô mạch, không có nước tiểu, chức năng co bóp cơ tim giảm mạnh còn 32%.
Xác định đây là một trường hợp sốc tim do viêm cơ tim tối cấp có rung thất, nguy cơ tử vong 100% nếu không chỉ định kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể, các y bác sĩ khoa Nhi khẩn trương hội chẩn liên chuyên khoa toàn viện để đưa ra phương án tối ưu.
Sau hội chẩn, ekip y bác sĩ tiến hành ngay kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ tuần hoàn (VA-ECMO) kết hợp thở máy xâm nhập và điều trị nội khoa tích cực. Sau 6 ngày điều trị, chức năng co bóp của tim cải thiện, chỉ số phản ánh tổn thương cơ tim giảm, các thông số chức năng sống, chức năng tim cải thiện, bệnh nhân được ngưng hỗ trợ VA-ECMO và cai thở máy.
Hiện tại, bệnh nhi đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mạch, huyết áp ổn định, không còn thở oxy, chuẩn bị chuyển khỏi khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi. Bệnh nhi sẽ tiếp tục được theo dõi tại khoa Nhi tim mạch, dự kiến ra viện vào đầu tuần tới.
Đinh Kim (T/h)