Cấp cứu bé 19 tháng tuổi nuốt phải đồng tiền xu
Theo VTV News, bé N.M.A. (19 tháng tuổi), được mẹ đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu do trước đó vô tình nuốt phải đồng tiền xu. Sau khi thăm khám, dựa trên kết quả chụp X-quang ổ bụng, các bác sĩ đã hội chẩn đánh giá dị vật còn đang ở trong dạ dày của bệnh nhi.
Ngay sau đó, bệnh nhi được chỉ định gây mê để nội soi thực quản dạ dày tá tràng cấp cứu để gắp dị vật. Các bác sĩ cho biết đây là một ca khá nguy hiểm vì kích thước đồng xu lớn. Thêm vào đó, bệnh nhi còn nhỏ tuổi nên đường thực quản và ngã ba cổ họng rất hẹp. Những điều này đòi hỏi bác sĩ phải có sự khéo léo và kinh nghiệm.
Ngoài ra, việc gây mê cho bệnh nhi nhỏ tuổi đòi hỏi sự tính toán kĩ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhờ sự phối hợp ăn ý của các bác sĩ, đồng xu có kích thước 2,7cm đã được gắp thành công ra khỏi dạ dày bệnh nhi.
Nhân trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình có con nhỏ cần để những vật nhỏ như đồng xu, cục pin, tăm, kim, cúc áo… xa tầm tay của trẻ. Bên cạnh đó, cần kiểm tra cẩn thận đồ ăn của bé như cá, gà… để đảm bảo không còn xương trong đồ ăn của trẻ.
Trong trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải dị vật đường tiêu hóa, nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và có hướng xử trí phù hợp.
Ve chó kết thành ổ khá dày đặc trong ống tai ngoài của bé 5 tuổi
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ các bác sĩ phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi T.T.B.T. (5 tuổi, trú tại Ngọc Tố, Mỹ Xuyên) đến viện với yêu cầu kiểm tra bất thường ở tai.
Theo gia đình bệnh nhi, lỗ tai bé bị ngứa ngáy, khó chịu, kiểm tra tại nhà phát hiện có dị vật. Người thân nghi ngờ là ve chó do nhà có nuôi nhiều chó. Trẻ cũng thường xuyên chơi đùa, ôm ấp, gần gũi với những con vật này.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi tai để xác định chính xác dị vật, từ đó có phương án xử lý thích hợp. Kết quả hiển thị trên màn hình máy nội soi cho thấy rất nhiều ve chó kết thành ổ khá dày đặc trong cả hai ống tai ngoài của bệnh nhi.
Ngay sau đó, bệnh nhi đã được các bác sĩ bơm rửa ống tai và sử dụng que hút để đưa ký sinh trùng ra khỏi ống tai. Một số ve chó cỡ lớn bám quá chặt, bác sĩ phải dùng đến kẹp gắp. Sau hơn 20 phút, cả hai ống tai ngoài của bệnh nhi đã được vệ sinh sạch sẽ, không còn tồn tại dị vật.
Bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhi và hẹn tái khám sau 5 ngày. Được biết, đối với trường hợp bệnh nhi này, nếu không phát hiện và xử trí sớm, thời gian dài có khả năng dẫn đến ve chó hút máu và làm tổn thương màng nhĩ.
Người đàn ông 42 tuổi nhiễm giun rồng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 42 tuổi ở huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) nhiễm giun rồng. Được biết, người bệnh có tiền sử uông nước khe suối, ăn gỏi cá…, ngoài ra không tẩy giun, sán trong nhiều năm nay.
Khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, khi ở nhà, bệnh nhân phát hiện sưng nề từng khối ở vùng ngực, cánh tay, đùi trái. Gần đây, phần sưng bị vỡ ra, chảy mủ kèm theo kéo ra được 2 con giun dài khoảng 7 - 8cm.
Ngày 6/6, người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái thăm khám. Thời điểm này, bệnh nhân đã khó thở, có khối sưng nề ở ngực, cánh tay trái và đùi trái, ấn đau tức, chảy mủ. Kết quả siêu âm dưới da cho thấy da, tổ chức dưới da vùng thành ngực có vài ổ giảm âm rải rác, ổ lớn kích thước 35x12mm, vùng cách tay trái, mặt sau đùi trái đều có ổ giảm âm.
Người bệnh được chẩn đoán nhiễm giun rồng (Dracunculus). Các bác sĩ đã vệ sinh, gắp hết giun ra, dùng kháng sinh để điều trị bội nhiễm vết loét. Bệnh nhân hiện tỉnh táo, sức khỏe tốt, hiện đang được theo dõi và tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Đinh Kim(T/h)