Bé 22 tháng tuổi ngưng tim, ngưng thở do hóc thạch rau câu
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam xác nhận vừa cứu sống một bé trai 22 tháng tuổi ngưng thở, ngưng tim do hóc thạch rau câu. Trước đó, bé trai ăn thạch rau câu thì bị hóc, toàn thân tím tái. Ngay lập tức, người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở.
Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ khoa Cấp cứu nhanh chóng tiến hành hồi sức tim phổi và lấy dị vật ra ngoài. Hiện sức khoẻ của bệnh nhi đã ổn định. Bác sĩ cho biết trẻ bị hóc thạch rau câu cũng như hóc dị vật nói chung, thời gian vàng sơ cứu chỉ từ 5-10 phút đầu tiên.
Nhân trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo các cha mẹ tuyệt đối không để trẻ dưới 5 tuổi tự ý ăn thạch rau câu. Khi trẻ muốn ăn, người lớn cần giám sát, nên bóc thạch và dùng muỗng cho trẻ ăn từng miếng để tránh bị hóc.
Củ cà rốt 20cm mắc kẹt trong trực tràng thiếu niên 16 tuổi
Báo Công Lý đưa tin, nam bệnh nhân 16 tuổi vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Dương trong tình trạng đau tức hậu môn do tự ý nhét dị vật là củ cà rốt vào và bị kẹt luôn trong đó. Khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân tự ý nhét củ cà rốt vào hậu môn do tò mò và bắt chước các thông tin trên mạng để thử "cảm giác lạ".
Tuy nhiên sau đó, người bệnh không thể lấy củ cà rốt ra và đau nhức nên đến bệnh viện để được giúp đỡ. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành gây mê và lấy thành công dị vật là củ cà rốt có đường kính khoảng 4cm, dài 20 cm.
Theo bác sĩ CKI Trần Duy Công - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện và cũng là người trực tiếp tiến hành thủ thuật, các trường hợp nhét dị vật kích thước lớn vào hậu môn có thể dẫn đến nguy cơ trầy xước niêm mạc hậu môn, nhiễm trùng, chảy máu hay thậm chí thủng trực tràng, tắc ruột, vỡ ruột rất nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Do đó, bác sĩ cảnh báo không nên thử hay bắt chước phim ảnh, video trên mạng xã hội để tự kích thích tạo hưng phấn, khoái cảm, không chỉ có thể gây tổn thương cho cơ quan tiêu hóa, sinh dục mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp lỡ thực hiện và dị vật đã chui sâu vào đường tiêu hóa, người bệnh không nên cố gắng lấy ra với thao tác không đúng dễ làm tổn thương thêm, thay vào đó nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Phát hiện bị u não sau cơn đau đầu kéo dài
Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận, điều trị cho một phụ nữ 64 tuổi ở Đắk Lắk bị u não sau cơn đau dầu kéo dài dai dẳng, theo báo Người Lao Động. Bệnh nhân chia sẻ trước đó xuất hiện tình trạng đau đầu nên có đi khám tại cơ sở y tế ở địa phương. Tại đây, bà được chẩn đoán thiếu máu não, rối loạn giấc ngủ, stress…, sau đó tự mua thuốc giảm đau uống.
2 tháng sau, cơn đau xuất hiện nhiều hơn kèm buồn nôn, nôn ói, yếu nhẹ nửa người. Lúc này, gia đình mới đưa bà lên một bệnh viện tại TP.HCM thăm khám. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não phát hiện bệnh nhân có tổn thương nhu mô não vùng trán trái, kích thước 43 x 33 x 35 mm, phù nề não xung quanh, đè ép não thất bên bên trái.
Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm tầm soát các cơ quan khác, ghi nhận không có tổn thương bất thường. Kết quả sinh thiết, hóa mô miễn dịch cho thấy, bệnh nhân bị u lympho não không Hodgkin.
Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục điều trị. Tại bệnh viện, bà được hội chẩn liên khoa. Các bác sĩ thống nhất chẩn đoán xác định bà bị u lympho não nguyên phát. Theo các bác sĩ, u lympho tại não là căn bệnh hiếm gặp. Người bệnh được chỉ định điều trị toàn thân, kết hợp hóa chất với thuốc nhắm đích.
Sau khi thực hiện đủ 5 chu kỳ điều trị toàn thân, bác sĩ nhận định bệnh nhân đáp ứng tốt. Bệnh nhân được hội chẩn lần 2, được chỉ định xạ trị toàn não 1 tháng. Kết thúc xạ trị, bệnh nhân cải thiện rõ rệt, không còn đau đầu, không yếu tay chân, không buồn nôn và nôn.
Kết quả sau 24 tháng điều trị cho thấy có hiệu quả tốt về lâm sàng và hình ảnh học, bướu đáp ứng hoàn toàn, tác dụng phụ nhẹ không ảnh hưởng đến chất lượng sống. Sau khi ra viện, bệnh nhân dược sử dụng thuốc bổ trợ thêm như chống động kinh, vitamin nâng đỡ thể trạng… Người bệnh được sử dụng loại thuốc nhắm trúng đích (Rituximab) và được bảo hiểm y tế chi trả, nhờ đó gia đình giảm được gánh nặng tiền bạc cho bệnh nhân.
Đinh Kim (T/h)