Cứu sống bé trai 4 tuổi bị đa chấn thương nguy kịch
Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết bệnh nhi 4 tuổi bị đa chấn thương nguy kịch đã được xuất viện sau hơn 1,5 tháng nỗ lực điều trị. Được biết, bệnh nhân là bé trai 4 tuổi, cân nặng 16kg, ngụ tại Long An.
Theo lời kể của gia đình, chiều cùng ngày nhập viện, mẹ bệnh nhi điều khiển xe máy chở con đi trên đường có đụng vào một tấm ván. Sau đó, tấm ván đập mạnh vào hông của bệnh nhi. Sau va chạm, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Long An trong tình trạng đừ, tím, SpO2 65%, mạch không bắt được, huyết áp khó đo, bụng đau, chướng. Bệnh nhi được đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, các bác sĩ kích hoạt quy trình báo động đỏ, hồi sức sốc mất máu, chụp CT scan não, ngực, bụng khẩn và chuyển thẳng phòng mổ trong vòng 15 phút. Ekip bác sĩ tiến hành hành mổ bụng thám sát ghi nhận ổ bụng nhiều máu cục và máu tươi, bác sĩ đã hút ra khoảng 500ml. Ngoài ra, bệnh nhi còn bị vỡ gan phân thùy V gần đứt lìa và một phần phân thùy VI, nhánh trái tĩnh mạch cửa rách 2 chỗ, đang chảy máu và rách ống gan phải 2 chỗ.
Bệnh nhi cũng bị tổn thương dập lách ở 1/3 giữa và nhồi máu trên thận phải, dập phổi, tràn máu màng phổi 2 bên. Các bác sĩ đã cắt phân thùy V và 1 phần phân thùy VI của gan, bao gồm túi mật, cầm máu diện cắt, khâu tĩnh mạch cửa và ống gan phải, đặt dẫn lưu tràn máu màng phổi 2 bên, tổn thương dập tụy, thận được bảo tồn.
Bệnh nhi đã được truyền hơn 2 lít máu và chế phẩm máu, bảo tồn nhiều cơ quan. Rất may, bệnh nhi không có tổn thương nội sọ, hoặc gẫy xương trên chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, tình trạng sau mổ còn diễn tiến phức tạp, tổn thương gan, tụy tiếp tục với biểu hiện tăng men gan, men tụy, sốt,... Sau hơn 1,5 tháng điều trị, tình trạng bệnh nhi đã được cải thiện dần, được cai máy thở, rút hết các ống dẫn lưu màng phổi, ổ bụng, tỉnh táo, ăn uống được và đã được xuất viện theo dõi, tái khám theo hẹn.
Hội chứng lạ khiến người phụ nữ 36 tuổi chỉ nặng 20kg
Chị Nicolette Baker (36 tuổi) từng được chẩn đoán mắc bệnh biếng ăn. Tới hơn 7 năm trước, các bác sĩ mới tìm ra nguyên nhân thực sự khiến chị không thể ăn được. Cụ thể, người phụ nữ mắc chứng rối loạn cực kỳ hiếm gặp gọi là hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (SMAS), tức một phần của ruột non (tá tràng) bị nén, khiến thức ăn không đi qua được mà tích tụ lại.
Theo chị Nicolette, ruột non của chị giống như chiếc ống hút bị chèn ép so với một vòi nước thông thường. Trung tâm thông tin về Bệnh di truyền và hiếm gặp cho biết, các triệu chứng của bệnh là suy nhược nghiêm trọng, đau, đầy bụng và nôn mửa trong vòng nửa giờ sau khi ăn. Việc này dẫn tới tình trạng giảm cân và suy dinh dưỡng, là nguyên nhân gây tử vong ở 1/3 số bệnh nhân.
Từ năm mới 4 tuổi, người phụ nữ đã bắt đầu hạn chế ăn uống để giảm đau. Chị Nicolette kể trong suốt 25 năm, chị được điều trị như một bệnh nhân tâm thần mắc chứng rối loạn ăn uống. Chị bị đưa đến các bệnh viện trong nhiều tháng, đôi khi đến cả năm. Người phụ nữ 36 tuổi cho biết thêm chị không chán ăn, chỉ đơn giản là không muốn ăn do bị đau.
Hiện, chị Nicolette đã liên lạc được với một chuyên gia ở Đức, người đồng ý thực hiện ca phẫu thuật cho chị vào tháng 2 tới. Để có tiền làm phẫu thuật và đi từ Anh sang Đức, người phụ nữ đã lập quỹ quyên góp. Được biết, riêng tiền phẫu thuật hết gần 70.000 USD (gần 1,6 tỷ đồng).
Bé sơ sinh rối loạn điện giải do uống thuốc dân gian
Giáo dục và Thời đại đưa tin Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhi 17 ngày tuổi. Đươc biết, bệnh nhi là con của chị H.T.K.T (địa chỉ tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).
Chị T. cho biết sau khi sinh được vài ngày, bệnh nhi bú tốt, tiêu tiểu bình thường nhưng hay ọc sữa sau bú. Bệnh nhi được người nhà đưa đến phòng khám tư điều trị và được cho uống thuốc tiêu canxi, vitamin D3 nhưng không giảm ói.
Sau đó, gia đình tiếp tục cho bệnh nhi uống thuốc dân gian nhưng tình trạng nôn nhiều của trẻ vẫn không giảm. Lúc này, người nhà đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật toàn thân, môi khô, mắt trũng, vàng da nhẹ.
Ngay lập tức, bệnh nhi được đưa vào phòng hồi sức nhi để ekip bác sĩ thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị rối loạn điện giải khá nặng (chỉ số natri máu là 121 mmol/l, trong khi chỉ số bình thường là 133 – 147 mmol/l), chức năng thận tăng cao, siêu âm bụng cho thấy bé bị trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh nhi được tiến hành truyền dịch, cấp cứu chống co giật, điều trị rối loạn điện giải. Sau 8 tiếng điều trị tích cực, bệnh nhi tươi tỉnh hơn, bú khá, giảm ọc sau bú, tình trạng co giật giảm, lượng nước tiểu nhiều hơn, chức năng thận, chỉ số điện giải dần cải thiện. Sau 2 ngày điều trị, chức năng thận về bình thường, hết rối loạn điện giải, bệnh nhi bú tốt, không co giật và được chuyển nội trú theo dõi điều trị tiếp và đã xuất viện.
Đinh Kim(T/h)