Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 17/6/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.
Samsung sắp phát hành “bức tường tivi" trên thị trường toàn cầu
Bức tường tivi The Wall Luxury được Samsung giới thiệu ở Florida, ngày 13/6. Ảnh: Yonhap |
Samsung Electronics Co. cho biết sẽ phát hành phiên bản tiêu dùng của module màn hình MicroLED khổng lồ, có kích cỡ lên tới 292 inch, trên thị trường toàn cầu vào tháng tới.
Màn hình khổng lồ này có tên gọi "The Wall Luxury" mới được Samsung giới thiệu tại sự kiện InfoComm 2019, được tổ chức tại Florida (Mỹ), ngày 13/6. Nó có các phiên bản từ kích cỡ 73inch với độ phân giải 2K và có thể mở rộng lên tới 292 inch có độ phân giải 8K.
Màn hình MicroLED bao gồm các dãy đèn LED siêu nhỏ tạo thành các thành phần pixel riêng lẻ. Samsung cho biết công nghệ tivi MicroLED mới cho phép người dùng tùy chỉnh kích thước và hình dạng của nó.
Theo Samsung, với độ dày dưới 30mm, thiết kế mỏng, không viền và khung có thể tùy chỉnh cho phép màn hình hòa trộn hoàn hảo với môi trường xung quanh.
Người dùng có thể để tivi khổng lồ bật khi không xem vì chế độ môi trường xung quanh của màn hình có thể hiển thị nhiều tác phẩm nghệ thuật khác nhau và hình ảnh có thể tùy chỉnh với khung hình kỹ thuật số.
Samsung cho biết vì tivi đi kèm với hệ thống âm thanh sang trọng của Harman Luxury Audio hoặc Steinway Lyngdorf cho gói rạp chiếu phim gia đình, giá có thể thay đổi tùy thuộc vào kích thước màn hình và giải pháp âm thanh.
Niantic Labs kiện nhóm tin tặc bẻ khóa Pokémon Go
Niantic Labs đang rất đau đầu với những phiên bản trò chơi bị bẻ khóa tràn lan của mình |
Nhà phát hành trò chơi Niantic Labs mới đây đã đệ đơn kiện một nhóm tin tặc được cho là đứng sau các phiên bản bẻ khóa của hai trò chơi nổi tiếng Pokémon Go và Ingress.
Theo Digital Trends, vụ kiện nhắm vào Global ++, một hiệp hội tin tặc đứng sau các phiên bản trái phép của Pokémon Go và Ingress có tên là PokeGo ++ và Ingress ++.
Niantic Labs cho biết trong đơn khiếu nại rằng các ứng dụng bị tấn công cho phép người chơi gian lận đồng thời xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của hãng. Nhà phát triển này cũng tuyên bố rằng nhóm tin tặc đã kiếm được tiền bằng cách bán gói đăng ký cho các ứng dụng bị bẻ khóa.
Niantic Labs đã gọi tên hai thành viên Ryan “ElliotRobot” Hunt - trưởng nhóm và là nhà phát triển chính của các ứng dụng bị tấn công và Alen “iOS n00b” Hundur - người giúp phát triển ứng dụng và quảng bá chúng trên YouTube. 20 thành viên khác của Global ++ chưa được xác định danh tính cũng bị Niantic Labs điểm mặt trong cáo trạng.
Niantic Labs hy vọng một lệnh cấm sơ bộ yêu cầu Global ++ ngừng phân phối các ứng dụng bị tấn công ngay lập tức và đảo ngược mã cho các trò chơi.
Thời điểm diễn ra vụ kiện trùng với sự ra mắt sắp tới của Harry Potter: Wizards Unite, dự án lớn tiếp theo của Niantic Labs đang ở bước thử nghiệm beta tại New Zealand và Úc. Niantic Labs tuyên bố rằng Global ++ cũng đã tạo ra Potter ++ đe dọa đến sự thành công của trò chơi này.
Vụ kiện chống lại Global ++ là động thái mới nhất của Niantic Labs nhằm trấn áp những kẻ “ăn gian” Pokémon Go, một vấn đề nan giải kể từ khi trò chơi ra mắt vào năm 2016. Nhà phát triển đã phát hiện nhiều người chơi gian lận thông qua các phương thức như giả mạo vị trí và các ứng dụng bị bẻ khóa.
Apple có thể sẽ thâu tóm bộ phận viễn thông 5G của Intel
Việc Apple bắt tay trở lại với Qualcomm được xem là động thái khiến Intel từ bỏ cuộc chơi phát triển chip viễn thông 5G. Ảnh: VnMedia |
Sau một năm 2018 hợp tác với nhiều thành quả tích cực, mối quan hệ giữa Apple và Intel dần suy thoái sau khi cha đẻ của iPhone chi tới 4,5 tỷ USD nhằm xoa dịu mọi căng thẳng và thiết lập quan hệ hợp tác dài hạn với Qualcomm.
Cụ thể, các thế hệ iPhone và iPad tiếp theo của "Táo" thay vì sử dụng chip viễn thông (modem) 5G của Intel, sẽ chuyển sang sử dụng linh kiện của Qualcomm. Trước động thái này, hãng bán dẫn hàng đầu thế giới cũng bất ngờ tuyên bố sẽ chấm dứt việc tham gia sân chơi chip 5G.
Apple đã dành nhiều sự quan tâm cho việc phát triển chip 5G riêng từ khá lâu. Điều này khiến việc thâu tóm lại bộ phận tương ứng từ Intel để tăng cường năng lực là điều hết sức khả thi và có nhiều thuận lợi. Khi đó, Apple cũng hoàn thiện danh mục thành phần, đủ để tự mình phát triển toàn bộ các thành phần của một bộ vi xử lý hoàn chỉnh.
Trong bối cảnh thị trường điện thoại thông minh đang có dấu hiệu chững lại, việc có thể "tự cung tự cấp" hầu hết linh kiện có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, qua đó duy trì lợi nhuận và sức cạnh tranh.
Vũ Đậu(T/h)