Vì sao Apple đổi cổng USB-C cho iPhone 15?
Apple xác nhận tổ chức sự kiện lớn vào ngày 12/9. Công ty được dự đoán sẽ ra mắt loạt iPhone 15 tại sự kiện cùng một số sản phẩm khác. Theo Bloomberg, nếu được tự do lựa chọn, “Táo khuyết” vẫn tiếp tục gắn bó với cổng Lightning thêm vài năm nữa, cho đến khi sẵn sàng loại bỏ tất cả các cổng trên iPhone.
Dù vậy, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quy định buộc tất cả nhà sản xuất thiết bị sử dụng chuẩn USB-C vào cuối năm tới. Vì vậy, Apple phải chấp nhận “cúi đầu”. Bộ tứ iPhone 15 và AirPods Pro mới sẽ dùng cổng này, còn công ty tuyên bố đây là thắng lợi lớn cho khách hàng.
Những lợi ích mà Apple dự định công bố, theo Bloomberg, là: Người dùng chỉ cần một cáp sạc duy nhất cho iPhone, Mac và iPad; tốc độ truyền dữ liệu đột phá với iPhone cao cấp; sạc nhanh hơn trong một số trường hợp; iPhone tương thích với sạc của hàng tỷ thiết bị khác ngoài Apple.
Những năm qua, Apple nhiều lần chỉ trích quyết định của chính phủ khi yêu cầu chuyển sang USB-C. Công ty cho rằng nó tác động xấu đến môi trường vì khiến hàng tỷ dây cáp khác trở nên vô dụng. Một luận điểm khác được Giám đốc tiếp thị Greg Joswiak đưa ra năm 2022 là tạo tiền lệ xấu khi nhà quản lý can thiệp đến thiết kế sản phẩm.
Bloomberg nhắc đến những nhược điểm lớn khi Apple thay đổi cổng sạc iPhone 15: Mất doanh thu cấp giấy phép từ các nhà sản xuất phụ kiện Lightning; dành nguồn lực kỹ thuật và tiền bạc cho sự thay đổi; tăng tính tương thích với hệ sinh thái Android; “ác mộng” truyền thông như từng gặp phải năm 2012 khi chuyển sang Lightning và 2016 khi loại bỏ jack tai nghe.
Khi các hãng phụ kiện muốn sản xuất loa, adapter, phụ kiện xe hơi, thiết bị ngoại vi khác dùng cổng Lightning, họ cần đăng ký chương trình Made for iPhone (MFI) của Apple. Họ phải được phê duyệt nếu muốn bán hàng qua các kênh bán lẻ chính thức của “Táo khuyết” và phải trả tiền vì điều này.
Trong thập kỷ qua, hệ sinh thái phụ kiện Lightning khổng lồ đã được thiết lập và dường như Apple thu về hàng chục triệu USD mỗi quý từ phí cấp phép. Năm 2022, Bloomberg đưa tin công ty đã bắt đầu thử nghiệm iPhone USB-C nội bộ và làm việc cùng các hãng phụ kiện để hỗ trợ chuyển đổi năm 2023. Việc chuyển đổi cần cơ cấu lại chuỗi cung ứng cũng thư thay đổi trên bản thân iPhone, phần mềm. Số tiền dành cho việc này đáng lẽ có thể chi cho việc khác.
Dù tương thích với các thiết bị khác là một điểm cộng, nó lại là nhược điểm với Apple. Trong vài năm tới, người dùng iPhone sẽ dễ chuyển sang thiết bị Android hơn vì họ đã có sẵn phụ kiện. Đây cũng là lý do Apple từ chối phát hành iMessage cho Android hay hỗ trợ tiêu chuẩn nhắn tin RCS.
Cuối cùng, chuyển sang USB-C có thể khơi mào thảm họa PR mà Apple không mong muốn. Khách hàng đột ngột chứng kiến các dây cáp, dongle, sạc xe hơi và phụ kiện khác không còn dùng được trên iPhone mới, trừ khi mua thêm adapter. Đã hơn 10 năm từ lần cuối hãng đổi cổng sạc với iPhone 5 năm 2012. Không rõ phản ứng của người dùng sẽ ra sao.
Meta dừng cung cấp tin tức trên Facebook tại Anh, Pháp và Đức
“Gã khổng lồ” mạng xã hội Meta ngày 5/9 cho biết, sẽ dừng mục tin tức có tên Facebook News vào tháng 12 tới tại các thị trường lớn nhất của mạng xã hội này ở Châu Âu là Vương quốc Anh, Pháp và Đức.
Meta cho biết, người dùng nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới này vẫn có thể đọc và chia sẻ tin tức. Tuy nhiên, Meta sẽ không hỗ trợ chuyên mục tin tức cũng như không hợp tác với các nhà xuất bản trong các thỏa thuận mới để cung cấp nội dung cho chuyên mục này tại các nước nói trên, với hơn 130 triệu người dùng.
Giải thích cho quyết định này, Meta nhấn mạnh rằng, chiến lược rộng hơn mà mạng xã hội này đặt ra cho Facebook là chuyển dịch khỏi các nội dung tin tức. Theo Meta, người dùng đến với Facebook không phải để đọc tin và các nội dung chính trị, mà họ muốn kết nối với bạn bè và khám phá các cơ hội, đam mê và sở thích mới.
Meta cho biết, tin tức chiếm chưa đến 3% các nội dung xuất hiện trên trang chủ Facebook của người dùng trên toàn thế giới, vì thế việc đọc tin chỉ là một phần nhỏ trong trải nghiệm của đại đa số người dùng Facebook.
Meta đã vướng vào nhiều cuộc chiến pháp lý trên khắp thế giới với các cơ quan lập pháp và các tổ chức truyền thông, với cáo buộc “ông lớn” này và các công ty khác đã thu lợi miễn phí từ các nội dung của các hãng tin.
Meta đã ngăn cản người dùng tại Canada đọc và chia sẻ các liên kết dẫn đến các bài báo sau khi chính phủ nước này thông qua điều luật buộc Meta phải bồi thường cho các nhà cung cấp tin tức.
Web lậu dùng 20 tên miền để tránh bị chặn
Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/9, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền vẫn xuất hiện nhiều trên không gian mạng, đặc biệt trong lĩnh vực bóng đá, như ở các giải đấu lớn hoặc trận có đội tuyển Việt Nam.
Lấy ví dụ với giải Ngoại hạng Anh, chỉ sau bốn vòng đấu đầu tiên, cơ quan chức năng phát hiện 239 trang web phát trái phép, trong đó 39 trận được livestream miễn phí thông qua 3.213 đường link. Chủ trang đa phần lấy lại nội dung từ các đơn vị được cấp bản quyền như K+, FPT, TV360, MyTV.
XEM THÊM: Meta dừng mục tin tức trên Facebook tại một số nước châu Âu
Ông Do nhấn mạnh website có tên xoilac... đã vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn nhất, khi sử dụng 20 tên miền khác nhau và một trận đấu có thể thu hút hơn 100 nghìn lượt xem trực tiếp. "Khi nhà mạng chặn các trang web lậu này, họ đổi địa chỉ IP, đổi tên miền rất nhanh, chỉ mất 5-10 phút và tiếp tục livestream", ông Do nói.
Theo ông, Việt Nam được ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh, thông qua đối tác trong nước, đánh giá "là một trong những nước bảo vệ bản quyền giải tốt nhất". Tuy nhiên, ông nhận định thực tế việc ngăn chặn vi phạm "vẫn chưa được như kỳ vọng".
Về mặt kỹ thuật, ông cho biết việc chặn không khó, nhưng sẽ cần nhiều người túc trực suốt trận đấu để phát hiện tên miền mới lập và xử lý. Ông cho biết đây là "cuộc chiến cam go" và đang tìm các biện pháp mới về công nghệ, các giải pháp "chặn đuổi" nhằm giải quyết hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chủ website bóng đá lậu sẽ không dừng ở việc bị xử lý hành chính, mà sẽ đối mặt với biện pháp cao hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an để thực hiện việc này.
Cục cũng cho rằng vấn đề có thể được giải quyết từ phía người dùng. Theo ông Do, nếu người dân còn ủng hộ web lậu, những đơn vị kinh doanh nội dung bản quyền sẽ chịu thiệt hại. "Trước đây, từng có trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình dừng mua bản quyền và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng", ông nói
Hoàng Yên (T/h)