Pháp bắt đầu lắp ráp lò phản ứng nhiệt hạch khổng lồ, Razer ra mắt case siêu tản nhiệt đặc biệt cho Galaxy Note20 và Note20 Ultra... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 7/8/2020.
Pháp bắt đầu lắp ráp lò phản ứng nhiệt hạch khổng lồ
Tokamak của ITER. Ảnh: ITER |
Mười bốn năm sau khi ký kết thỏa thuận, các kỹ sư, các nhà khoa học bắt đầu lắp ráp lò phản ứng nhiệt hạch khổng lồ ITER tại Trung tâm Nghiên cứu Cadarache (Pháp).
Mục tiêu của lò phản ứng nhiệt hạch này là chứng minh, rằng phản ứng tổng hợp hạt nhân (như trên Mặt trời) có thể trở thành nguồn năng lượng thực tế và an toàn cho Trái đất.
Năm 2006, hiệp hội quốc tế bao gồm các viện nghiên cứu tài chính và khoa học thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận về xây dựng lò phản ứng hạt nhân ITER (International Thermonuclear Experimental Reactor – Lò phản ứng nhiệt hạch thực nghiệm quốc tế).
Hiện giờ, 14 năm sau ký kết thỏa thuận, người ta bắt đầu lắp ráp những thành phần của lò phản ứng tại Trung tâm Nghiên cứu Cadarache. Như vậy, dự án lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới đã bước vào giai đoạn lắp ráp kéo dài 5 năm.
Lò phản ứng bao gồm hàng triệu chi tiết. Tất cả tạo thành thiết bị tokamak (thiết bị hình xuyến, sử dụng từ trường cực mạnh để giữ plasma nóng) khổng lồ.
Phản ứng nhiệt hạch là phản ứng cung cấp năng lượng cho các ngôi sao, trong đó có Mặt trời của chúng ta. Từ nhiều năm nay, nhân loại mơ ước chế ngự được sức mạnh của Mặt trời. Nếu làm dược điều đó, chúng ta sẽ có nguồn năng lượng sạch, rẻ, an toàn và không bao giờ cạn kiệt.
Phản ứng nhiệt hạch, nói một cách đơn giản, dựa trên việc liên kết hai hạt nhân của các nguyên tử nhẹ (deuteri, triti) thành hạt nhân nặng hơn. Phản ứng giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ. Tuy nhiên, để hoạt động, lò phản ứng cần nhiệt độ rất cao.
Để thực hiện phản ứng tổng hợp hạt nhân, cần phải đốt nóng hidro đến nhiệt độ trên 100 triệu độ C. Chỉ khi đó các nguyên tử nhẹ mới có thể liên kết thành nguyên tử nặng hơn. Để duy trì plasma trong thiết bị tokamak, cần có từ trường khổng lồ và ổn định.
Phản ứng hạt nhân đã được thực hiện thành công tại một vài trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, để duy trì phản ứng trong một thời gian dài và có được cán cân năng lượng dương, thì lò phản ứng phải sản xuất nhiều năng lượng ở "đầu ra" hơn là ở "đầu vào".
ITER là một trong những dự án khoa học được đầu tư lớn trên thế giới. Có tới 35 quốc gia tham gia vào dự án này. Khoảng 2.300 người tham gia lắp đặt các thành phần tokamak của ITER.
"Việc lắp đặt tokamak tương tự như đặt các miếng ghép 3 chiều phức tạp lên trục thời gian. Tất cả đều phải diễn ra chính xác, nhịp nhàng và đồng bộ. Chúng tôi có kịch bản rất phức tạp để thực hiện trong vòng vài ba năm" – ông Bernard Bigot, Tổng Giám đốc ITER cho biết.
Razer ra mắt case siêu tản nhiệt đặc biệt cho Galaxy Note20 và Note20 Ultra
Hai phiên bản màu sắc của chiếc ốp lưng nhà Razer. Ảnh: GSMArena |
Với hai chiếc Galaxy Note20 và Note20 Ultra vừa ra mắt, Razer đã ngay lập tức ra mắt các phiên bản vỏ case Arctech vừa giúp bảo vệ máy, vừa giúp làm mát khi sử dụng trong thời gian dài. Razer vẫn được biết tới với những sản phẩm phụ kiện gaming chất lượng, vậy nên với chiếc vỏ case mới dành cho dòng Flagship này bạn có thể yên tâm sử dụng dài mà không lo máy quá nóng.
Tương tự như các vỏ ArcTech khác, sản phẩm vỏ case của Razor sử dụng công nghệ Thermaphene độc quyền của hãng. Lớp chất liệu Thermaphene được kẹp giữa lớp lót sợi siêu nhỏ và lớp vỏ ngoài có đục lỗ để giúp tỏa nhiệt. Thermaphene là loại vật liệu dẫn nhiệt và có thể dùng để tản nhiệt.
Ngoài ra, Razer tuyên bố rằng ốp lưng Arctech Pro dành cho dòng Samsung Galaxy Note 20 đã đạt chứng nhận bảo vệ thân máy khi bị rơi, và được phủ một lớp chống vi khuẩn bên ngoài vỏ để ngăn vi khuẩn phát triển. Arctech Pro được bảo hành 2 năm.
Razer Arctech Pro dành cho dòng Samsung Galaxy Note 20 có giá 45USD (khoảng 1 triệu VNĐ), và bạn có thể tùy chọn ốp lưng màu đen hoặc xanh lá cây.
Trình duyệt Xiaomi, Tencent QQ là mục tiêu tiếp theo của chính phủ Ấn Độ
Trình duyệt Mi Browser, Tencent QQ bị 'cấm cửa' ở Ấn Độ. Ảnh minh họa |
Chính phủ Ấn Độ vừa cấm thêm một số ứng dụng Trung Quốc. Trình duyệt Mi Browser và ứng dụng chat Tencent QQ đã không thoát khỏi tầm ngắm.
Hiện tại, Mi Browser trên smartphone do Xiaomi sản xuất đã bị cấm từ ngày 5/8, động thái này cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc khác tại Ấn Độ.
Trước đó, vào ngày 29/6, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, bao gồm TikTok, UC Browser, Helo, Likee, Shareit, Mi Neighborhood, WeChat và CamScanner. Vào ngày 27/7, danh sách cấm được bổ sung thêm 47 ứng dụng khác như Baidu Search và Sina Weibo...
Sau khi Ấn Độ cáo buộc các ứng dụng này “tham gia vào các hành động gây tổn hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng”, chính phủ liên bang đã quyết định mạnh tay.
Xiaomi đã bán được hơn 100 triệu smartphone ở Ấn Độ, chiếm gần 30% thị trường điện thoại thông minh. Theo các quan chức Ấn Độ, việc sử dụng Mi Browser có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị này, cũng như việc truy cập mạng.
Hiện tại, Xiaomi đang đối thoại với chính phủ Ấn Độ để làm rõ lập trường của mình. Các quan chức Xiaomi nói rằng việc cấm trình duyệt Mi sẽ không ảnh hưởng đến điện thoại Xiaomi, vì người dùng có thể tải xuống tất cả các trình duyệt khác miễn phí.
Người phát ngôn của Xiaomi Ấn Độ tuyên bố, công ty sẽ thảo luận với các quan chức Ấn Độ để giải quyết vấn đề, bao gồm cả việc sẽ tuân theo quy ước an toàn của địa phương cũng như các luật khác nhau.
"Theo luật pháp Ấn Độ, Xiaomi tiếp tục tuân thủ tất cả các yêu cầu về quyền riêng tư và bảo mật. Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết sự cố này và có thể thực hiện các biện pháp chấp nhận được nếu cần", người phát ngôn nói thêm.
Cũng theo một số nguồn tin, chính phủ Ấn Độ đã cấm thêm ứng dụng chat khác của Trung Quốc là Tencent QQ trong ngày 5/8.
Vũ Đậu(T/h)