Top 10 smartphone tầm trung mạnh nhất thế giới; Lộ diện iPhone ra mắt năm 2021,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 6/6/2020.
Top 10 smartphone tầm trung mạnh nhất thế giới: Oppo Reno3 5G không đối thủ
1. Oppo Reno3 5G (403.607 điểm).
2. Honor 30 (387.583 điểm).
3. Huawei Nova 7 (385.323 điểm).
4. Honor 30S (362.502 điểm).
5. Honor X10 (360.460 điểm).
6. Huawei Nova 7 SE (353.868 điểm).
7. Oppo Reno3 Pro 5G (342.415 điểm).
8. Vivo S6 5G (330.037 điểm).
9. Vivo X30 5G (326.879 điểm).
10. Xiaomi Redmi K30 5G (322.867 điểm).
Lộ diện iPhone không có ‘tai thỏ’, ra mắt ngay năm 2021
Một mẫu dựng iPhone 2021 kích thước 5,5 inch mới đây bất ngờ được Macotakara chia sẻ. Điều đáng nói là mẫu dựng này cho thấy một chiếc iPhone không còn phần “tai thỏ”. Bên cạnh đó, nó cũng sử dụng cổng kết nối USB-C thay vì Lightning. Mẫu dựng chiếc iPhone này còn có cụm camera sau khác với những gì chúng ta có thể có trên chiếc iPhone 12 ra mắt cuối năm nay.
Để loại bỏ được “tai thỏ”, iPhone 2021 có thể có camera được tích hợp bên dưới màn hình. Ảnh: Macotakara
Cuối năm ngoái, nguồn tin từ nhà phân tích Ming-Chi Kuo nói rằng mẫu iPhone cao cấp nhất của năm 2021 sẽ là một thiết bị hoàn toàn không dây. ĐIều này đồng nghũa với việc nó sẽ không có cả cổng USB-C và Lightning. Dù vậy, mô hình iPhone 5,5 inch lần này lại cho thấy các mẫu máy giá thấp hơn có thể chuyển sang dùng cổng USB-C kèm theo “tai thỏ” biến mất. 9to5Mac nói rằng mô hình iPhone 2021 5,5 inch này được thực hiện dựa trên dữ liệu của Alibaba.
9to5Mac dự đoán đây có thể là mẫu iPhone có giá thấp nhất trong năm 2021 dựa vào những gì Apple có thể sẽ mang đến thị trường trong năm 2020 với iPhone 12 giá thấp hơn có màn hình 5,4 inch và 6,1 inch, trong khi đó iPhone 12 Pro có màn hình 6,1 inch và 6,7 inch. Macotakara nhấn mạnh đây là một thiết kế mà Apple đang cân nhắc và vì thế không có gì đảm bảo nó sẽ được hiện thực hóa trên thị trường.
Việt Nam sản xuất thành công thêm 2 bộ kit test Covid-19
Chiều 5/6, Việt Nam chính thức công bố thêm hai bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 do nước ta sản xuất là One-step RT-PCR Covid-19 Kit Thai Duong và RT-Lamp Covid-19 KIT Thai Duong.
Hai bộ test này được kế thừa từ đề tài nghiên cứu chế tạo kit chẩn đoán SARS-CoV-2 của các nhà khoa học thuộc Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế quốc gia cùng Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau 3 tháng đồng hành cùng các nhà khoa học, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế quốc gia, Viện Lâm sàng Nhiệt đới Trung ương…, hai bộ kit trên được Bộ Y tế Việt Nam cho phép lưu hành từ ngày 7/5.
Cả hai bộ kit chẩn đoán Covid-19 mới của Việt Nam đã được cấp chứng chỉ lưu hành tại Châu Âu. Ảnh: CC |
Hai bộ kit này đã nghiên cứu thành công từ tháng 1 và tháng 2. Ba tháng qua, Công ty cổ phần Sao Thái Dương đã hợp tác cùng hai nhóm nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm, nhận chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất để có thể đưa sản phẩm thương mại hóa.
Kết quả nghiên cứu đã được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công nhận đạt tiêu chuẩn về độ nhạy, đặc hiệu, tính ổn định trong xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 và có thể áp dụng cho phòng, chống dịch.
TS Lê Quang Hòa, Trưởng nhóm nghiên cứu Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết ưu điểm của công nghệ này là thời gian phân tích nhanh, chỉ khoảng 30 phút so với các kỹ thuật khác. Bộ sinh phẩm đã được đánh giá trên 309 mẫu bệnh phẩm lâm sàng. Độ nhạy và độ đặc hiệu đều đạt 100%.
Đặc biệt, kỹ thuật xét nghiệm đơn giản cho người sử dụng khi chỉ cần dựa vào sự đổi màu từ tím sang da trời hay từ đỏ sang vàng là có thể kết luận được tình trạng dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2. Kỹ thuật này cũng không cần máy móc hiện đại, kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản cũng có thể thực hiện.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, song thế giới đã có hơn 6 triệu người mắc và đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong kinh nghiệm phòng chống dịch của Việt Nam, việc phát hiện ca bệnh là vô cùng quan trọng, muốn vậy phải có phương tiện xét nghiệm.
Thành công của Việt Nam là đã đưa ra được các bộ test có độ nhạy tốt, đặc hiệu cao… Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khống chế dịch thành công. Việc tự sản xuất được các bộ kit test có thể giúp Việt Nam đảm bảo sự chủ động.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ Y tế, nhóm nghiên cứu đã phát triển được Version 2.0 của sản phẩm với nhiều ưu điểm, phát triển thêm nội kiểm để loại bỏ sai số thô do quá trình lấy mẫu. Dự kiến, các phát triển mới này sẽ được ra mắt trong thời gian tới.
Cuối tháng 5, cả hai bộ kit chẩn đoán Covid-19 mới của Việt Nam đã được cấp chứng chỉ lưu hành tại Châu Âu. Hiện, công suất của một dây chuyền sản xuất hai bộ sinh phẩm chẩn đoán này có thể lên tới 1 triệu test/ngày.
Minh Khôi(T/h)