Microsoft tiết lộ lý do mua lại Activision Blizzard
Đầu năm 2022, Microsoft chi tới gần 69 tỷ USD để mua lại Activision Blizzard - một nhà phát hành có tiếng và lâu đời trong ngành công nghiệp game. Đây là một trong những thương vụ đáng chú ý nhất ngành game trong năm nay.
Mới đây, Phil Spencer – Phó chủ tịch Microsoft, đã chia sẻ về dự định của Microsoft thông qua hành động thu mua này. Theo đó, động lực chính khiến Microsoft bỏ ra số tiền lớn tới vậy là vì công ty đặt tham vọng rất lớn về việc cạnh tranh trong lĩnh vực game, đặc biệt là với các trò chơi trên di động - một thị trường rất rộng lớn và tiềm năng với hơn 1,5 tỷ người.
Microsoft không có quá nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển và sáng tạo những tựa game di động thật sự tạo được sức hút. Trong khi đó, Activision Blizzard lại có thừa kinh nghiệm về lĩnh vực này nên đây sẽ là sự bổ sung cần thiết cho Microsoft. Thương vụ lớn nhất lịch sử ngành game sẽ giúp “ông lớn” công nghệ này tăng tính cạnh tranh cho thị trường game di động.
Số liệu thống kê cho thấy trong 2 năm gần đây, lợi nhuận mà các tựa game di động mang về cho Activision Blizzard còn nhiều hơn mọi nền tảng khác cộng lại. Đó cũng là lý do mà Microsoft quyết tâm chi đậm để hoàn thành thương vụ này, đồng thời chính thức cạnh tranh trên thị trường game di động.
Samsung gửi thư cảnh báo về sự cố an ninh mạng tại Mỹ
Theo PCMag, ngày 2/9, Samsung đã gửi thư cảnh báo đến một số khách hàng nhất định về sự cố an ninh xảy ra vào cuối tháng 7/2022, khi hệ thống dữ liệu của tập đoàn tại Mỹ bị xâm nhập.
“Một bên thứ ba không được phép đã thu thập thông tin từ một số hệ thống của Samsung tại Mỹ”. Trong một số trường hợp, dữ liệu bị lộ bao gồm tên khách hàng, thông tin liên hệ và nhân khẩu học, cũng như ngày sinh người dùng.
“Vào khoảng ngày 4/8/2022, dựa trên quá trình điều tra đang diễn ra, chúng tôi xác định rằng thông tin cá nhân của một số khách hàng nhất định đã bị ảnh hưởng”, Samsung cho hay.
Tập đoàn Hàn Quốc thông tin thêm: “Thông tin bị ảnh hưởng với từng khách hàng có liên quan, có thể khác nhau. Chúng tôi đang thông báo tới những người bị ảnh hưởng trong vụ việc”.
Công ty cũng nhấn mạnh các dữ liệu như số an sinh xã hội hay thông tin thẻ tín dụng không bị lộ trong vụ tấn công. Hiện vẫn chưa rõ số lượng khách hàng bị ảnh hưởng nhưng Samsung lưu ý người dùng bị ảnh hưởng sẽ nhận được email thông báo từ công ty.
Samsung cảnh báo các khách hàng cần đề phòng email lừa đảo yêu cầu cung cấp thêm thông tin cá nhân. Các email này có thể được sử dụng để lừa nạn nhân tải phần mềm độc hại về máy tính hoặc sử dụng để đánh cắp danh tính.
Để phục vụ quá trình điều tra và đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai, “ông lớn” công nghệ xứ Hàn đã thuê “một công ty hàng đầu về an ninh mạng”, tiến hành nâng cấp hệ thống bảo mật, đồng thời liên hệ làm việc với cơ quan chức năng.
Google thử nghiệm cách thanh toán mới cho người dùng Android
The Guardian thông tin, Google âm thầm thí điểm các phương thức thanh toán mới dành cho người dùng Android ở Australia, châu Âu, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. Cụ thể, từ ngày 2/9, một số nhà phát triển ứng dụng (không phải game) có thể áp dụng các phương thức thanh toán do người dùng lựa chọn.
Google sẽ giảm 4% phí giao dịch của mình. Công ty cho biết hiện có 99% lập trình viên trả phí 15% trở xuống qua hệ thống Play Store.
Theo yêu cầu của Google, hệ thống thanh toán phải được cung cấp trong ứng dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu của ngành công nghiệp thẻ thanh toán, hỗ trợ khách hàng, giải quyết tranh cấp. Bên cạnh đó, cần có phương tiện để xử lý khi xảy ra giao dịch không được ủy quyền.
Google quyết định thí điểm các phương thức thanh toán mới sau khi gặp áp lực từ các nhà chức trách toàn cầu về hệ thống thanh toán trong ứng dụng cũng như sự việc với Epic Games – nhà phát triển game Fornite. Được biết, Fortnite đã bị cấm khỏi các chợ ứng dụng Apple và Google vì đưa ra phương pháp thanh toán không phải của App Store và Play Store.
Nhân sự kiện này, Google một lần nữa khẳng định Android luôn là hệ điều hành nguồn mở độc đáo, tăng cường các lựa chọn cho nhà phát triển và người dùng.
Đinh Kim(T/h)