Foxconn đầu tư 600 triệu USD vào dự án chip, điện thoại ở Ấn Độ
Trên Twitter, M B Patil, người phụ trách thương mại bang Karnataka cho biết Foxconn và Applied Materials – một công ty chip của Mỹ - cam kết đầu tư hơn 360 triệu USD vào nhà máy linh kiện vỏ điện thoại, khoảng 240 triệu USD vào dự án sản xuất thiết bị bán dẫn.
Dự án điện thoại sẽ tạo ra 12.000 việc làm, theo ông Patil, còn nhà máy bán dẫn mang đến cơ hội việc làm cho 1.000 người.
Foxconn là một trong những nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng số một thế giới. Công ty nổi tiếng nhất với việc lắp ráp iPhone song đang muốn đa dạng hóa danh mục sản phẩm và địa bàn sản xuất. Foxconn hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc, nơi có nhà máy iPhone lớn nhất hành tinh. Ấn Độ nằm trong kế hoạch mở rộng của nhà sản xuất này.
Trong khi đó, công ty đang tăng cường nỗ lực để trở thành một nhà sản xuất xe điện, tránh lệ thuộc vào điện tử tiêu dùng. Ngoài ra, đối tác Apple còn tham gia vào lĩnh vực bán dẫn nhưng chưa gặt hái được nhiều thành công.
Dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ muốn chuyển mình thành trung tâm công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn. Tuần trước, ông Modi tham dự một sự kiện bán dẫn trong nước. Tại đây, Chủ tịch Foxconn Young Liu cùng một số lãnh đạo từ các hãng chip lớn của Mỹ như Applied Materials và AMD cũng có mặt.
Meta ra AI tạo nhạc từ văn bản
AudioCraft là AI cho phép người dùng tạo nhạc hoặc âm thanh chuyên nghiệp chỉ từ đoạn văn bản đầu vào mô tả nội dung cần thực hiện.
"Hãy tưởng tượng một nhạc sĩ chuyên nghiệp có thể khám phá tác phẩm mới mà không cần chơi một nốt nào trên nhạc cụ, hay một doanh nghiệp muốn thêm nhạc nền vào video quảng cáo mới nhất. Đó là khi AudioCraft phát huy tác dụng", đại diện Meta cho biết.
Theo Meta, AudioCraft tích hợp ba nền tảng AI của hãng gồm MusicGen, AudioGen và EnCodec. MusicGen là AI do Meta phát triển từ năm ngoái với khả năng tạo âm nhạc từ văn bản đầu vào, trong khi AudioGen chuyên về về hiệu ứng âm thanh và cũng tạo âm thanh từ văn bản, chẳng hạn mô phỏng tiếng chó sủa, còi xe, bước chân trên sàn gỗ. EnCodec là bộ giải mã âm thanh dựa trên AI được giới thiệu tháng 10/2022, hỗ trợ nén và giải nén các tệp âm thanh mà không làm giảm chất lượng. AI này cũng cho phép tạo nhạc chất lượng cao mà không cần sử dụng lượng văn bản đầu vào lớn. Tất cả được gói gọn trong AudioCraft, giúp tạo âm thanh chất lượng cao, tính nhất quán lâu dài và dễ sử dụng.
Meta cho biết EnCodec đã được đào tạo từ cơ sở dữ liệu hơn 20.000 giờ âm nhạc. Tất cả do Meta sở hữu hoặc được cấp phép đặc biệt cho mục đích huấn luyện AI.
Đến nay, các công cụ AI tạo sinh đã có thể tạo ra hình ảnh và video với độ chân thực rất cao từ văn bản. Tuy nhiên, lĩnh vực âm thanh đang tụt lại phía sau do độ khó cao hơn.
Nhân viên Amazon 'nhận tiền mở khóa gian hàng vi phạm'
Theo quy định của Amazon - nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới, gian hàng vi phạm sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Người bán có thể cam kết sửa hoặc chứng minh họ không sai. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào, quá trình mở khóa cũng tốn kém và kéo dài. Theo CNBC, một số nhân viên chăm sóc khách hàng Amazon được cho là đã lợi dụng tình trạng này để kiếm lời. Sau khi nhận tiền, họ tiến hành mở khóa sản phẩm và gian hàng đang bị giới hạn, xóa bình luận tiêu cực, thậm chí cung cấp thông tin của đối thủ cạnh tranh. Một nhóm chat trên Telegram chuyên cung cấp dịch vụ này đã thu hút hơn 13.000 thành viên. Ngoài ra còn có các nhóm trên WeChat, WhatsApp và Facebook.
"Bạn có thể hiểu thêm về trạng thái gian hàng của mình bằng cách mua ảnh chụp màn hình dữ liệu nội bộ của chúng tôi. Đây là thông tin nhân viên chăm sóc khách hàng có thể tiếp cận", thông báo trên nhóm Telegram có đoạn.
XEM THÊM: Xiaomi tiết lộ máy in 3D siêu dễ sử dụng, giá bất ngờ
Quản trị viên nhóm Telegram niêm yết phí dịch vụ từ 200-400 USD cho việc xử lý gian hàng bị khóa. Các lý giải về nguyên nhân bị khóa có giá 180 USD. Thao tác bỏ phiếu bình chọn cho bài đánh giá sản phẩm, giúp tăng uy tín người bán được tính phí 0,5 USD mỗi lần. CNBC cho biết đường dây này có cả các đơn vị môi giới chuyên nghiệp, giúp móc nối người bán hàng với nhân viên Amazon.
Hoàng Yên (T/h)