Tính năng gây khó chịu trên iPhone 14 Pro sắp được cải thiện
Màn hình luôn bật, hay Always-on display, là tính năng lần đầu xuất hiện trên thế hệ iPhone mới, cụ thể là 2 mẫu đầu bảng iPhone 14 Pro và Pro Max. Đây không phải tính năng mới trong thế giới điện thoại thông minh, nhưng màn hình luôn bật của iPhone có điểm khác biệt.
Trên các điện thoại Android, màn hình luôn bật chuyển sang màu đen hoàn toàn bằng cách tắt các điểm ảnh trên màn hình, chỉ bật sáng các điểm ảnh hiển thị ngày giờ và một số biểu tượng thông báo. Còn trên iPhone 14 Pro và Pro Max, màn hình luôn bật vẫn hiển thị đầy đủ ảnh nền màn hình khóa, có màu, nhưng tối hơn.
Tuy gây ấn tượng và giúp "trang trí" cho mặt trước thiết bị ngay cả khi đang khóa, tính năng này trên iPhone cũng nhận về một số phản hồi tiêu cực từ người dùng.
Một số người dùng nói rằng họ bị nhầm lẫn, tưởng rằng màn hình đang bật. Always-on display có màu và nổi bật này cũng dễ gây mất tập trung và thu hút sự chú ý, khiến người dùng nhìn vào màn hình khi không cần thiết.
"Tôi đã sử dụng iPhone 14 Pro được gần 3 tháng và mất nhiều thời gian để làm quen với màn hình luôn bật, vì tưởng rằng điện thoại của mình đã bị mở khóa", Patrick Holland từ Cnet đánh giá.
Google, Facebook trả tiền cho các hãng truyền thông Australia
Giới chức Australia cho biết đạo luật mới được chính phủ nước này thông qua yêu cầu các công ty Facebook và Google phải thỏa thuận trả phí cho các hãng truyền thông Australia khi chia sẻ tin tức rộng rãi trên mạng xã hội.
Hiện nay, Canberra đang xem xét mở rộng áp dụng phí chia sẻ tin tức đối với các nền tảng truyền thông phổ biến khác như TikTok và Twitter. Trước đó, Đạo luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông đã có hiệu lực vào tháng 3/2021. Meta, công ty mẹ của Facebook và Google đã ký hơn 30 thỏa thuận với các hãng truyền thông để trả phí cho những thông tin được chia sẻ rộng và mang lại doanh thu quảng cáo. Nguồn kinh phí này sẽ được các hãng tin tức của Australia đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động.
Xem trực tiếp thông số cầu thủ tại World Cup bằng AR
Những người xem trận đấu trực tiếp trên sân vận động tại Qatar có thể sử dụng smartphone cài ứng dụng FIFA+. Khi hướng camera về cầu thủ bất kỳ, một "lớp phủ" AR gồm các thông tin như tên, số áo, tốc độ, quãng đường di chuyển, bản đồ nhiệt... sẽ hiển thị chi tiết trên màn hình theo thời gian thực.
Người dùng còn có thể xem lại các đoạn quay chậm, tình huống có VAR can thiệp hoặc tua một số pha bóng bị bỏ lỡ... Thông tin nổi bật, số liệu thống kê trực tiếp, các bài viết về World Cup cũng được cập nhật nhanh.
Trong video do ESPN đăng trên Instagram, một người dùng đã cài FIFA+, hướng camera xuống sân vận động và thấy thông tin cầu thủ thi đấu hiển thị qua công nghệ AR khá trực quan, có thể xem theo thời gian thực khi chạm vào. Video có gần 200.000 lượt xem sau 13 tiếng đăng tải.
Hoàng Yên (T/h)