Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 3/2/2020. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.
Cách chỉnh giờ trên Apple Watch sớm hơn giờ thực tế
Apple Watch cho phép bạn cài đặt giờ hiển thị trên màn hình sớm hơn giờ thực tế. Ảnh: 9to5mac |
Nếu bạn muốn giờ trên Apple Watch hiển thị chính xác, bạn không cần làm gì cả. Mặc định, thiết bị đến từ Apple đã có khả năng tự động điều chỉnh múi giờ và giờ tương ứng.
Một số người thường chỉnh đồng hồ sớm hơn giờ thực tế 5-10 phút để tránh trường hợp ỷ y giờ giấc mà bị trễ giờ đi học, đi làm. Nếu bạn muốn giờ hiển thị trên Apple Watch sớm hơn giờ thực tế, bạn cần điều chỉnh giờ thủ công.
Các bước thực hiện như sau:
1. Mở ứng dụng Settings trên Apple Watch.
2. Di chuyển xuống dưới đến tùy chọn Clock và chọn nó.
3. Bấm nút +0 min.
4. Xoay nút Digital Crown để đặt giờ sớm hơn theo ý muốn.
5. Bấm nút Set.
Bạn có thể đặt giờ hiển thị trên Apple Watch sớm hơn từ 1 đến 59 phút.
Việc đặt giờ thủ công chỉ ảnh hưởng đến giờ hiển thị trên màn hình Apple Watch. Tất cả các thông báo từ các ứng dụng như Calendar, Reminder... vẫn hoạt động theo giờ thực tế.
Moscow chuẩn bị trừng phạt Facebook, Twitter vì phạm luật
Các hãng truyền thông xã hội này đã không chuyển dữ liệu người dùng Nga về máy chủ đặt tại Nga, buộc chính quyền hành động. Ảnh minh họa |
Mới đây, Cơ quan giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor cho biết đang chuẩn bị các thủ tục tố tụng chống lại hai ông lớn truyền thông xã hội Mỹ là Facebook và Twitter vì không tuân thủ pháp luật của nước này.
Theo đó, Facebook và Twitter đã không chuyển thông tin cơ sở về dữ liệu người dùng Nga cho các máy chủ tại Nga.
Roskomnadzor đã đưa ra hạn chót là ngày 31/1/2020 để Facebook và Twitter thực hiện yêu cầu này và báo cáo về việc tuân thủ luật pháp của nước này, yêu cầu tất cả máy chủ lưu trữ dữ liệu của người Nga phải được chuyển đến Nga.
Facebook và Twitter có thể sẽ phải đóng khoản phạt từ 1 triệu rúp (khoảng 16.000 USD) lên tới 6 triệu rúp (94.000 USD).
Roskomnadzor khẳng định sẽ nộp đơn lên tòa án Nga vào ngày 3/2.
Nếu hai "ông lớn" này tiếp tục vi phạm, khoản phạt tái diễn sẽ lên tới 18 triệu rúp (gần 290.000 USD).
Bộ Truyền thông Nga cho rằng, mức phạt sẽ có hiệu quả hơn là tiến hành một lệnh cấm với các hãng truyền thông Mỹ.
"Các lệnh cấm thì có thể tìm cách để bỏ qua nhưng nếu công ty đó muốn hoạt động ở Nga, họ sẽ phải đóng tiền phạt" - Thứ trưởng Bộ Truyền thông Nga Alexei Volin nói với hãng tin TASS.
Trước Facebook và Twitter, Nga đã chặn trang web mạng chuyên nghiệp LinkedIn vào năm 2016 theo luật nội địa hóa dữ liệu.
Nga đang tăng cường kiểm soát hoạt động của Internet những năm gần đây trong bối cảnh các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng thu hút được nhiều đối tượng sử dụng.
Luật pháp Nga liên quan đến các lĩnh vực truyền thông và sự ảnh hưởng của các "ông lớn" nước ngoài đều được dè chừng.
Moscow từng yêu cầu các hãng điện thoại của nước ngoài nếu muốn bán điện thoại tại Nga cần phải tuân thủ các quy định. Một số được đề cập đến là cài đặt ứng dụng nội địa Nga vào mục các ứng dụng được cài sẵn, yêu cầu sử dụng bản đồ Nga trên các điện thoại thông minh, trong các ứng dụng của điện thoại...
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/12/2019 đã chính thức ký ban hành một luật qua đó yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy tính và TV phải cài đặt sẵn phần mềm do Nga sản xuất trên thiết bị của họ. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Nếu không tuân thủ, các công ty này có thể chịu khoản phạt lên tới 3.100 USD.
Apple đã từng phải thay đổi bản đồ về Crimea, định vị nó thuộc Liên bang Nga. Các thay đổi được hiển thị trên ứng dụng Thời tiết, nhằm thể hiện sự tuân thủ luật pháp Nga.
Tuy nhiên, hành động của Apple đã nhận phản ứng tiêu cực từ các chính trị gia Ukraine. Sau đó, công ty Mỹ đã tuyên bố đang xem xét về các biên giới tranh chấp giữa Nga và Ukraine để có quyết định cuối cùng.
Nga cũng đã dần hoàn thiện hệ thống nền tảng Internet của mình. Nước này được cho là đã thực hiện cuộc thử nghiệm ngắt kết nối mạng toàn cầu để xem khả năng các hệ thống của Nga có đủ năng lực tự kết nối hay không. Đây được cho là động thái nhằm chuẩn bị đối phó với kịch bản Moscow bị các nước cô lập như ngắt kết nối Internet.
Bảng giá điện thoại Honor tháng 2/2020
Điện thoại Honor. Ảnh: Honor |
Trong tháng 2 này, giá niêm yết điện thoại Honor tại thị trường Việt Nam không có sự xáo trộn nào so với tháng Giêng vừa qua.
Bảng giá điện thoại Honor tháng 2/2020:
Honor 10: 7,99 triệu đồng.
Honor 9X: 6,29 triệu đồng.
Honor Play: 5,99 triệu đồng.
Honor 8X:
Phiên bản ROM 64 GB: 4,99 triệu đồng.
Phiên bản ROM 128 GB: 5,99 triệu đồng.
Honor 20 Lite: 4,99 triệu đồng.
Honor 10 Lite: 3,99 triệu đồng.
Honor 9 Lite: 3,39 triệu đồng.
Honor 8A: 2,99 triệu đồng.
Honor 7A: 1,99 triệu đồng.
Honor 7S: 1,99 triệu đồng.
Honor 7C: 1,79 triệu đồng.
Vũ Đậu (T/h)