Musk bị la ó khi đi xem thi đấu game
Elon Musk bị cộng đồng chỉ trích, kêu gọi đưa Twitter trở lại khi ông xuất hiện trên khán đài tại một trận chung kết một giải đấu game.
"Hãy mang Twitter trở lại", đám đông hét lên khi hình ảnh Musk xuất hiện trên màn hình tường thuật trực tiếp trận chung kết giải vô địch thế giới của môn thể thao điện tử Valorant cuối tuần qua.
Theo Insider, Musk khi đó đang đưa con trai của mình đến xem trận đấu tại Los Angeles. Ông đứng vỗ tay đúng lúc máy quay hướng về phía mình. Tuy nhiên, đám đông không vui với sự xuất hiện này và tiếng từ phía khán đài bắt đầu rộ lên.
Hình ảnh Musk xuất hiện khoảng 4 giây, sau đó được thay thế bằng màn hình của trò chơi. Tuy nhiên tiếng la ó không dừng lại, khiến bình luận viên trực tiếp phải lên tiếng yêu cầu khán giả tập trung vào trận đấu.
Một video ghi lại diễn biến này được đăng trên X, tên gọi mới của Twitter, thu hút hơn 11 triệu lượt xem sau hai ngày. Ngoài ra, video trực tiếp của trận đấu khi đó cũng thu hút ba triệu khán giả khắp thế giới. Nhiều người mỉa mai rằng Musk có thể sẽ thay đổi thuật toán để hạn chế hiển thị nội dung Valorant trên X.
Musk chưa bình luận về việc này.
Ông chủ Twitter vấp phải nhiều phản đối kể từ khi bất ngờ đổi tên mạng xã hội thành X hồi tháng 7. Website X gây liên tưởng đến nội dung tiêu cực, thậm chí bị chặn tại Indonesia theo luật chống khiêu dâm và cờ bạc ở nước này. Dù tên gọi và logo chuyển thành X, phần lớn nhà quảng cáo vẫn giữ biểu tượng chú chim xanh của Twitter trên tài khoản của mình. Các nhà phân tích đánh giá việc xóa sổ thương hiệu Twitter có thể khiến giá trị của công ty giảm từ 4 đến 20 tỷ USD.
Robot phục vụ giá rẻ từ Trung Quốc đổ bộ Hàn Quốc
Các nhà hàng Hàn Quốc sử dụng robot AI để giải quyết tình trạng thiếu lao động, nhưng đa số chọn robot Trung Quốc giá rẻ.
Tại Hàn Quốc, robot phục vụ nhà hàng, quán ăn được ưa chuộng, một phần do giới chủ khó tuyển nhân viên trong bối cảnh nước này giảm lực lượng lao động và tăng lương. Bên cạnh đó, các cỗ máy cũng được thực khách yêu thích nhờ các "dịch vụ không chạm" sau đại dịch.
"Tôi không phải lo lắng về việc thuê người nữa. Chúng không bao giờ ốm hay phàn nàn về khối lượng công việc của mình", Kwon Hyang-jin, người sử dụng robot trong một nhà hàng ở phía đông Seoul, cho biết.
Xu hướng mới được ủng hộ rộng rãi. Nhưng theo các nhà sản xuất Hàn Quốc, việc chính phủ nước này khuyến khích sử dụng robot bất kể xuất xứ đang làm suy yếu ngành công nghiệp robot nội địa - vốn là chìa khóa để giảm tình trạng thiếu lao động ở Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
"Chúng tôi lo robot giá rẻ Trung Quốc thống trị thị trường Hàn Quốc, khiến rất khó cạnh tranh với họ", CEO một hãng robot nói. "Chúng tôi đang cố gắng khắc phục điểm yếu về giá bằng robot chất lượng cao, nhưng không hề dễ dàng".
Theo Hiệp hội Công nghiệp Robot Hàn Quốc (KARI), có khoảng 5.000 robot hoạt động trong các nhà hàng Hàn Quốc vào năm ngoái, tăng 67% so với 2021. Con số này dự kiến nhân đôi lên 10.000 trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường robot Hàn Quốc đang bị chi phối bởi các công ty nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Đến nay, 70% robot bồi bàn hoạt động ở Hàn Quốc là do Trung Quốc sản xuất. Chúng có giá từ 10 triệu won (7.460 USD) đến 30 triệu won (22.620 USD), rẻ bằng một phần năm so với robot Hàn Quốc.
"Các chủ nhà hàng thích robot Trung Quốc vì rẻ và chức năng tốt", một quan chức của KARI nói. "Về mặt công nghệ, Trung Quốc không đứng sau Hàn Quốc. Họ còn thương mại hóa robot sớm hơn, cũng như có tính cạnh tranh hơn về mặt chi phí".
AI gây lo ngại tàn phá môi trường như Bitcoin
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, Nvidia cho biết doanh thu từ chip sử dụng trong các trung tâm dữ liệu, chủ yếu để huấn luyện AI, đã tăng gấp đôi. Theo Bloomberg, điều này cho thấy nhu cầu về các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT có thể vẫn chưa đạt đỉnh.
Tuy nhiên, xu hướng này lại gây ra mối lo ngại tiêu thụ năng lượng từ các trung tâm dữ liệu khi mẫu chip mới của Nvidia, GH200 Grace Hopper Superchip, chỉ có kích thước bằng một tấm bưu thiếp nhưng ngốn tới 1.000 watt điện, tương đương với một máy sưởi di động.
XEM THÊM: Lý giải nguyên nhân trình duyệt Chrome bị liệt vào danh sách phần mềm độc hại
Trong khi đó, các cỗ máy huấn luyện siêu AI có rất nhiều chip như vậy kết nối với nhau. Nghiên cứu được HuggingFace công bố tháng này cho thấy với 176 tỷ tham số từ 1,6 TB dữ liệu, một cụm gồm 384 bộ xử lý đồ họa Nvidia A100 sẽ phải mất hơn 118 ngày để phân tích. Ước tính hệ thống sẽ sinh ra từ 24,7 tấn đến 50,5 tấn CO2 trong suốt quá trình vận hành.
Tuy nhiên, đó chỉ là bước huấn luyện đầu tiên của một mô hình siêu AI. Thống kê của Amazon cho thấy 90% chi phí từ việc vận hành hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ nằm ở giai đoạn tiếp theo, khi người dùng truy vấn mô hình để nhận kết quả, chẳng hạn yêu cầu ChatGPT đưa ra công thức làm bánh. Ở giai đoạn này, việc huấn luyện một hệ thống AI có thể tạo ra lượng CO2 nhiều gấp 10 lần giai đoạn đầu, tức khoảng 500 tấn, tương đương lái ôtô một triệu dặm hoặc 500 chuyến bay từ New York đến Frankfurt (hơn 6.200 km).
Hoàng Yên(T/h)