+Aa-
    Zalo

    Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 29/8: Apple “muối mặt” vì thừa nhận nghe lén người dùng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 29/8/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 29/8/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Apple "muối mặt" vì nghe lén người dùng

    Theo The Guardian, nhân viên của Apple nghe đến 1.000 bản nghi âm mỗi ngày. Ảnh minh họa

    Theo The Verge, ngày 28/8 Apple đăng thông cáo báo chí trên trang chủ, chính thức xin lỗi vì đã lặng lẽ ghi âm khi người dùng sử dụng ứng dụng trợ lý ảo Siri với lý do "cải thiện dịch vụ".

    "Chúng tôi chưa hoàn toàn sống theo lý tưởng cao đẹp của mình, chúng tôi xin lỗi về điều này", Apple viết trong thông cáo.

    Ngoài ra, Apple cam kết sẽ thay đổi chính sách quyền riêng tư của ứng dụng Siri theo hướng có lợi cho người dùng. Mặc định bản ghi âm giọng nói của người dùng không được lưu lại. Apple sẽ sử dụng các đoạn hội thoại do máy tính tạo ra nhằm cải thiện khả năng hoạt động của Siri.

    Người dùng có thể tùy chọn cho phép Apple giữ các bản ghi hội thoại khi tương tác với Siri nhằm giúp ứng dụng làm việc hiệu quả hơn. Công ty khẳng định tôn trọng tuyệt đối dữ liệu cá nhân và kiểm soát chặt chẽ nội dung và mong muốn người dùng cùng tham gia vào công việc này.

    Nếu khách hàng đồng ý, chỉ nhân viên Apple mới có quyền nghe những đoạn ghi âm, mục đích duy nhất là tối ưu khả năng hoạt động của Siri. Bất kỳ bản ghi nào kích hoạt vô tình sẽ được xóa ngay lập tức.

    Apple cùng một số tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon, Facebook, Microsoft bị tố thuê nhân viên nghe các bản ghi âm từ người dùng để cải thiện dịch vụ của mình mà không hề thông báo. Theo The Guardian, nhân viên của Apple nghe đến 1.000 bản nghi âm mỗi ngày.

    Sau khi vụ việc bị phanh phui, gã khổng lồ xứ Cupertino tuyên bố đình chỉ hoạt động này và xem xét lại chính sách quyền riêng tư. "Chúng tôi cam kết mang lại trải nghiệm Siri tuyệt vời trong khi bảo vệ quyền riêng tư của người dùng", phát ngôn viên Apple trả lời với The Verge.

    Trong thông cáo xin lỗi hôm 28/8, Apple khẳng định họ không còn lưu các bản ghi âm khi người dùng tương tác với Siri, ngoại trừ trường hợp được cấp phép. Kể cả những bản ghi được kích hoạt vô tình cũng bị xóa ngay lập tức.

    Huawei Mate 30 không có giấy phép sử dụng Android

    Đây là smartphone cao cấp nhất của Huawei kể từ khi bị chính quyền Mỹ cấm vận. Ảnh: Gsm Arena

    Theo Reuters, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới chuẩn bị ra mắt điện thoại Huawei Mate 30 vào ngày 18/9 tại Munich (Đức). Tuy nhiên, sản phẩm này không có bản quyền sử dụng hệ điều hành di động Android và những ứng dụng khác của Google.

    Đây là smartphone cao cấp nhất của Huawei kể từ khi bị chính quyền Mỹ cấm vận.

    Theo phát ngôn viên Google, Huawei Mate 30 không được cấp phép sử dụng Android và các dịch vụ khác do lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Tuần trước, Mỹ ra tuyên bố tạm thời để các công ty nước này tiếp tục làm ăn với Huawei nhưng phải xin phép từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, sau khi nhận được 130 đơn yêu cầu, ông Donald Trump vẫn chưa cấp bất kỳ giấy phép bán hàng nào.

    Không rõ trường hợp của Google có rơi vào diện chưa được cấp phép hay bản thân hãng này không đề nghị.

    Đại diện Huawei xác nhận điều này với Reuters, đồng thời khẳng định không trì hoãn kế hoạch ra mắt Mate 30.

    "Huawei sẽ tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android và sinh thái của nó nếu chính phủ Mỹ cho phép", Joe Kelly - người phát ngôn Huawei - tuyên bố với Reuters. "Nếu không, chúng tôi tiếp tục phát triển hệ điều hành và sinh thái của riêng mình".

    Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về thông tin nêu trên.

    Nếu không được cấp phép sử dụng Android và các dịch vụ của Google, Huawei vẫn có thể dùng AOSP, một dự án mã nguồn mở miễn phí của hệ điều hành này. Tuy nhiên các dịch vụ quan trọng của Google như YouTube, Play Store, Chrome hay Google Maps sẽ không khả dụng trên Mate 30.

    Theo nhà phân tích độc lập Richard Windsor, nếu không có dịch vụ của Google, không ai mua thiết bị Huawei. Người dùng Trung Quốc dễ dàng chấp nhận những ứng dụng thay thế sẵn có, nhưng thị trường châu Âu và các khu vực khác trên thế giới thì không.

    Đầu tháng 8, Huawei công bố hệ điều hành di động tự phát triển có tên Harmony. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích và bản thân một số lãnh đạo cấp cao của hãng cũng nghi ngờ khả năng thay thế Android.

    Châu Âu là thị trường làm nên tên tuổi của Huawei trong ngành công nghiệp di động. Lệnh cấm của chính phủ Mỹ giáng đòn nặng nền vào doanh thu của tập đoàn này. Theo số liệu của Counterpoint Research, thị phần smartphone Huawei tại châu Âu đã giảm xuống còn 19,3% so với 24,9% trong quý trước khi chịu lệnh cấm.

    Cuối tuần trước, Vincent Pang - Phó Chủ tịch Huawei - còn tự tin khẳng định smartphone tiếp theo sẽ sử dụng hệ điều hành Android. "Chúng tôi muốn duy trì một tiêu chuẩn, một hệ sinh thái, một công nghệ".

    Ngoài hệ điều hành, dường như các thành phần khác trong Mate 30 không vi phạm lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ. Đảm nhận sức mạnh xử lý là chipset Kirin 990 do HiSilicon, một công ty con của Huawei, phát triển.

    Nhân của nó dựa trên bản thiết kế từ ARM Holdings (Anh), thuộc sở hữu của SoftBank Nhật Bản. Tuần trước Huawei công bố có quyền sở hữu vĩnh viễn giấy phép ARMv8 và chip dựa trên kiến trúc này, bao gồm cả Kirin 990.

    Sony ra mắt A6600 và A6100: Real-time AF như A7R IV, giá từ 750 USD

    Sony A6600. Ảnh: Sony

    Sony A6600 là phiên bản nâng cấp của chiếc A6500 ra mắt cách đây không lâu. Vẫn sở hữu cảm biến ảnh 24.2 MP, A6600 sở hữu chip xử lý BIONZ X mới có tốc độ nhanh hơn 1,8 lần so với A6500. Sony tiếp tục áp dụng công nghệ AI để cải thiện khả năng lấy nét cho dòng máy ảnh mirrorless với hai tính năng Real-time Tracking AF và Real-time Eye AF từ dòng sản phẩm A6400.

    Về hệ thống điểm lấy nét, A6600 vẫn có 425 điểm lấy nét nhận diện theo pha, trong khi hệ thống lấy nét nhận diện tương phản đã được nâng cấp từ 169 điểm lên 425 điểm, cải thiện khả năng chụp liên tục 11fps trong chế độ AF/AE tracking.

    Nâng cấp lớn nhất của dòng A6600 so với A6500 nằm ở việc thay đổi loại pin NP-FZ100 đang được sử dụng cho dòng A7 III, máy có thể chụp tới 810 tấm (CIPA) so với 350 tấm trước đây. Báng cầm vì thế cũng tăng lên đi kèm với khối lượng cũng nặng hơn. Kích thước máy lớn hơn giúp Sony bổ sung thêm cổng headphone để đáp ứng những đòi hỏi từ phía người dùng.

    A6600 vẫn chỉ hỗ trợ khả năng quay phim tối đa ở mức 4K/30fps 100 Mbps, bao gồm các profile màu quen thuộc như S-log3, HLG (HDR). Những mong chờ về một chiếc máy hỗ trợ quay phim 4K gấp đôi khung hình vẫn chưa hiện diện ở phiên bản này.

    Trong khi đó, A6100 sẽ là phiên bản thay thế cho A6000 vốn đã 5 năm tuổi. A6100 sẽ không có những tính năng mà các dòng ở phân khúc cao hơn có được như A6300 và A6400, bao gồm khả năng quay phim hỗ trợ các profile picture như S-log, HLG (HDR).

    Tuy vậy, máy vẫn sở hữu phần cứng với khả năng lấy nét liên tục tốc độ 0,02 giây, hỗ trợ tính năng Real-time Tracking AF và Real-time Eye AF.

    Những gì còn thiếu trên A6000 tất nhiên đã được Sony bổ sung vào phiên bản A6100 gồm cổng microphone. Màn hình của máy chuyển sang sử dụng loại lật 180 độ về phía trước tương tự như A6400, bao gồm cả tính năng hỗ trợ cảm ứng để chạm, lấy nét và chụp. Giao diện mới từ phiên bản A6500 cũng được đồng bộ trên A6100, đem lại cách bố trí các chức năng hợp lý và trực quan hơn, nhiều tuỳ chỉnh hơn.

    A6100 sẽ là phiên bản thay thế cho A6000 vốn đã 5 năm tuổi. Ảnh: Sony

    Hai ống kính E-mount mới được Sony giới thiệu trong đợt ra mắt lần này là E 16-55mm F2.8 G và E 70-350mm F4.5-6.3 G OSS. Đáng chú ý là phiên bản E 16-55mm F2.8 sở hữu khẩu độ lớn trên toàn dải zoom. So với phiên bản E 16-70mm F4 ZA, E 16-55mm F2.8 G có đường kính 73mm, dài hơn chỉ 7mm, sử dụng chung filter đường kính ø67 nên vẫn rất gọn nhẹ so với những ống kính APS-C cùng tiêu cự và khẩu độ đang có trên thị trường. Tất nhiên ống kính phải đánh đổi việc không tích hợp chống rung trong ống kính, vì vậy nó sẽ phù hợp với thân máy A6500 và A6600 hơn so với các lựa chọn còn lại.

    SEL1655G sở hữu thiết kế 9 lá khẩu, động cơ tuyến tính XD mang đến lực đẩy và hiệu suất cao giống như các dòng ống kính cao cấp cho full-frame. Các thành phần thấu kính cao cấp bên trong gồm 2 thấu kính phi cầu nâng cao (advanced aspherical), 3 thấu kính tán xạ siêu thấp ED cùng lớp phủ nano AR chống chói và bóng mờ.

    Mức giá tham khảo cho các sản phẩm như sau:

    Sony ILCE-6600 thân máy: 1.400 USD

    Sony ILCE-6600M thân máy + ống kính SEL18135: 1.800 USD

    Sony ILCE-6100 thân máy: 750 USD

    Sony ILCE-6100K thân máy + ống kính SEL1650: 850 USD

    Sony ILCE-6100K thân máy + ống kính SEL1650 + SEL55210: 1.100 USD

    Ống kính SEL1655G: 1.400 USD

    Ống kính SEL70350G: 1.000 USD

    Sony A6100 sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 10/2019, trong khi A6600 sẽ bán ra muộn hơn, bắt đầu từ tháng 11/2019.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-cong-nghe-moi-nong-nhat-hom-nay-298-apple-muoi-mat-vi-thua-nhan-nghe-len-nguoi-dung-a290758.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan