iPhone 15 đã có chế độ giới hạn sạc pin tối đa 80%
Apple vừa mới phát hành iOS 17.0.2 cho dòng iPhone 15 và trong bản cập nhật này, người dùng có thể giới hạn sạc pin ở mức 80%. Đây là giải pháp được Apple đưa ra để giải quyết những phàn nàn về vấn đề dung lượng pin của những mẫu iPhone 14 vào năm ngoái.
Apple đã trình bày chi tiết cách hoạt động của cài đặt giới hạn sạc 80 phần trăm mới này của iPhone 15 trong phần chi tiết bản cập nhật.
Đây không phải là cài đặt Tối ưu hoá Sạc pin - Optimized Battery Charging thông thường (sạc nhanh iPhone khi đạt 80%, sau đó tiếp tục sạc chậm đến 100% đến khi người dùng thức dậy). Thay vào đó, iPhone sẽ không bao giờ sạc quá mức 80% pin.
Thông thường, quá trình sạc pin tương đối hiệu quả và đồng đều từ 0 - 80%, 20% cuối cùng thường tiêu tốn nhiều năng lượng hơn và tạo ra nhiều nhiệt hơn. Điều này khiến một số người dùng có ý thức luôn để mức pin từ 40 - 80% để kéo dài tuổi thọ của pin.
Ngoài giới hạn dung lượng sạc, iPhone 15 có thêm tính năng đếm số chu kỳ sạc tương tự máy tính MacBook. Trong mục Cài đặt chung/Giới thiệu, máy hiển thị thêm Cycle Count (Số lượng Chu kỳ). Con số này được tính mỗi lần máy sử dụng hết 100% dung lượng pin bất kể số lần cắm hay rút dây sạc.
Cả bốn phiên bản iPhone 15 cũng đều tăng dung lượng pin so với thế hệ tiền nhiệm. iPhone 15 có dung lượng 3.349 mAh, tăng từ 3.279 mAh trên iPhone 14. iPhone 15 Plus là 4.383 mAh, tăng từ 4.325 mAh trên 14 Plus. Dung lượng pin của 15 Pro là 3.274 mAh, so với 3.200 mAh trên 14 Pro. Cuối cùng, iPhone 15 Pro Max có dung lượng cao nhất 4.422 mAh, tăng từ 4.323 mAh trên 14 Pro Max.
Indonesia cấm bán hàng trên TikTok
Theo Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan, Indonesia sẽ cấm những công ty truyền thông xã hội cho phép thanh toán trực tiếp trên nền tảng của họ. Động thái đồng nghĩa các nền tảng sẽ chỉ có thể quảng cáo sản phẩm chứ không thể thực hiện những giao dịch trực tiếp.
Quy tắc mới được đưa ra chỉ ba tháng sau khi TikTok cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, phần lớn tại Indonesia, trong vài năm tới nhằm thúc đẩy xây dựng nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.
TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, có 125 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở Indonesia và đang tìm cách biến cơ sở người dùng lớn này thành nguồn doanh thu thương mại điện tử.
Ngay sau đó,TikTok đã phản đối chính sách được đề xuất, tranh luận việc tách bạch mạng xã hội cùng thương mại điện tử không chỉ ảnh hưởng đến đổi mới mà còn gây bất lợi cho hàng triệu người bán hàng cũng như người tiêu dùng Indonesia. Một số người dựa vào TikTok Shop để kiếm kế sinh nhai.
“Thương mại xã hội sinh ra để giải quyết vấn đề thực tế đối với các người bán hàng nhỏ lẻ truyền thống bằng cách ghép nối họ với các nhà sáng tạo địa phương, những người có thể giúp gia tăng lượt truy cập đến với cửa hàng trực tuyến của họ”, TikTok giải thích. “Dù tôn trọng quy định cũng như luật pháp địa phương, chúng tôi hy vọng quy định sẽ được xem xét đến tác động tới cuộc sống của hơn 6 triệu người bán hàng cùng gần 7 triệu nhà sáng tạo liên kết đang dùng TikTok Shop”.
Thị trường thương mại điện tử của Indonesia bị thống trị bởi các công ty công nghệ trong nước như Tokopedia(GoTo), Shopee (Sea) và gã khổng lồ thương mại điện tử Lazada (Alibaba).
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, các giao dịch thương mại điện tử ở Indonesia lên tới gần 52 tỷ USD vào năm ngoái và trong số đó, 5% diễn ra trên TikTok.
Indonesia là một trong số ít thị trường mà TikTok đã ra mắt TikTok Shop khi ứng dụng này đang tìm cách tận dụng cơ sở người dùng lớn tại đây.
XEM THÊM: Rò rỉ thông tin về diện mạo khác lạ của iPhone 16 Pro
Elon Musk điều hành X qua iPhone
Một số nhân viên và cựu nhân viên X nói với FT rằng một trong những cách tạo ấn tượng tốt với Musk là gửi thông tin trực quan, dễ hiểu. Email báo cáo phải theo định dạng cụ thể, không chứa tệp đính kèm hoặc bảng tính. Tất cả những thứ cần truyền đạt đều phải gói gọn trong nội dung email.
Các nhân viên cho biết đây là yêu cầu bất thành văn bởi Musk thường chỉ đọc thông tin và điều hành công việc trên iPhone, thay vì máy tính hay những thiết bị có màn hình lớn. Do đó, nếu báo cáo rườm rà và chứa tệp đính kèm, tỷ phú Mỹ sẽ bỏ qua.
Musk, hiện điều hành sáu công ty gồm Tesla, SpaceX, The Boring Company, Neuralink, X và mới nhất là xAI, nổi tiếng là nhà lãnh đạo cứng rắn và có nhiều yêu cầu khắt khe đối với nhân viên. Một cựu nhân viên X cho biết Musk không khoan dung với những người nói những điều chỉ để tỏ ra thông minh. Thay vào đó, ông thích người nhận lỗi, thừa nhận bản thân không biết vấn đề đang nói và "phản hồi lại trong một khoảng thời gian hợp lý".
Một cựu nhân viên khác kể Musk thích "những người vui vẻ thực hiện mệnh lệnh mà không thắc mắc" hơn là những nhân viên cố chấp. Ông sẵn sàng sa thải lập tức người cố bày tỏ quan điểm trái ý.
Khi tiếp quản Twitter vào tháng 10/2022, Elon Musk mời một số người thân cận đang làm giám đốc tại Tesla và The Boring Company để giúp ổn định mạng xã hội. Tuy nhiên, cách lãnh đạo của họ khiến nhân viên Twitter khó chịu, thậm chí gọi họ là "những kẻ côn đồ của Elon".
Hoàng Yên (T/h)