Apple là thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2022.
Mới đây, công ty định giá thương hiệu Brand Finance đã công bố 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2022 (Brand Finance Global 500). Giá trị của Apple chạm mốc 355 tỷ USD - cao hơn 5 tỷ USD so với Amazon ở vị trí thứ 2. Ngoài ra, mức định giá của Apple tăng 35% so với năm ngoài. Các nghiên cứu về mức độ trung thành của khách hàng và cảm tình dành cho thương hiệu cũng tăng cao.
Theo PhoneArena, việc Apple giữ vững ngôi đầu trong danh sách những công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu là nhờ vào sự thành công của dòng iPhone 13. Giá trị thương hiệu trong năm 2022 của Apple ghi nhận mốc kỷ lục trong lịch sử thị trường thế giới.
Trong khi đó, Brand Finance nhận định: “Thành công của Apple một phần đến từ vị thế đã thiết lập từ lâu của thương hiệu, một phần khác là nhờ cung cấp các dịch vụ đa dạng đến người dùng".
Việc các dòng sản phẩm khác của Apple ngoài iPhone như AirPods, iPad hay MacBook ngày càng được ưa chuộng là lý do thương hiệu “Táo khuyết” được đánh giá cao. Theo David Haigh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Brand Finance, Apple hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ chân khách hàng trong định giá thương hiệu nên hiện đang có một lượng người dùng trung thành lớn.
Messenger có tính năng thông báo chụp màn hình
Ứng dụng Messenger vừa được bổ sung một số tính năng bảo vệ cuộc trò chuyện. Cụ thể, bên thứ 3, kể cả Facebook, đều không thể biết được nội dung cuộc trò chuyện giữa 2 người dùng. Tin nhắn sẽ tự động biến mất sau một khoảng thời gian nhất định.
Theo CEO Mark Zuckerburg, Messenger còn được bổ sung tính năng thông báo chụp màn hình trong các cuộc trò chuyện được mã hóa đầu cuối. Nếu tham gia một cuộc trò chuyện bí mật (secret conversation), Messenger sẽ thông báo cho người dùng nếu ai đó chụp ảnh màn hình cuộc trò chuyện.
Mark Zuckerburg cho biết, Messenger hiện bổ sung các tính năng mới cho chế độ trò chuyện được mã hóa đầu cuối. Các cuộc trò chuyện trên Messenger ở chế độ mặc định không được mã hóa đầu cuối. Người dùng phải kích hoạt tính năng này nếu muốn tham gia cuộc trò chuyện bí mật.
Bản cập nhật mới sẽ bổ sung tính năng GIF (hình động), hình dán sticker và các biểu tượng cảm xúc reaction. Người dùng cũng có thể nhấn và giữ để trả lời hoặc chuyển tiếp tin nhắn. Các cuộc trò chuyện được mã hóa cũng sẽ hỗ trợ huy hiệu cho tài khoản được xác thực.
Hệ điều hành Windows 11 rất được người dùng yêu thích
Trong một bài đăng mới đây trên trang web chính thức, Microsoft đã tổng kết lại hiệu quả hoạt động của hệ điều hành Windows trong 2 năm qua, đồng thời chia sẻ một số thành tựu của Windows trong giai đoạn này.
Theo đó, hiện có hơn 1,4 tỷ người dùng Windows 10 và Windows 11 hoạt động hàng tháng trên khắp thế giới, bên cạnh đó thời gian sử dụng Windows đã tăng 10% so với mức trước đại dịch.
Trung bình, mọi người đang dành nhiều thời gian hơn trên PC chạy Windows 11 so với PC chạy Windows 10, với mức cách biệt là 40%. Microsoft trích dẫn số liệu của Canalys cho biết có hơn 340 triệu Windows PC được xuất xưởng vào năm 2021, tăng 27% so với năm 2019.
Theo Microsoft, hệ điều hành Windows 11 rất được người dùng PC yêu thích, tỷ lệ chấp nhận cập nhật gấp đôi so với Windows 10. Ngoài ra, Windows 11 có chất lượng và điểm hài lòng cao nhất so với bất kỳ bản Windows nào từ trước đến nay.
Đáng chú ý, hệ điều hành này đã giúp lưu lượng truy cập vào Microsoft Store tăng gấp ba lần, tuy nhiên đó cũng có thể là kết quả của các chính sách Store mới, thuận lợi hơn, được cập nhật từ năm 2021.
Đinh Kim(T/h)