Sao TikTok tiết lộ chi phí tạo video triệu view
Kaz Sawyer, người Mỹ, bắt đầu sự nghiệp tạo nội dung video đầu năm 2020. Khi đó, anh đang làm công việc với mức lương tối thiểu và phải nhận thêm việc chụp ảnh đám cưới và kinh doanh quần áo.
Anh cũng sử dụng TikTok nhưng ban đầu không thu hút nhiều người xem. Bước ngoặt đến vào tháng 2/2020 khi một video nhận được hàng triệu lượt xem. "Tôi quyết định vứt bỏ mọi thứ, tập trung hoàn toàn vào TikTok", anh nói. Hai năm sau, Sawyer có 6,7 triệu lượt người theo dõi trên TikTok và 2,8 triệu người đăng ký trên YouTube.
Phần lớn nội dung video của Sawyer là thực hiện thử thách nào đó. Anh phải lên kế hoạch kỹ, di chuyển nhiều và đặt mua sản phẩm hỗ trợ, khiến anh tốn hàng nghìn USD. Ngoài ra, anh phải trả lương cho kế toán, trợ lý bán thời gian, biên tập video và luật sư hỗ trợ pháp lý.
Twitter sắp có tick vàng và xám
Tỷ phú Elon Musk cho biết dịch vụ cấp tick xác nhận cho tài khoản Twitter sẽ được phát hành lại từ 2/12. Theo Reuters, thay đổi lớn nhất nằm ở màu tick khác nhau tùy vào tài khoản được xác nhận, thay vì chỉ màu xanh dương như trước đây.
Cụ thể, tick xác nhận mới trên Twitter có 3 màu: vàng cho nhóm tài khoản doanh nghiệp, xám cho các cơ quan chính phủ và xanh dương cho tài khoản cá nhân, kể cả người nổi tiếng. Theo Musk, tất cả tài khoản sẽ được kiểm tra thủ công trước khi cấp dấu xác nhận.
"Phiền phức nhưng cần thiết", tỷ phú Musk cho biết. Ngoài ra, tài khoản cá nhân với tick xanh sẽ có thêm logo tổ chức, công ty mà họ đang làm việc nếu doanh nghiệp ấy cũng được Twitter xác nhận.
Từ khi nắm quyền sở hữu Twitter, Musk đã đưa ra nhiều thay đổi lớn. Một trong số đó là bán tick xác nhận tài khoản "chính chủ" thông qua dịch vụ Twitter Blue với giá 8 USD/tháng. Gói dịch vụ tung ra vào ngày 5/11, chỉ một ngày sau khi vị tỷ phú sa thải nửa nhân viên Twitter.
WhatsApp rò rỉ gần 500 triệu dữ liệu người dùng
Mới đây, một tài khoản đã đăng bài trên diễn đàn hacker nổi tiếng và tuyên bố đang rao bán dữ liệu thông tin của hơn 487 triệu người dùng WhatsApp. Phương tiện điều tra an ninh kỹ thuật số Cybernews đã lấy mẫu từ người bán và xác nhận rằng dữ liệu được bán thực sự đến từ người dùng WhatsApp.
Theo bài đăng, dữ liệu nói trên liên quan đến 84 quốc gia và khu vực, trong đó khoảng 32 triệu đến từ Hoa Kỳ, 45 triệu đến từ Ai Cập, 35 triệu đến từ Ý và 20 triệu đến từ Pháp. Dữ liệu là số điện thoại của những người dùng WhatsApp và giá bán chính xác dữ liệu này chưa được tiết lộ.
Theo báo cáo ngày 24/11 của Cybernews, kết quả điều tra xác nhận mẫu dữ liệu từ người bán cho thấy mẫu bao gồm số điện thoại của 1.097 người dùng ở Vương quốc Anh và 817 người dùng ở Hoa Kỳ.
WhatsApp là một phần mềm giao tiếp thuộc sở hữu của Meta, được thành lập vào năm 2009 và được Meta, trước đây gọi là Facebook, mua lại với giá 19 tỷ USD vào năm 2014. Là một trong những phần mềm liên lạc phổ biến nhất ở nước ngoài, WhatsApp có lượng người dùng khổng lồ. Trong hội nghị báo cáo quý thứ ba của Meta, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty Mark Zuckerberg cho biết số người dùng hoạt động hằng tháng của WhatsApp đã vượt quá 2 tỷ. Sự cố rò rỉ dữ liệu của WhatsApp lần này đã làm giảm niềm tin của không ít khách hàng về khả năng bảo mật thông tin trực tuyến trên hệ thống.
Hoàng Yên (T/h)