Rò rỉ giá bán của Samsung Galaxy Z Flip5 và Z Fold5 tại Việt Nam
Theo thông tin từ một số chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, Samsung Galaxy Z Flip5 sẽ có giá bán phiên bản 8 GB/256 GB dao động 25,99-26,99 triệu đồng và phiên bản 8 GB/512 GB sẽ có giá nhỉnh hơn, khoảng 28,99-29,99 triệu đồng.
Mẫu máy này sẽ có 4 biến thể màu sắc là xanh bạc hà (mint), tím (lavender), đen (gray) và màu vàng kem (cream).
Đối với mẫu Galaxy Z Fold5, giá bán 3 phiên bản 12 GB/256 GB, 12 GB/512 GB và 12 GB/1 TB sẽ dao động lần lượt là 40,99-41,99 triệu đồng, 44,49-45,49 triệu đồng và 49,99-50,99 triệu đồng.
Mẫu smartphone này sẽ có 3 biến thể màu sắc là màu xanh dương nhạt (icy blue), đen (phantom black) và vàng kem (cream).
"Đây là mức giá niêm yết của Samsung đối với 2 dòng máy này, giá bán lẻ tại các chuỗi sẽ thấp hơn khoảng 2-3 triệu đồng", đại diện một chuỗi bán lẻ tại Việt Nam tiết lộ.
Trước đó, vào ngày 7/6, nhiều nguồn tin quốc tế đã xác nhận Samsung Galaxy Unpacked sẽ được diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 7, nhiều khả năng rơi vào ngày 26/7. Sự kiện sẽ được hãng tổ chức tại COEX, Samseong-dong, Gangnam, TP Seoul.
Tuy hãng không tiết lộ tên các sản phẩm sẽ được ra mắt trong sự kiện Galaxy Unpacked lần này nhưng đã xác nhận rằng đây là thế hệ tiếp theo của các thiết bị có thể gập lại.
Trong thư mời gửi tới giới truyền thông, hãng đã nhận định đây là địa điểm độc đáo, mang đến cho thế giới một trải nghiệm sự pha trộn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Kể từ sự kiện Galaxy Unpacked đầu tiên, năm 2010, tại Las Vegas, Samsung đã tổ chức sự kiện này tại nhiều thành phố lớn trên toàn thế giới như Barcelona, Berlin, London và New York.
TikTok thừa nhận lưu dữ liệu người Mỹ ở Trung Quốc
Trong thư gửi 2 thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn và Richard Blumenthal, TikTok nói "chỉ một số" thông tin của người sáng tạo nội dung trên nền tảng được lưu trữ bên ngoài Mỹ, gồm Trung Quốc. Điều này ngược với các tuyên bố trước đó của nền tảng, rằng toàn bộ dữ liệu người Mỹ được lưu tại máy chủ đặt ở Mỹ.
TikTok cho biết, họ định nghĩa người tạo nội dung là người dùng "có mối quan hệ thương mại", chẳng hạn như những người có ảnh hưởng tạo nội dung có thu phí.
Nền tảng của ByteDance cho biết, các thông tin lưu trữ gồm hợp đồng và "tài liệu liên quan", nhưng không đề cập chi tiết.
Trong khi đó, Forbes trích dẫn nguồn nội bộ rằng, dữ liệu của nhà sáng tạo Mỹ lưu tại Trung Quốc có nhiều thông tin quan trọng. Ngoài thông tin cá nhân cơ bản còn có cả biểu mẫu thuế và số an sinh xã hội.
"Chính phủ Trung Quốc không yêu cầu TikTok cung cấp dữ liệu này. TikTok đã không cung cấp dữ liệu đó cho chính phủ hoặc đảng cầm quyền Trung Quốc, TikTok cũng sẽ không làm vậy", theo một phát ngôn viên công ty.
Các thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn và Richard Blumenthal ra thông cáo bày tỏ lo ngại về việc TikTok lưu trữ dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ "trong tầm tay của chính phủ Trung Quốc".
TikTok hiện có hơn 150 triệu người dùng tại Mỹ. Tuy nhiên, nền tảng đang đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng từ các nhà lập pháp và quan chức trong việc cấm ứng dụng trên toàn quốc do lo ngại về việc kiểm soát dữ liệu người dùng cũng như sức mạnh lan truyền thông tin xấu độc của thuật toán TikTok. Hồi tháng 3, CEO TikTok Shou Chew cũng đã điều trần trước quốc hội Mỹ với hàng loạt câu hỏi từ lưỡng đảng.
Đối phó với nạn tin giả, Australia cảnh báo sẽ phạt nặng các 'gã khổng lồ’ công nghệ
Cơ quan quản lý thông tin và truyền thông Australia ngày 26/6 cho biết đã soạn thảo một dự luật liên quan tới việc xử lý thông tin giả trên không gian mạng với những qui định mang tính “bắt buộc” cho lĩnh vực đến vốn ít bị quản lý này.
Theo dự luật, chủ sở hữu của các nền tảng như Facebook, Google, Twitter, TikTok và các dịch vụ podcast sẽ phải đối mặt với các hình phạt có giá trị lên tới 5% doanh thu toàn cầu hàng năm, mức phạt cao nhất được đề xuất cho tới thời điểm này trên thế giới.
Cơ quan quản lý thông tin và truyền thông Australia, đơn vị giám sát của chính phủ, sẽ được cấp một loạt quyền hạn để buộc các công ty ngăn chặn thông tin giả mạo hoặc việc phát tán thông tin sai lệch, cũng như ngăn chặn hoạt động kiếm tiền từ các thông tin này.
Người phát ngôn của cơ quan quản lý truyền thông Australia nhấn mạnh: "Nếu dự luật được thông qua, sẽ cung cấp cho cơ quan quản lý một loạt các quyền hạn mới để buộc thông tin từ các nền tảng kỹ thuật số phải đăng ký và tuân thủ các quy tắc bắt buộc cũng như đưa ra các tiêu chuẩn trong lĩnh vực này".
Cơ quan giám sát sẽ không có quyền gỡ bỏ hoặc xử phạt các bài đăng riêng lẻ nhưng thay vào đó, có thể trừng phạt các nền tảng vì không giám sát và xử lý các nội dung cố ý "làm sai lệch, gây hiểu lầm và lừa đảo" có thể gây ra "tác hại nghiêm trọng".
Các quy tắc này cũng tương tự như một đạo luật đã được thông qua ở Liên minh châu Âu và dự kiến sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, nơi những gã khổng lồ công nghệ có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt cao tới 6% doanh thu hàng năm và lệnh cấm hoạt động hoàn toàn trong khối.
Dự luật được đề xuất cũng sẽ giúp củng cố Bộ quy tắc thực hành tự nguyện hiện tại của Australia về tin giả mạo và thông tin sai lệch được đưa ra vào năm 2021, nhưng đến nay chỉ có tác động hạn chế.
Những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Adobe, Apple, Facebook, Google, Microsoft, Redbubble, TikTok và Twitter là những công ty đã ký kết bộ quy tắc hiện tại.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh gia tăng thông tin giả mạo tại Australia liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về quyền của người bản địa vào cuối năm nay.
Dư luận hy vọng nhưng qui định mới sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các gã khổng lồ công nghệ, đồng thời giúp môi trường internet trở nên an toàn hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng tại quốc gia này.
Hoàng Yên (T/h)