+Aa-
    Zalo

    Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 24/10: Siêu phẩm iPhone 11 chống nước tốt hơn quảng cáo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 24/10/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 24/10/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Siêu phẩm iPhone 11 chống nước tốt hơn quảng cáo

    Siêu phẩm iPhone 11 chống nước tốt hơn Apple quảng cáo. Ảnh minh họa

    Theo giới thiệu của Apple, iPhone 11 và iPhone 11 Pro đều chống bụi, nước ở tiêu chuẩn IP68, nhưng thiết bị giá rẻ hơn chỉ cho phép ngâm tối đa 2 m với thời gian 30 phút, trong khi chiếc còn lại có thể chịu độ sâu gấp đôi.

    Để kiểm chứng điều này, đồng thời tìm hiểu xem iPhone 11 và iPhone 11 Pro chịu tối đa bao lâu dưới nước, biên tập viên CNET Lexy Savvides cùng nhóm của cô đã thử dìm bộ đôi smartphone của Apple xuống biển ở nhiều độ sâu khác nhau.

    Họ gắn iPhone 11 và iPhone 11 Pro mới vào Trident, máy lặn không người lái của công ty OpenROV. Nó có khả năng lặn sâu đến 100 m, điều khiển từ xa thông qua điện thoại.

    Thiết bị được thả xuống vịnh Monterey ở California (Mỹ). Toàn bộ quá trình thử nghiệm được ghi lại bằng camera dưới nước đi kèm Trident.

    Lần thứ nhất ở độ sâu 4m, CNET muốn xác nhận khả năng chống nước ở độ sâu 4 m trong vòng 30 phút của iPhone 11 Pro. Lexy Savvides nghĩ rằng iPhone 11 khó có thể vượt qua thử thách vì nằm ngoài tiêu chuẩn Apple đã khuyến nghị.

    Sau 30 phút, các thành viên tham gia thử nghiệm tiến hành thu hồi thiết bị lặn và kiểm tra cả hai máy. Sau khi lau khô bằng vải mềm, màn hình, các nút bấm và loa của iPhone 11 và iPhone 11 Pro vẫn hoạt động bình thường, camera trước và sau không có dấu hiệu mờ vì hơi nước.

    Tuy nhiên khi mở một đoạn âm thanh có sẵn trong máy, âm lượng trên iPhone 11 có vẻ hơn nhỏ còn iPhone 11 Pro thì có một số tiếng rè.

    Sang vòng thử nghiệm kế tiếp, nhóm của Lexy Savvides đưa thuyền vào giữa vịnh và thả thiết bị lặn xuống dưới mặt nước 8 m trong thời gian 30 phút. Nhờ camera của Trident, họ có thể quan sát trực tiếp những điều xảy ra trên màn hình 2 chiếc iPhone.

    Khoảng 1/2 thời gian, màn hình bấm giờ của iPhone 11 Pro bổng dưng chuyển sang giao diện khác trong ứng dụng Clock. Tuy nhiên khi hết thời gian thử nghiệm và tiến hành thu hồi, cả hai thiết bị hoàn toàn bình thường.

    Màn hình cảm ứng, máy ảnh vẫn hoạt động tốt, ảnh chụp không có dấu hiệu bị mờ vì hơi nước trong ống kính. Về loa, một lần nữa âm thanh trên iPhone 11 nghe nhỏ hơn iPhone 11 Pro.

    Sau khi chứng kiến khả năng chống nước ở độ sâu 8 m của iPhone 11 và iPhone 11 Pro, Lexy Savvides quyết định tăng thử thách lên gấp 3 lần giới hạn của nhà sản xuất: nhúng chìm xuống độ sâu 12 m.

    Sau 30 phút chờ đợi, quan sát trực tiếp đồng hồ đếm giờ trên 2 thiết bị thông qua camera dưới nước, nhóm thử nghiệm thu hồi máy và kiểm tra lại lần nữa.

    Đáng ngạc nhiên là iPhone 11 và iPhone 11 Pro vẫn hoạt động tốt như lần thử nghiệm đầu tiên ở độ sâu 4 mét. Cả hai trông không khác gì vừa lấy ra khỏi hộp, ngoại trừ loa đã rè khi phát âm thanh.

    Lexy Savvides rửa 2 chiếc điện thoại bằng nước sạch, lau khô, tắt nguồn và để trong 72 giờ trước khi kiểm tra lại chi tiết.

    Sau 3 ngày để điện thoại khô hoàn toàn, Lexy kiểm tra toàn diện những thiệt hại của iPhone 11 và iPhone 11 Pro qua 3 lần nhúng chìm dưới biển, bao gồm camera, micro, loa, màn hình và sạc thử thiết bị.

    Thật khó tin, bộ đôi này trông không khác nhiều so với điện thoại vừa lấy ra khỏi hộp, ngoại trừ một vết xước nhỏ trên màn hình iPhone 11.

    Vấn đề đáng kể duy nhất là âm thanh phát ra từ loa trên cả hai máy có vẻ kém sắc nét hơn và âm lượng tối đa nhỏ hơn trước khi thử nghiệm. Lexy Savvides dùng ứng dụng Sound trên Apple Watch và đo được âm lượng của chúng thấp hơn vài decibel so với máy mới hoàn toàn.

    Trend Micro củng cố vị thế dẫn đầu toàn cầu về bảo mật đám mây

    Trend Micro củng cố vị thế dẫn đầu toàn cầu về bảo mật đám mây. Ảnh minh họa

    Trend Micro Incorporated (có mã chứng khoán giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Tokyo là TYO: 4704; TSE: 4704), một doanh nghiệp hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các giải pháp an ninh mạng vừa công bố đã mua lại Cloud Conformity, công ty quản lý quản lý tư thế bảo mật đám mây (Cloud Security Posture Management – CSPM ). Thương vụ mua lại này ngay lập tức sẽ góp phần mở rộng hơn các dịch vụ đám mây của Trend Micro, giúp bảo mật và giải quyết các vấn đề bảo mật thường bị bỏ qua do cấu hình sai của cơ sở hạ tầng đám mây.

    Chiến lược của Trend Micro được xây dựng để đảm bảo an ninh đám mây, mà không làm gián đoạn việc kinh doanh của khách hàng. Việc mua lại này được xây dựng dựa trên sự đổi mới liên tục của Trend Micro trong bảo mật đám mây, thêm các khả năng bổ sung tự động xác định và khắc phục một loạt các vấn đề về cấu hình cơ sở hạ tầng đám mây. Động thái này cũng tối ưu hóa chi phí và giúp đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quy định hàng đầu của ngành như PCI, GDPR, HIPAA và NIST.

    Bà Eva Chen, Giám đốc điều hành (CEO) của Trend Micro cho biết: “Chúng tôi đã tập trung vào việc xây dựng bảo mật tích hợp cho đám mây, kể từ khi ra đời hơn một thập kỷ trước, không giống như các nhà cung cấp khác hiện đang cố gắng kết hợp các công nghệ đám mây khác nhau. Khi có quá nhiều doanh nghiệp chuyển sang đám mây, khách hàng cảm thấy họ đang hoạt động rất hỗn loạn, trong khi triển khai đám mây khiến họ gặp rủi ro không được quản lý. Là đối tác công nghệ của Amazon Web Services (AWS) của năm 2019, Cloud Conformity hiểu những rủi ro của việc triển khai này. Thương vụ mua lại Cloud Conformity hoàn toàn bổ sung cho danh mục đầu tư của chúng tôi và cung cấp giá trị ngay lập tức cho khách hàng. Cả con người và công nghệ của Cloud Conformity đều rất phù hợp với Trend Micro”.

    Trong các hoạt động mua lại có mục đích, yếu tố con người cũng quan trọng như công nghệ và Trend Micro sẽ nuôi dưỡng và phát triển cả hai như một phần của chiến lược bảo mật đám mây dẫn đầu thị trường. Việc bổ sung tất cả nhân viên của Cloud Conformity mang lại kinh nghiệm và chuyên môn quý giá, cùng với công nghệ, để giúp các doanh nghiệp xây dựng trên đám mây hiệu quả hơn, chứ không chỉ đơn thuần là xây dựng an toàn.

    Theo Gartner: “Đến năm 2023, có ít nhất 99% lỗi bảo mật trên đám mây sẽ là lỗi của khách hàng”. Gartner cũng nêu rõ: “Đến năm 2024, các tổ chức thực hiện cung cấp CSPM và mở rộng phát triển mảng này sẽ làm giảm bảo mật liên quan đến đám mây sự cố do cấu hình sai 80%. Bộ dịch vụ bảo mật đám mây toàn diện củaTrend Micro đảm bảo cho các doanh nghiệp rằng rủi ro của họ được quản lý một cách hiệu quả, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn tuân thủ”.

    Huawei vừa kêu khó khăn đã khoe thành tích công nghệ

    Phó Chủ tịch Huawei - Giám đốc chuyển đổi kỹ thuật số Edwin Diender. Ảnh: MWC19

    Phó Chủ tịch Huawei - Giám đốc chuyển đổi kỹ thuật số Edwin Diender cho rằng dù lệnh cấm từ chính quyền Mỹ đã tạo ra một rào cản cho Huawei nhưng chính nó đã thúc đẩy công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc tiến tới tự chủ công nghệ bằng cách tạo ra nền tảng di động mới và thúc đẩy cải tiến công nghệ.

    "Nó mang lại một chút khó khăn. Nhưng thường thì sau đó, tự bản thân sẽ phục hồi. Chúng tôi đã làm được thế. Đứng lên và tiếp tục. Trong trường hợp này, các lệnh cấm không thực sự là một thách thức. Chúng đang tạo ra những cơ hội tuyệt vời. Ví dụ, bạn đã biết đến một nền tảng di động mới của chúng tôi" - ông Edwin Diender nói trong một cuộc phỏng vấn.

    Vị lãnh đạo Huawei cho biết, các lệnh cấm của Mỹ đã giúp Huawei lựa chọn cách để giảm sự phụ thuộc vào những công ty Mỹ về công nghệ và cải tiến công cụ sản xuất của mình.

    "Các lệnh cấm đã giúp chúng tôi tạo ra một nền tảng di động mới một cách nhanh hơn, dựa trên những đổi mới cơ bản nhất do chính chúng tôi nghiên cứu và phát triển hoàn chỉnh. Đó là sản phẩm hoàn toàn của chúng tôi và chúng có hiệu suất cao nhất" - ông Diender cho biết.

    Dù rất tự hào về nền tảng di động tự thiết kế là HarmonyOS, Phó Chủ tịch Diender vẫn cho rằng, để nền tảng này là một sản phẩm hoàn hảo, Huawei có thể sẽ mất thêm thời gian.

    Bên cạnh tự phát triển công nghệ, Huawei cũng tìm các thị trường khác cho sản phẩm công nghệ viễn thông. Nga được cho là một thành công của công ty công nghệ Trung Quốc.

    Huawei đã ký một thỏa thuận với thành phố và khu vực St. Petersburg của Nga để xây dựng hạ tầng và phổ biến mạng 5G tại đây.

    Chưa kể, Huawei cũng có hợp tác với các tập đoàn viễn thông và công nghệ Nga Rostelekom, Megafon, Beeline và MTS... từ đó thúc đẩy phát triển cùng nghiên cứu công nghệ.

    Vào tháng 6, Huawei đã công bố kế hoạch phát triển một số trung tâm kỹ thuật tại Nga và triển khai các dự án liên quan đến y tế và dược phẩm bổ sung trong quan hệ đối tác với các công ty Nga.

    Có thể nói thị trường Nga sẽ là một thị trường chiến lược cho các sản phẩm công nghệ của Huawei.

    Phó Chủ tịch Huawei tuyên bố, công ty này đã đóng góp 11 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ thông qua việc mua các linh kiện điện tử.

    Nếu lệnh cấm được công bố hồi tháng 5 (vốn bị trì hoãn 2 lần) có hiệu lực vào ngày 19/11 tới, thì không chỉ Huawei mà ngay cả nước Mỹ cũng chịu thiệt không kém. Washington sẽ không chỉ mất đi 11 tỷ USD nói trên mà còn mất khoảng 55.000 công việc mà Huawei gián tiếp cung cấp thông qua đầu tư vào nền kinh tế Mỹ.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-cong-nghe-moi-nong-nhat-hom-nay-2410-sieu-pham-iphone-11-chong-nuoc-tot-hon-quang-cao-a298126.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan