Meta bị phạt kỷ lục 1,3 tỷ USD
Meta bị phạt số tiền kỷ lục vì chuyển dữ liệu người dùng EU sang Mỹ. Khoản phạt do Ủy viên bảo vệ dữ liệu Ireland (DPC) đưa ra sau khi Meta tiếp tục hành vi chuyển dữ liệu bất chấp một tòa án EU ra phán quyết vô hiệu hóa hiệp ước truyền dữ liệu EU – Mỹ vào năm 2020.
Án phạt “xô đổ” kỷ lục mà Amazon nắm giữ khi bị phạt 746 triệu EUR năm 2021.
Trận chiến chống lại việc lưu trữ dữ liệu của Facebook bắt đầu từ một thập kỷ trước, khi nhà vận động quyền riêng tư Max Schrems (Áo) đâm đơn kiện vì khuôn khổ pháp lý cho việc chuyển dữ liệu công dân EU sang Mỹ không bảo vệ được người dân khu vực trước sự theo dõi của Mỹ.
Meta tuyên bố sẽ kháng cáo và cho rằng, hình phạt đặt ra “tiền lệ nguy hiểm” cho vô số công ty khác. Hãng bày tỏ mong muốn một hiệp ước mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dữ liệu cá nhân của công dân EU sang Mỹ một cách an toàn sẽ được áp dụng đầy đủ trước khi phải đình chỉ chuyển giao dữ liệu.
“Nếu không thể truyền dữ liệu xuyên biên giới, Internet có nguy cơ bị chia nhỏ thành các cấu trúc quốc gia và khu vực”, Meta cho biết.
Hồi tháng 3, DPC nói quan chức EU và Mỹ hi vọng khuôn khổ bảo vệ dữ liệu mới – do Brussels và Washington thống nhất một năm trước – có thể sẵn sàng vào tháng 7. DPC đã phạt Meta tổng cộng 2,5 tỷ EUR vì các vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của khối có hiệu lực từ năm 2018. Cơ quan còn 10 cuộc điều tra vào các nền tảng khác nhau của “gã khổng lồ” này.
Ngoài ra, DPC yêu cầu Meta “đình chỉ bất kỳ việc chuyển giao dữ liệu cá nhân nào sang Mỹ trong khoảng thời gian 5 tháng”, tính từ khi có án phạt.
DPC là cơ quan quản lý hàng đầu EU, giám sát nhiều hãng công nghệ lớn vì trụ sở châu Âu của họ đặt tại Ireland.
Anh chi 1,2 tỷ đô la để thúc đẩy ngành công nghiệp chip máy tính
Theo kế hoạch của Vương quốc Anh, ngành công nghiệp bán dẫn của nước này sẽ nhận được khoản đầu tư lên tới 1 tỷ bảng Anh (1,2 tỷ USD) của Chính phủ trong thập kỷ tới. Con số này được cho là nhỏ so với Đạo luật chip của Mỹ với 52 tỷ đô la tiền hỗ trợ của Chính phủ và chương trình chip trị giá 43 tỷ euro (46 tỷ đô la Mỹ) của Liên minh châu Âu.
Số tiền do Chính phủ Anh cung cấp sẽ được tập trung vào nghiên cứu và phát triển, thiết kế và sở hữu trí tuệ cũng như các chất bán dẫn hỗn hợp tiên tiến. 200 triệu bảng đầu tiên sẽ được cung cấp từ năm 2023 đến 2025.
“Chiến lược mới tập trung nỗ lực vào những điểm mạnh của chúng tôi trong các lĩnh vực như nghiên cứu và thiết kế để xây dựng lợi thế cạnh tranh của mình trên trường toàn cầu”, Thủ tướng Rishi Sunak cho biết.
Chiến lược này nhằm mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp chip trong nước, cũng như giảm bớt sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bảo vệ an ninh quốc gia của Anh.
Chất bán dẫn vật liệu sản xuất con chip nhỏ bé đang kiểm soát mọi thứ từ ô tô, điện thoại thông minh đến máy giặt hay thiết bị y tế. Hầu hết các chip tiên tiến trên thế giới đều được sản xuất ở châu Á, đặc biệt là Đài Loan và Hàn Quốc, một lỗ hổng đã bộc lộ trong đại dịch Covid-19 khi các dây chuyền cung cấp bị xáo trộn, dẫn đến tình trạng thiếu sản phẩm sản xuất kéo dài.
Trung Quốc cấm hãng chip Mỹ
Lệnh cấm được chính quyền Trung Quốc đưa ra sau khi Micron không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng từ Bắc Kinh. Theo kết luận, các sản phẩm của Micron có "rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây nguy cơ bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và an ninh quốc gia". Do đó, mọi sản phẩm từ công ty chip Mỹ sẽ không được bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng (CIIO) tại Trung Quốc.
CIIO ở Trung Quốc bao gồm các lĩnh vực rất rộng, nhiều trong số đó được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia và sinh kế của người dân như giao thông, dịch vụ thông tin và truyền thông, tài chính, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng.
"Tất cả CIIO phải ngừng mua sản phẩm của Micron", đại diện Văn phòng Đánh giá An ninh Mạng, bộ phận thuộc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), cho biết ngày 21/5.
Quyết định được Trung Quốc đưa ra sau 50 ngày CAC tiến hành điều tra các sản phẩm của Micron cuối tháng 3 với lý do an ninh quốc gia. Lệnh cấm được xem là sự phản công của Trung Quốc trong bối cảnh tình Mỹ tìm cách siết mảng bán dẫn của nước này, đồng thời vận động các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc làm điều tương tự.
Hoàng Yên (T/h)