Huawei trình làng trạm sạc di động tiện dụng
Sau một thời gian nghiên cứu, Huawei mới đây đã giới thiệu tới người dùng trạm sạc di động đa năng iSitePower M Mini. Sản phẩm có công suất lớn, phù hợp với nhiều thiết bị và rất dễ sử dụng.
Cụ thể, iSitePower M Mini có 2 dòng sản phẩm công suất 500Wh và 1000Wh, phục vụ mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh. Thiết bị có thể sạc đồng thời từ nhiều nguồn khác nhau như ngõ sạc xe hơi, tấm pin mặt trời, điện lưới, type C. Ngõ ra của thiết bị cũng khá đa dạng gồm cổng sạc xe hơi, DC, cổng type C, cổng USB, ngõ ra AC hỗ trợ tất cả các loại đầu ra.
Sản phẩm mới ra mắt của Huawei đạt hơn 100 chứng chỉ kiểm định về chất lượng, chứng chỉ UN 38.3 CE. Ngoài ra, thiết bị còn vượt qua 4 bài kiểm tra về độ an toàn là kiểm tra áp lực, rung động, va đập, rơi vỡ.
Trạm sạc di động iSitePower M Mini của Huawei còn đảm bảo 6 chức năng bảo vệ nghiêm ngặt gồm bảo vệ xả quá mức, bảo vệ quá dòng, bảo vệ quá áp, bảo vệ quá tải, bảo vệ ngắn mạch, bảo vệ quá nhiệt.
Apple sửa chữa miễn phí iPhone gặp lỗi âm thanh
Apple vừa gửi thông báo đến người dùng iPhone 12 và iPhone 12 Pro về việc sửa chữa miễn phí nếu thiết bị gặp lỗi âm thanh. “Ông lớn” công nghệ Mỹ cho biết sự cố âm thanh chỉ ảnh hưởng đến một số ít các mẫu iPhone 12 và iPhone 12 Pro, hai phiên bản iPhone 12 mini và iPhone 12 Pro Max không bị ảnh hưởng.
Người dùng có 3 lựa chọn gồm tìm nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền của Apple, đặt lịch hẹn tại Apple Store hoặc liên hệ với bộ phận hỗ trợ của Apple để gửi điện thoại qua đường bưu điện.
Các thiết bị gặp sự cố sẽ được kiểm tra cẩn thận trước khi sửa chữa miễn phí. Người dùng lưu ý sao lưu toàn bộ dữ liệu trên iPhone thông qua máy tính hoặc iCloud, bên cạnh đó tham khảo các yêu cầu của Apple trước khi mang điện thoại đi sửa.
Trong trường hợp iPhone bị nứt màn hình, công ty sẽ yêu cầu người dùng giải quyết vấn đề màn hình trước khi sửa lỗi về âm thanh. Hiện, chương trình sửa chữa miễn phí iPhone 12 và iPhone 12 Pro đang được cung cấp trên toàn thế giới.
Meta lùi thời hạn mã hóa end-to-end với Messenger và Instagram
Mới đây, Meta thông báo trì hoãn cập nhật mã hóa end-to-end (E2EE) đối với 2 ứng dụng Facebook Messenger và Instagram cho tới hết năm 2023. Lý do được đưa ra là lo ngại về sự an toàn của người dùng.
Trước đó, vào năm 2019, Meta đã thông báo về kế hoạch tạo ra một hệ thống nhắn tin thống nhất trên mọi nền tảng. Đến năm 2020, Facebook Messenger và Instagram thực hiện việc hợp nhất nhắn tin trên tất cả thiết bị iOS và Android. Trong nhiều bài phát biểu, CEO Meta Mark Zuckerberg cho thấy mong muốn về hệ thống thống nhất này được mã hóa đầu cuối end-to-end theo mặc định trong thời gian sớm nhất.
Meta sẽ dùng dữ liệu không mã hóa trên các ứng dụng của mình gồm thông tin tài khoản, báo cáo từ người dùng để phát hiện hành vi lạm dụng trên nền tảng nhằm giúp giữ an toàn và hỗ trợ các nỗ lực an toàn công cộng.
Tuy nhiên, việc triển khai mã hóa đầu cuối end-to-end có nghĩa chỉ người gửi và người nhận mới thấy được nội dung cuộc trò chuyện. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc phát hiện các hình thức lạm dụng trên các nền tảng của Meta.
Được biết, viêc mã hóa đầu cuối end-to-end sẽ được kiểm soát chặt chẽ thông qua cơ chế yêu cầu các công ty thực hiện việc mã hóa cho phép các cơ quan thực thi pháp luật truy cập vào dữ liệu được mã hóa khi lệnh được ban hành.
Đinh Kim(T/h)