Người dùng phải trả tiền để được đăng bài lên X?
Một số ít mạng xã hội sẽ yêu cầu người dùng phải trả tiền để được xem các nội dung độc quyền hoặc sử dụng các tính năng nâng cao, còn hầu như tất cả các nền tảng mạng xã hội hiện nay đều cho phép người dùng đăng và chia sẻ nội dung hoàn toàn miễn phí.
Tuy nhiên, Elon Musk lại đang có ý tưởng thu phí người dùng nếu họ muốn đăng bài lên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
Ông Musk nói: “Mỗi khi người tạo bot muốn sử dụng nền tảng, họ sẽ phải chọn và sử dụng phương thức thanh toán mới. Đó là cách duy nhất tôi có thể nghĩ ra để chống lại đội quân robot khổng lồ”. Ông nói thêm: “Bởi vì một bot có giá chỉ vài cent, ngay cả khi nó phải trả vài đô la hay gì đó, chi phí hiệu quả của bot vẫn rất cao”.
Được biết, bot trên nền tảng truyền thông xã hội là một chương trình máy tính có thể thực hiện những việc như đăng bài, thích hoặc theo dõi các tài khoản mà không cần người thực hiện thủ công. Nó thường có thể dẫn đến việc phát tán thông tin giả mạo, gửi thư rác và thao túng các xu hướng hoặc số liệu tương tác. Chúng cũng có thể làm giảm tính xác thực của các tương tác trực tuyến và có khả năng đánh lừa người dùng.
Việc chuyển X sang nền tảng trả phí không thực sự là một điều gây sốc, đặc biệt khi xem xét những thay đổi gần đây. Trước đó vào tháng 11 năm ngoái, khi X bắt đầu cung cấp dịch vụ bán tích xanh Twitter Blue (sau đổi tên thành X Premium) với giá 8 USD/tháng, Elon Musk cũng đưa ra lý do muốn xác nhận người dùng để hạn chế những tài khoản giả mạo và ngăn chặn các nội dung sai sự thật.
Dù vậy, số lượng tài khoản giả mạo trên Twitter thậm chí còn tăng cao hơn. Nhiều kẻ xấu sẵn sàng bỏ ra 8 USD/tháng để sở hữu tài khoản tích xanh và đăng tải các thông tin thiếu chính xác, khiến người dùng không thể phân biệt được đâu là những tài khoản Twitter thật của người nổi tiếng, đâu là những tài khoản có dấu tích xanh nhờ mua dịch vụ Twitter Blue.
Hiện tại, nền tảng này tự hào có khoảng 550 triệu người dùng mỗi tháng. Mặc dù một khoản phí nhỏ hằng tháng có thể giúp chiến đấu với bot, nhưng việc biến X thành dịch vụ trả phí có thể khiến con số đó giảm xuống vì có vẻ như không có nhiều người dùng muốn đăng ký. Theo một phân tích độc lập, hiện chỉ có 827.615 người dùng sẵn sàng chi trả cho gói đăng ký trả phí X Premium, vì vậy việc thuyết phục mọi người tiếp tục sử dụng nếu họ phải trả tiền có thể là một thách thức.
Google phát triển kính hiển vi để phát hiện ung thư
Kính hiển vi là thiết bị không thể thiếu và không thể thay thế trong các phòng thí nghiệm, nó sử dụng thấu kính thủy tinh, ánh sáng để phóng đại các vật thể phục vụ trong công tác nghiên cứu.
Nó đặc biệt quan trọng trong ngành y tế nhưng trong quá trình sử dụng kính hiển vị các vi sinh vật, chẳng hạn như vi khuẩn, nấm và vi rút, tồn tại trong phạm vi kích thước này và nhiễu xạ trở thành một vấn đề đối với các nhà vi sinh vật học và bệnh học cố gắng nghiên cứu và chẩn đoán chúng.
Năm 2018, công cụ hỗ trợ có tên gọi là ARM hay kính thực tế tăng cường được giới thiệu để chuẩn đoán bệnh nhân nhưng chưa đưa vào sử dụng. Sau 5 năm, Google vẫn tiếp tục nghiên cứu với 13 nguyên mẫu ARM được tồn tại, nghiên cứu này cùng với hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ có những thử nghiệm quan trọng cuối cùng trước khi chúng được thêm vào kính hiển vi phục vụ chuẩn đoán lâm sàng bệnh ung thư.
Nguyên lý hoạt động của kính hiển vi này là khi một tấm kính được chuẩn bị và cố định dưới kính hiển vi, AI có thể phác thảo vị trí ung thư. Đường viền xuất hiện dưới dạng một đường màu xanh lá cây tươi sáng mà các nhà nghiên cứu bệnh học có thể nhìn thấy qua thị kính của họ và trên một màn hình riêng biệt. Trong đó, AI cũng chỉ ra mức độ tồi tệ của ung thư và tạo ra một bản đồ nhiệt đen trắng trên màn hình cho thấy ranh giới của ung thư ở dạng pixel.
Theo CNBC, thỏa thuận này sẽ cho phép Goolge phân phối ARM thông qua các bệnh viện trong quân đội với hy vọng rằng nó sẽ có sẵn cho một số người dùng chính phủ vào cuối năm nay.
ARM dự kiến sẽ tiêu tốn của các hệ thống y tế khoảng từ 90.000 đến 100.000 USD, với giá này nó được cho là vượt xa khả năng chi trả của các nhà cung cấp y tế địa phương.
Intel công bố kiến trúc vi xử lý thế hệ 14 Meteor Lake
Tại sự kiện Intel Innovation ngày 19-20/9 ở San Jose, CEO Pat Gelsinger cho biết kiến trúc vi xử lý mới sẽ được trang bị trong các chip ra mắt cuối năm nay, mở ra kỷ nguyên của AI PC (máy tính trí tuệ nhân tạo). Đây là những chip đầu tiên của hãng sử dụng thiết kế chiplet xếp chồng ba chiều Foveros 3D và kỹ thuật in khắc cực tím EUV.
EUV, ra đời năm 2011, là kỹ thuật in khắc cực cao, sử dụng ánh sáng để khắc mạch tích hợp phức tạp và là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. EUV cho phép đưa nhiều bóng bán dẫn hơn lên bề mặt tấm silicon, giúp tạo những mẫu chip mạnh, kích thước nhỏ và tiết kiệm điện năng hơn so với trước.
Dù đánh giá cao, lãnh đạo Intel khi đó tin EUV phải mất rất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thiện và ứng dụng thực tế. Vì thế, công ty tiếp tục dùng công nghệ cũ hơn là DUV. Trong khi đó, năm 2019, sau giai đoạn thử nghiệm, TSMC đã bắt đầu ứng dụng EUV ở quy mô lớn.
XEM THÊM: So sánh tính năng giữa iPhone 15 Pro và iPhone 15: Lựa chọn nào đáng tiền hơn?
Sự ra đời của Meteor Lake với kỹ thuật EUV, tiến trình sản xuất 7 nm (Intel 4) và công nghệ đóng gói Foveros 3D được đánh giá là bước ngoặt lớn của hãng trong quá trình chinh phục đỉnh cao trở lại. Điều này cũng giúp Meteor Lake trở thành bản nâng cấp lớn về hiệu suất, sau một số thế hệ chỉ thay đổi nhỏ về tiết kiệm năng lượng.
Trong xu hướng AI, Core Ultra cũng chứa bộ xử lý thần kinh NPU đảm nhiệm việc thực hiện các tác vụ AI tạo sinh, như tạo hình ảnh, giọng nói. Gelsinger và Jeffrey Kao, CEO Acer, đã trình diễn trên sân khấu việc tạo hình ảnh AI nhanh chóng trên một mẫu laptop Swift tích hợp Core Ultra.
Meteor Lake cũng đánh dấu thế hệ chip dành cho máy tính đầu tiên của Intel bỏ thương hiệu "Core i" vốn đã quen thuộc với người dùng suốt 15 năm qua. Intel cho biết dòng chip Core Ultra, chính thức ra mắt ngày 14/12, sẽ là bộ xử lý máy tính tiết kiệm năng lượng nhất công ty từng tạo ra, trong khi hiệu suất đồ họa cũng tăng gấp đôi.
Hoàng Yên (T/h)