Vì sao "tiếng ốn trắng" khiến Spotify thiệt hại 38 triệu USD?
Tiếng ồn trắng (white noise) là những âm thanh tạo cảm giác dễ chịu, giúp con người thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ, như tiếng mưa rơi, sóng vỗ, nước chảy. Thống kê cho thấy người dùng Spotify dành khoảng ba triệu giờ mỗi ngày để nghe loại âm thanh này.
Theo Bloomberg, nhiều người chuyên sáng tạo tiếng ồn trắng thu lời đến 18.000 USD mỗi tháng nhờ quảng cáo đính kèm trên Spotify, thậm chí có tài khoản vào top kênh podcast nhiều lượt nghe nhất thế giới. Loại podcast này được nền tảng xếp vào nội dung "trò chuyện" và được thuật toán ưu tiên, mang lại nguồn thu lớn cho người sáng tạo. Tuy nhiên, tài liệu nội bộ chỉ ra công ty tốn nhiều tiền thúc đẩy podcast tiếng ồn trắng, trong khi thực tế chúng không có cuộc trò chuyện nào. Nếu hướng người dùng khỏi nội dung này, công ty có thể tăng lợi nhuận gộp hàng năm thêm 38 triệu USD.
New York Post cho biết lãnh đạo công ty đã cân nhắc loại bỏ hoàn toàn podcast tiếng ồn trắng khỏi nền tảng, hướng người dùng đến nội dung âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng như Drake hay Ed Sheeran.
"Các podcast về tiếng ồn trắng trong tài khoản của tôi đã biến mất. Tôi không hiểu sao họ lại xóa chúng đi", một người than phiền trên mạng xã hội Reddit vào tháng 7.
Tình trạng bị ẩn khỏi Spotify được nhiều người xác nhận. Một podcaster giấu tên cho biết trên Bloomberg rằng file tiếng ồn trắng của anh bất ngờ "mất tích" hai lần trong năm nay. Các sự cố diễn ra từ 10 đến 20 ngày và khiến kênh tổn thất trung bình 20.000-50.000 lượt tải xuống mỗi ngày. "Hiện tôi chưa thể phục hồi lượng khán giả đã mất dù các podcast đang được phát trở lại", người này nói.
Đại diện Spotify giải thích phương án xóa podcast tiếng ồn trắng mới chỉ là đề xuất nhưng không được thông qua. Đồng thời, nền tảng thường thử nghiệm các cập nhật mới, sau đó sẽ liên hệ với từng người sáng tạo nội dung để giải quyết các khiếu nại cụ thể.
1/10 lượng iPhone 15 sẽ được lắp ráp từ Ấn Độ
Mặc dù Trung Quốc vẫn là quốc gia chịu trách nhiệm chính trong việc lắp ráp mọi mẫu iPhone 15, nhưng Ấn Độ sẽ lắp ráp cả hai mẫu tiêu chuẩn từ năm 2023 đến năm 2024. Và theo nhà phân tích Abhilash Kumar của TechInsights, quốc gia Nam Á này sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp 1/10 số lượng mẫu iPhone 15 trong năm nay.
Được biết, nhà máy của Foxconn ở Sriperumbudur (Ấn Độ) sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp iPhone mới. Thật thú vị, Ấn Độ lần đầu tiên trở thành thị trường quan trọng thứ năm của Apple trong quý 2, trong khi Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. TechInsights kỳ vọng quốc gia Nam Á sẽ sớm trở thành điểm xuất khẩu điện thoại hàng đầu của Apple.
Sau khi Foxconn bắt đầu lắp ráp các mẫu iPhone 15 mới nhất, Pegatron Corp. và Wistron Corp sẽ sớm nối gót công ty này trong việc sản xuất iPhone 15 tại Ấn Độ.
Một điều cần lưu ý là, trong khi Apple hướng sự chú ý đến Ấn Độ khi họ giữ mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, điều quan trọng cần lưu ý là quốc gia Nam Á này vẫn không sản xuất các bộ phận cần thiết để sản xuất iPhone ở đó.
Do đó, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào linh kiện từ Trung Quốc và các nước châu Á khác để lắp ráp các mẫu iPhone mới nhất. Như vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là nhà sản xuất iPhone hàng đầu cho Apple trong vài năm tới.
Dòng iPhone mới này dự kiến sẽ được giới thiệu trong sự kiện tháng 9 của Apple. Các tin đồn cho biết sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 12 hoặc 13 tháng 9./.
XEM THÊM: Apple cảnh báo người dùng không nên sạc iPhone khi ngủ
Rò rỉ dữ liệu cá nhân cảnh sát vùng Bern, Thụy Sĩ
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Trung tâm an ninh mạng quốc gia (NCSC) nước này ngày 19/8 đã thông báo với cảnh sát ở vùng Bern về một lỗ hổng bảo mật chưa từng được biết đến trước đây trong ứng dụng MobileIron được cài trên điện thoại thông minh của cảnh sát. Ứng dụng trên do công ty phần mềm CNTT Ivanti phát triển, được sử dụng trên toàn thế giới để đảm bảo kết nối giữa điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay và máy chủ tại trụ sở.
Thông báo của NCSC khẳng định lỗ hổng bảo mật đã được cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, song dữ liệu cá nhân đã bị rò rỉ. Những dữ liệu này, gồm số điện thoại và danh tính của cảnh sát, đã bị tin tặc sở hữu và có thể trở thành vấn đề nhạy cảm vì có thể bị tin tặc sử dụng nhằm vào cảnh sát.
Hiện cơ quan chức năng vùng Bern chưa biết tổ chức hay nhóm nào liên quan tới vụ tấn công này, cũng như chưa có dấu hiệu cho thấy thông tin cá nhân của cảnh sát bị tin tặc tung lên mạng.
Thời gian qua, hàng loạt cơ quan công quyền Thụy Sĩ liên tiếp bị tấn công mạng. Hồi tháng 6, tin tặc đã tung lên Darknet dữ liệu của Cơ quan cảnh sát liên bang và Cơ quan Hải quan và An ninh biên giới Thụy Sĩ. Ngoài ra, các công ty nhà nước về đường sắt hay y tế, nhà thầu quốc phòng RUAG hay Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế và nhiều trang web của chính phủ liên bang cũng bị tấn công mạng.
Hoàng Yên (T/h)