Apple thử nghiệm "Apple GPT", cạnh tranh ChatGPT
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ Apple đã xây dựng kế hoạch riêng để tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn – “trái tim” của các công cụ như ChatGPT, Bard. Với nền tảng có tên “Ajax”, Apple còn tạo ra dịch vụ chatbot mà nội bộ gọi là “Apple GPT”.
Trong vài tháng gần đây, AI được quan tâm nhiều hơn tại Apple và một số nhóm đang hợp tác trong dự án. Công việc bao gồm giải quyết các lo ngại quyền riêng tư tiềm tàng liên quan đến công nghệ.
Cổ phiếu Apple tăng 2,3% lên mức kỷ lục 198,23 USD sau khi Bloomberg đưa tin. Apple từ chối bình luận về thông tin này.
Apple đang yếu thế hơn các đối thủ ChatGPT, Google Bard và Microsoft Bing AI. Dù đã tích hợp các tính năng AI vào sản phẩm từ nhiều năm nay, đã đến lúc Apple nâng cấp bản thân. Công nghệ AI tạo sinh có thể viết luận, tạo ảnh, video dựa trên lời nhắc (prompt), thu hút sự chú ý của người dùng toàn cầu.
Nhà sản xuất iPhone không có mặt trong “cơn sốt” AI tạo sinh. Trợ lý giọng nói Siri bị đình trệ trong thời gian qua. AI xuất hiện trong một số lĩnh vực khác như cải thiện chụp ảnh, tìm kiếm trên iPhone. Ngoài ra, còn có phiên bản tự động sửa lỗi chính tả thông minh hơn ra mắt cuối năm nay.
Ra mắt Blackview N6000
Blackview N6000 sử dụng chipset MediaTek Helio G99 kết hợp với 8GB RAM, 256GB bộ nhớ trong. Điện thoại được cài sẵn giao diện người dùng DokeOS 3.1, dựa trên hệ điều hành Android 13, cung cấp các thông báo cải tiến và các tính năng nâng cao liên quan đến quyền riêng tư.
Cung cấp năng lượng cho máy là pin 3.880 mAh mang đến 22 giờ sử dụng bình thường, thời gian chờ lên tới 18 ngày.
Về quang học, smartphone đucợ trang bị camera sau 48MP và cảm biến 16MP ở mặt trước để người dùng chụp ảnh selfie, video call.
Thiết bị nặng 208g, dày 18,4mm, độ bền đạt chuẩn MIL-STD-810H, có thể chịu được ngâm dưới nước trong tối đa 30 phút ở độ sâu 15 mét, nhờ xếp hạng IP68 và IP69K.
N6000 hỗ trợ kết nối 4G LTE hai SIM và đi kèm với một nút bên có thể tùy chỉnh. Chiếc điện thoại này được bán với giá 159,99 USD (khoảng 3,78 triệu đồng).
Google thử nghiệm làm việc không Internet
Google cho biết chương trình đang được thử nghiệm với 2.500 nhân viên và sẽ tiếp tục mở rộng. Họ sẽ sử dụng máy tính để bàn đã bị vô hiệu hóa Internet, trừ một số công cụ chạy trên web nội bộ hay các dịch vụ thuộc sở hữu của hãng như Google Drive hay Gmail.
Google cũng không cho phép nhân viên chạy các lệnh quản trị máy tính hay cài thêm phần mềm vào máy của mình tại công ty. Nhân viên có quyền từ chối tham gia chương trình trên.
Theo tài liệu nội bộ, chương trình nhằm giảm nguy cơ tấn công mạng do nhân viên của công ty đang trở thành mục tiêu bị hacker nhắm đến. Nếu thiết bị của nhân viên Google bị xâm nhập, kẻ tấn công có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu người dùng cũng như mã cơ sở hạ tầng, dẫn tới sự cố lớn và làm giảm lòng tin từ người dùng.
Người phát ngôn của Google cho biết việc đảm bảo an toàn cho người dùng và các sản phẩm của hãng là ưu tiên hàng đầu. Do đó, hãng thường xuyên tìm cách củng cố hệ thống nội bộ của mình nhằm đối phó với tấn công mạng.
Chương trình được đưa ra giữa bối cảnh các công ty ngày càng phải đối mặt với những cuộc tấn công tinh vi. Tuần trước, Microsoft cho biết tin tặc Trung Quốc đã chiếm được một trong những mã khóa kỹ thuật số của họ, cũng như khai thác lỗ hổng trong mã nguồn xác thực để thực hiện chiến dịch gián điệp mạng. Tuy nhiên, Microsoft chưa xác định bằng cách nào hacker có được mã khóa đó.
Hoàng Yên(T/h)