+Aa-
    Zalo

    Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 19/7: Top 5 điện thoại tốt giá dưới 4 triệu đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Top 5 điện thoại tốt giá dưới 4 triệu đồng, Samsung tiếp bước Apple loại bỏ bộ sạc đi kèm smartphone,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 19/7/

    Top 5 điện thoại tốt giá dưới 4 triệu đồng, Samsung tiếp bước Apple loại bỏ bộ sạc đi kèm smartphone,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 19/7/2020.

    Top 5 điện thoại thiết kế đẹp, cấu hình ổn, giá dưới 4 triệu đồng

    1. OPPO A12 (3GB/32GB)

    OPPO A12 sở hữu thiết kế màn hình giọt nước tràn viền ra các cạnh. Màn hình của máy có kích thước 6.22 inch độ phân giải HD+, đáp ứng tốt ở mức hình ảnh rõ ràng, màu sắc tốt, đọc thông tin và xem phim thoải mái.

    OPPO A12 được trang bị bộ camera kép ở phía sau, bao gồm một camera chính có độ phân giải 13 MP và cảm biến phụ 2 MP, hỗ trợ chụp ảnh chân dung xóa phông. Camera selfie của OPPO A12 có độ phân giải 5 MP. OPPO A12 được trang bị bộ vi xử lý MediaTek Helio P35 8 nhân, kết hợp với RAM 3 GB và bộ nhớ trong 32 GB, có hỗ trợ thẻ nhớ ngoài microSD với dung lượng lên tới 256 GB.

    OPPO A12 có giá bán khoảng 2.690.000 đồng - 2.990.000 đồng.

    2. Samsung Galaxy A11

    Samsung Galaxy A11 sở hữu màn hình PLS TFT độ phân giải HD+. Điểm cộng của màn hình này là kích thước đến 6.4 inch. Galaxy A11 được trang bị bộ 3 camera mặt sau bao gồm: 13 MP + 5 MP + 2 MP, trong khi mặt trước là camera selfie 8 MP với thiết kế đục lỗ. Bộ 3 camera sau của Galaxy A11 hỗ trợ các tính năng thời thượng để người dùng có được những bức ảnh “sống ảo” đẹp mắt.

    Galaxy A11 sử dụng chip Snapdragon 450 8 nhân tốc độ 1.8 GHz, đi kèm dung lượng RAM 3 GB bộ nhớ trong 32 GB, có thể mở rộng bằng thẻ nhớ microSD tối đa 512 GB.

    3. Realme C3 (3GB/64GB)

    Realme C3 có màn hình rộng lên đến 6.5 inch với diện tích hiển thị đạt 89,9%. Realme C3 sở hữu bộ 3 camera sau, thông số lần lượt bao gồm: Cảm biến chính 12 MP, cảm biến xóa phông 2 MP và ống kính macro 2 MP, cho khả năng quay phim độ phân giải Full HD 30 FPS. Camera selfie của máy có độ phân giải 5 MP.

    Realme C3 sở hữu viên pin lớn trong phân khúc giá, với dung lượng 5.000 mAh. Máy cũng được trang bị vi xử lý Mediatek Helio G70 8 nhân xử lý xung nhịp 2.0 GHz, tối ưu dành cho nhu cầu chơi game mang đến hiệu năng vô cùng nổi bật trong tầm giá. Helio G70 có tốc độ xử lý nhanh gần gấp đôi, xử lý đồ họa nhanh gấp 4 lần so với Snapdragon 439.

    Realme C3 có giá bán khoảng 3.490.000 đồng - 3.590.000 đồng.

    4. Redmi 9 (4GB/64GB)

    Redmi 9 sở hữu màn hình siêu rộng 6.53 inch độ phân giải Full HD+ (1.080 x 2.340 px), thiết kế tràn viền mỏng các cạnh, màu sắc hiển thị trung thực ở nhiều góc nhìn. Xiaomi Redmi 9 sở hữu 4 camera sau bao gồm: Cảm biến chính 13 MP, cảm biến góc siêu rộng 8 MP, ống kính macro 5 MP và cảm biến đo độ sâu 2 MP.

    Xiaomi Redmi 9 trang bị vi xử lý MediaTek Helio G80 8 nhân tốc độ lên đến 2.0 Ghz, cho tốc độ CPU tăng 32%, xử lý GPU nhanh hơn 22% so với thế hệ tiền nhiệm. Nhờ con chip MediaTek G80, Redmi 9 có hiệu năng ổn định.

    Redmi 9 có giá bán khoảng 3.990.000 đồng.

    5. Xiaomi Mi A3

    Xiao Mi A3 sở hữu màn hình tràn viền AMOLED 6.008 inches cùng độ phân giải HD+, tỷ lệ màn hình trên máy là 19.5:9 mang đến hình ảnh hiển thị chân thực và rõ nét. Máy được trang bị camera trước có độ phân giải 32 Mp và bộ 3 camera phía sau có độ phân giải lần lượt là 48Mp, 8Mp và 2Mp.

    Xiaomi Mi A3 được trang bị vi xử lý Snapdragon 665, bộ nhớ 64 GB cùng hỗ trợ mở rộng qua thẻ nhớ. Máy chạy trên hệ điều hành Android One dựa vào phiên bản Android 9. Xiaomi Mi A3 sở hữu viên pin với dung lượng 4.030 mAh cho thời gian sử dụng kéo dài đến 48 giờ đồng hồ.

    Xiaomi Mi A3 có giá bán khoảng 3.990.000 đồng

    Samsung tiếp bước Apple loại bỏ bộ sạc đi kèm smartphone

    Sau khi có thông tin Apple sẽ loại bỏ bộ sạc hoặc EarPods đi kèm với hộp iPhone 12, hãng tin ETNews của Hàn Quốc tiết lộ Samsung cũng đang cân nhắc chiến lược tương tự.

    Theo hãng tin ETNews, Samsung xem xét việc loại bỏ bộ sạc đi kèm trong mẫu smartphone mới của mình bắt đầu từ năm tới, nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, nhiều người dùng smartphone của Apple và Samsung đã có sẵn bộ sạc, bán bộ sạc rời sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, đóng gói, vận chuyển, đồng thời làm cho bao bì nhỏ gọn và thân thiện với môi trường hơn.

    Việc loại bỏ bộ sạc kèm theo smartphone làm phần lớn người dùng thấy khó chịu. Ảnh: Android Authority.

    Giá smartphone đã tăng vọt trong thập kỷ qua do giá phần cứng cao hơn. Các Galaxy S20 của Samsung vừa ra mắt có giá khởi điểm từ 1.499 USD, cùng với nhiều nhà sản xuất khác đã phá vỡ rào cản 1.000 USD đối với sản phẩm hàng đầu (flagships) hiện tại của họ.

    Từ lâu khách hàng đã quen với việc mua smartphone có sẵn bộ sạc đi kèm. Nếu Apple và Samsung thực sự loại bỏ bộ sạc đi kèm, điều này có thể sẽ tạo thành thông lệ cho những nhà sản xuất khác trong thời gian tới.

    Theo Android Authority, nếu các hãng công nghệ không tặng kèm bộ sạc mà bán như một phụ kiện thiết yếu sẽ không giúp giá điện thoại rẻ hơn mà có thể làm giá bộ sạc tăng thêm.

    Đây cũng không phải lần đầu tiên vấn đề bộ sạc được đưa ra tranh luận. Trước đó, khi phát hành Galaxy S20 Ultra, Samsung cũng bị chỉ trích khi tích hợp bộ sạc 25W trong hộp nhưng lại bán bộ sạc nhanh 45W với giá 50 USD.

    Trong một cuộc khảo sát vừa thực hiện của Android Authority, 77% người dùng cảm thấy bực mình với thông tin iPhone 12 không đi kèm bộ sạc. Samsung đang là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, mỗi năm bán ra hàng trăm triệu chiếc điện thoại với nhiều phân khúc khách hàng. Quyết định này có thể sẽ khiến nhiều người không hài lòng. Samsung chưa ý kiến về thông tin này.

    Cảnh báo những mối nguy hiểm trên internet đối với trẻ em, ứng dụng kiểm soát hiệu quả

    Mạng internet mang tới nhiều tiện ích cho con người, trở thành thứ không thiếu của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những nguy hiểm có thể gặp phải khi dùng internet khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

    Theo một nghiên cứu tại Anh, 1/3 các ông bố bà mẹ nhận định những mối nguy hiểm trên internet đã thay thế nỗi lo về ma tuý và tình dục, khiến họ phải theo dõi hoạt động trên mạng của con cái. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề. Để tránh sự theo dõi của cha mẹ, 1/3 trẻ em 11-17 tuổi đã tạo thêm các tài khoản mạng xã hội bí mật.

    Một cuộc khảo sát với 1007 phụ huynh và 1.000 trẻ em của Censuswide đã tiết lộ rằng, 1/5 trong số trẻ em thừa nhận có “bạn bè bí mật trên mạng”. Thêm nữa, một nửa số trẻ em được khảo sát nói rằng, chúng cảm thấy không được thoải mái khi bị theo dõi và ít chia sẻ với cha mẹ về những nguy hiểm mà mình phải đối mặt trên mạng.

    Ứng dụng Wing giúp kiểm soát những thông tin xấu, nguy hiểm thông qua biểu hiện màu sắc nên không làm mất sự riêng tư của trẻ em.

    Trong khi đó, các bậc cha mẹ thừa nhận đã đấu tranh để xử lý các vấn đề như vậy. Ngoài ra, 20% trẻ em đã có hành vi bắt nạt trên mạng nói rằng chúng sẽ không tái phạm. Việc phong toả xã hội có thể làm tăng thêm những nguy hiểm bởi các gia đình đăng ký và sử dụng internet nhiều hơn và gần một nửa số phụ huynh nói rằng tranh luận thường xảy ra bởi nguyên nhân này.

    “Tôi tin tưởng vững chắc rằng phương tiện truyền thông xã hội không phải là kẻ thù. Đó thực sự là một nền tảng tuyệt vời để thể hiện bản thân, sáng tạo và phát triển. Tất nhiên việc sử dụng internet cũng có những rủi ro, nhưng mọi người đang khiến sự bất đồng giữa con cái với cha mẹ xuất hiện khi theo dõi chúng, mà không hề dạy chúng cách đối phó với nguy hiểm. Giao tiếp cởi mở và sự đồng thuận là chìa khóa để phát triển mối quan hệ lành mạnh và an toàn trong môi trường trực tuyến của con cái”, Joseph Sykora, chuyên gia về học máy và tâm lý tại công ty phần mềm Cogenis cho biết.

    Để giải quyết những thách thức mà cha mẹ và trẻ em phải đối mặt khi sử dụng mạng trực tuyến, lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của chính gia đình Joseph Sykora, Cogenis đã phát triển Wing, một ứng dụng “mạng lưới an toàn” bằng trí thông minh nhân tạo (AI) mới dành cho các phụ huynh.

    Thay vì áp dụng cách tiếp cận giám sát toàn diện, theo kiểu Big Brother khiến trẻ cảm thấy mất đi sự riêng tư mà vẫn có khả năng “tăng cường phục hồi các mối đe dọa trực tuyến”, ứng dụng Wing dùng AI để quét một cách không xâm phạm các hoạt động internet của trẻ. Sau đó, ứng dụng chỉ cảnh báo cho cha mẹ khi phát hiện ra điều gì đó liên quan, thay vì chia sẻ tất cả dữ liệu của trẻ. Wing sử dụng màu sắc và sự tương tự thời tiết (ví dụ: đỏ thể hiện cho sự tức giận) để giúp cha mẹ hiểu được trải nghiệm trực tuyến của con mình.

    Hình ảnh giao diện khi sử dụng ứng dụng Wing.

    "Các chuyên gia tin rằng cách để bảo vệ trẻ em khỏi nguy hiểm là trao đổi trực tiếp chứ không phải theo dõi sau lưng chúng. Đây là lý do tại sao Wing phải được cài đặt trên điện thoại với sự cho phép của trẻ, thay vì một công cụ bí mật để theo dõi hoạt động mà không có sự đồng ý”, công ty cho biết trong một thông cáo báo chí.

    “Trẻ em không phát triển hoàn toàn thuỳ trán, một khu vực quan trọng để điều tiết cảm xúc, cho đến khi trưởng thành, làm tăng khả năng khiến chúng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nội dung tiêu cực cao hơn”, nhà tâm lý học nội bộ của Wing, Jessica Swainston nói.

    “Tuy nhiên, các hành vi nuôi dạy con hạn chế để biết được bí mật của con, nhằm phục vụ nhu cầu của cha mẹ chứ không thực sự giúp con tránh được nguy hiểm. Tốt hơn hết phụ huynh cần cho trẻ em học các kỹ năng, kỹ thuật cần thiết để hoạt động trong xã hội thời đại công nghệ kỹ thuật số”, Jessica kết luận.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-cong-nghe-moi-nong-nhat-hom-nay-197-top-5-dien-thoai-tot-gia-duoi-4-trieu-dong-a331382.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan