Bí mật bất ngờ bên trong tất cả những chiếc iPhone; Apple nhận án phạt tỷ USD vì thao túng thị trường Pháp... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 17/3/2020.
Bí mật bất ngờ bên trong tất cả những chiếc iPhone ít người biết
iPhone là một cỗ máy cực kì phức tạp. Mỗi chiếc điện thoại của Apple đều có rất nhiều loại kim loại, trong đó bao gồm titanium, sắt và vàng. Trong đó, kim loại chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhôm – chất liệu cấu thành lên vỏ ngoài của hầu hết iPhone.
Ảnh: BGR |
Cụ thể, nhôm chiếm tỷ trọng khoảng 24% của một chiếc iPhone, theo sau bởi sắt với con số 14%, theo một phân tích từ Motherboard. Đồng và coban trong khi đó lần lượt chiếm tỷ trọng 6% và 5%. Có thể bạn chưa biết nhôm là một trong những kim loại có nhiều nhất trên thế giới mặc dù nó không tồn tại ở dạng tinh khiết trong tự nhiên. Thay vào đó, nhôm được sản xuất bằng cách tinh chế quặng bô-xit. Canada hiện là nhà xuất khẩu nhôm lớn nhất tới Mỹ trong khi đó Trung Quốc là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới.
Các nguyên tố đất hiếm khác là yttrium hay europium cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc vận hành một chiếc iPhone bởi chúng được cấu thành bên trong viên pin cũng như giúp điện thoại có thể rung khi người dùng nhận tin nhắn và tạo ra màu sắc cho màn hình, bên cạnh nhiều ứng dụng khác. Mặc dù chúng chỉ chiếm một tỷ trọng siêu nhỏ bé trong điện thoại, thế nhưng những nguyên tố này vẫn biến khai thác nguyên tố đất hiếm thành một ngành công nghiệp lớn.
Dù vậy, nhu cầu bùng nổ cho các nguyên tố trên có thể khiến môi trường phải trả giá. Quặng, hay đá, từ chúng có các chất phóng xạ và carcinogens có thể rò rỉ vào nguồn nước, phá huỷ rừng và đất nông nghiệp xung quanh khu vực khai thác, theo The Guardian. Cùng lúc, những người thợ khai thác cũng có thể phải chịu những tác động tiêu cực đến sức khoẻ, bao gồm cả bệnh ung thư và nhiều bệnh khác. Quartz cho biết Apple đang tìm các giải pháp thay thế nguyên tố đất hiếm khai thác để sử dụng trong iPhone, thay thế chúng bằng cách vật liệu tái chế.
Apple nhận án phạt tỷ USD vì thao túng thị trường Pháp
Theo CNBC, ngày 16/3, Cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp đã ra phán quyết yêu cầu tập đoàn Apple của Mỹ trả khoản tiền phạt 1,23 tỷ USD do có hành vi độc quyền mạng lưới phân phối bán lẻ độc lập.
Cáo buộc của Cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp cho biết, nhà sản xuất iPhone đã có hành vi áp đặt giá đối với các nhà phân phối bán lẻ. Điều này nhằm sẽ giúp giá của sản phẩm tại cửa hàng hay trang chủ của Apple bằng với giá bán tại những nhà phân phối bán lẻ.
Apple Store đầu tiên được mở tại Paris nằm trong trung tâm mua sắm Carrousel du Louvre. Ảnh: Arnaud Ducouret |
“Apple cùng Tech Data và Ingram Micro đã thỏa thuận ngầm sẽ không cạnh tranh và chấp nhận mức định giá thay vì cạnh tranh công bằng. Điều này sẽ khiến thị trường bán lẻ các sản phẩm của Apple bị tê liệt”, Isabelle de Silva, Giám đốc Cơ quan Giám sát Cạnh tranh của Pháp cho biết.
Tech Data và Ingram Micro, hai nhà bán lẻ thông đồng với kế hoạch độc quyền của Apple cũng lần lượt bị phạt 76 triệu euro (85 triệu USD) và 63 triệu euro (70,5 triệu USD). Hiện cả hai đại lý này đều chưa có bình luận gì về phán quyết trong khi Apple tuyên bố sẽ khiếu nại.
“Quyết định của Cơ quan giám sát cạnh tranh khiến chúng tôi rất thất vọng. Nó đã loại bỏ điều luật pháp lý đã tồn tại gần 30 năm mà tất cả công ty ở Pháp tuân thủ và sẽ gây ra sự hỗn loạn cho các công ty thuộc mọi ngành công nghiệp. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với họ và sẽ kháng cáo”, đại diện Apple trả lời CNBC.
Phán quyết mới này cũng là lần thứ hai mà chính quyền Pháp phạt tiền Apple chỉ trong vòng một tháng gần đây. Hồi tháng 2, Cơ quan Giám sát Tiêu dùng Pháp đã tuyên bố phạt Apple 25 triệu euro do bê bối cố tình làm chậm iPhone cách đây 2 năm.
“Bkav đang cùng các nhà mạng sản xuất smartphone để sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G”
Thông tin nêu trên vừa được đại diện truyền thông của BKAV chia sẻ với ICTnews.
Đại diện truyền thông BKAV cho biết, BKAV đang cùng các nhà mạng sản xuất smartphone để sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G trong thời gian tới. Ảnh minh họa |
Tập đoàn công nghệ BKAV tham gia sản xuất smartphone từ năm 2010 và chính thức cho ra đời mẫu điện thoại đầu tiên năm 2015 với thương hiệu Bphone được định vị ở phân khúc cao cấp, đến thời điểm hiện tại khi chuẩn bị cho ra mắt Bphone thế hệ thứ tư, đại diện truyền thông của BKAV cho biết, Bphone 4 sẽ có nhiều phiên bản ở nhiều phân khúc khác nhau.
Thông tin từ BKAV cũng cho biết, hiện nay nhà sản xuất này đã làm chủ công nghệ lõi, do đó có thể tối ưu giá được cho những sản phẩm smartphone có giá khoảng 40 - 50 USD.
“Nếu có lượng sản xuất lớn cùng sự trợ giá của các nhà mạng, nhà cung cấp ứng dụng thì việc phổ cập smartphone giá 500.000 đồng tới 100% dân số là có thể thực hiện được”, đại diện truyền thông BKAV nêu ý kiến.
Trước đó, định hướng phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số đã được người đứng đầu Bộ TT&TT chia sẻ trong phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành TT&TT.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Steve Jobs nói “Cái chết là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống”. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để alo. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh, và sẵn sàng cho công dân điện tử”.
Mới đây, tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết, cùng với chủ trương tắt sóng 2G, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy việc sản xuất ra những chiếc smartphone Việt Nam với giá bán chỉ 500.000 đồng để phổ cập tới tất cả người dùng di động.
Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có chương trình phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số. Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh Việt Nam với giá chỉ 45-50USD.
Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ bù giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng. Với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, điều này sẽ giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10 USD.
Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc smartphone Việt đến tay người dân chỉ còn khoảng 20 USD, tức là chưa đến 500.000 đồng. Khi 100% người dân sử dụng smartphone, điều này sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử.
Minh Khôi(T/h)